CSVN – Đầu mùa cạo mới năm 2020, PV Tạp chí Cao su VN đã có buổi trao đổi với ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG phụ trách công tác nông nghiệp về những định hướng của VRG để các công ty ổn định tổ chức sản xuất, tăng cường công tác điều hành, nâng cao năng suất vườn cây, đảm bảo thu nhập cho NLĐ.
– Thưa ông, VRG đã có hướng dẫn như thế nào cho các đơn vị trước mùa cạo mới trong năm nay?
Ông Lê Thanh Tú: Việc đưa vườn cây vào mùa cạo mới phải đảm bảo các yếu tố: bộ lá phát triển đầy đủ, độ ẩm của đất và các yếu tố điều hành, tổ chức sản xuất như chuẩn bị lao động, đào tạo tay nghề. Năm 2020, cuối tháng 3 hầu hết các đơn vị đã thực hiện tốt công tác trang bị vật tư, thiết kế miệng cạo để chuẩn bị cho việc mở cạo trở lại, có nhiều đơn vị đăng ký với VRG sẽ cạo đầu tháng 4.
Tuy nhiên, sau khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội để phòng chống dịch, HĐQT, Ban TGĐ VRG đã có nhiều văn bản hướng dẫn các đơn vị trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, các đơn vị đang cạo phải ngưng cạo, các đơn vị chưa cạo thì chờ đến sau ngày 15/4.
Quan điểm của VRG đó là chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ trong việc phòng chống dịch bệnh, điều này thể hiện trách nhiệm của ngành cao su với cộng đồng, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho NLĐ. VRG vẫn lấy nhiệm vụ phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu. Đồng thời duy trì sản xuất để đảm bảo việc thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch sản lượng năm 2020 và giúp cho NLĐ có công ăn việc làm, có thu nhập. Đó là nhiệm vụ kép phải thực hiện song song. Do đó, các đơn vị đủ điều kiện mở cạo thì tổ chức ổn định sản xuất nhằm bảo đảm mở đầu mùa cạo thuận lợi ngay từ ngày đầu tháng đầu của mùa cạo mới, làm nền tảng chuẩn bị tốt để hoàn thành hơn 360.000 tấn theo kế hoạch sản lượng năm nay.
Với đặc điểm công tác tổ chức khai thác mủ được thực hiện ngoài trời, đa số điều kiện sản xuất tập trung ở vùng sâu vùng xa, vì vậy nguy cơ phân tán bệnh Covid-19 hầu như không xảy ra tại các công ty trực thuộc VRG cho tới nay. Với điều kiện khách quan thuận lợi cho việc ứng phó dịch bệnh như vậy, nhưng không vì thế mà chủ quan. VRG lưu ý các đơn vị phải khéo léo tổ chức trong công tác tập kết mủ, sản xuất nhưng phải nghiêm túc chấp hành giãn cách xã hội theo quy định, quản lý lao động phù hợp. Bên cạnh đó phải chú ý đến an toàn lao động khi đầu mùa mưa thường có gió lốc, cây gãy đổ. Các đơn vị không tổ chức lễ ra quân, không tụ tập đông người, quán triệt đến NLĐ không sử dụng bia rượu khi thực hiện nhiệm vụ và chú ý an toàn giao thông. Tổ chức sản xuất phải phù hợp với chỉ đạo của từng địa phương, đồng thời duy trì công tác phòng chống dịch.
Về công tác bón phân trong quy trình kỹ thuật có quy định, bón phân cho vườn cây trên tinh thần tiết kiệm gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị. VRG duy trì chính sách cho phép bón phân trên vườn cây đúng theo quy trình kỹ thuật đang áp dụng. Tuy nhiên, VRG lưu ý đơn vị trong công tác bón phân phải đảm bảo được ba yếu tố đó là: đúng số lượng, chất lượng tốt và thực hiện cơ giới hóa khi bón phân nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Ban Quản lý kỹ thuật và các ban chuyên môn liên quan của VRG sẽ phối hợp kiểm tra về công tác này.
– VRG đánh giá như thế nào về việc chủ động, sáng tạo trong việc thu hút lao động của các đơn vị nhằm đảm bảo cho mùa cạo mới không thiếu lao động?
Ông Lê Thanh Tú: Tình trạng thiếu hụt lao động xảy ra ở một số đơn vị ở miền Đông Nam bộ do cạnh tranh lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của VRG, các đơn vị trong toàn ngành đã có sự chủ động, sáng tạo trong tổ chức sản xuất, thu hút lao động nhằm đảm bảo cho mùa cạo mới. Lãnh đạo các đơn vị có trách nhiệm trong vấn đề này, công tác thu hút và đào tạo lao động được thực hiện bằng nhiều cách, trong đó điều kiện tiên quyết đó là đảm bảo thu nhập để NLĐ ổn định đời sống. Trong tình hình các chi phí đầu vào ngày càng cao, gặp nhiều khó khăn trong công tác sản xuất nhưng thu nhập của NLĐ luôn là vấn đề được quan tâm nhất của lãnh đạo các cấp và tổ chức đoàn thể. Đến giờ này số lượng thiếu lao động không đáng kể.
VRG đánh giá cao những mô hình sáng tạo trong thu hút lao động, đồng thời là các giải pháp để giải quyết cho vấn đề lao động. Cụ thể như nâng cao tiền lương thông qua nâng cao năng suất lao động, đồng thời tiết giảm chi phí quản lý. Ngoài chế độ cạo thì các đơn vị tăng số cây trên phần cây cạo của NLĐ, chia phiên cạo sáng – chiều căn cứ vào thời tiết, địa hình phù hợp, thu mủ đông nhằm giảm cường độ lao động, tăng năng suất lao động. Hiện nay, đại đa số các đơn vị trong toàn VRG đang áp dụng chế độ cạo D3 và D4, hai chế độ cạo này cho năng suất tối ưu trên vườn cây. Vì vậy, VRG khuyến khích các đơn vị áp dụng chế độ cạo D3 và D4, trừ những trường hợp thiếu lao động trầm trọng mới cho áp dụng cạo nhịp độ thấp.
– Qua từng năm, Câu lạc bộ 2 tấn/ha của VRG ngày càng vinh danh nhiều đơn vị có vườn cây đạt năng suất cao. Xin ông cho biết trong thời gian trước mắt, VRG có những định hướng gì để các đơn vị tiếp tục duy trì năng suất cao, đồng thời có thêm nhiều đơn vị đạt được mục tiêu này?
Ông Lê Thanh Tú: CLB 2 tấn/ha của VRG nhằm vinh danh các đơn vị duy trì năng suất vườn cây cao liên tục, ổn định, năng suất cũng là một trong những yếu tố phản ánh hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị. Việc duy trì năng suất 2 tấn/ha là mốc để các đơn vị có sự phấn đấu. Năng suất tương ứng với công tác tổ chức sản xuất, thể hiện ở nhiều khía cạnh như trách nhiệm quản lý trong thâm canh, cơ cấu vườn cây, trình độ tay nghề của NLĐ… Để vườn cây đạt năng suất cao cần phải thực hiện đồng bộ công tác tái cấu trúc vườn cây, đồng thời các đơn vị phải xây dựng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để duy trì dòng sản lượng ổn định, bảo đảm cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Năng suất 2 tấn/ha là yếu tố cần thiết của bất kỳ đơn vị nào, điều này đúng với xu hướng phát triển chung của toàn ngành. Theo đánh giá của VRG, hiện nay các đơn vị đã đi vào ổn định sản xuất, có nhiều cách làm sáng tạo, gắn với tái cơ cấu vườn cây, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trên vườn cây giúp năng suất ngày càng tăng. Tôi tin rằng, với nhiều mô hình tổ chức mới, cách làm mới nên các công ty hiện tại trong CLB 2 tấn/ha vẫn duy trì được “phong độ” và VRG sẽ ngày càng có nhiều đơn vị ghi tên vào CLB 2 tấn. Điều này được thể hiện rõ qua năng suất của một số đơn vị như Bảo Lâm, Chư Mom Ray bắt đầu tăng, xu hướng bình quân năng suất của các đơn vị Tây Nguyên những năm gần đây đều tăng.
VRG đã quán triệt các đơn vị năng suất tăng gắn với phát triển môi trường, nghiêm túc không sử dụng hóa chất cấm ảnh hưởng tới môi trường. Đồng thời triển khai thực hiện chương trình phát triển rừng bền vững.
Đối với kế hoạch sản lượng năm 2020, VRG giao cho các đơn vị là sát với thực tế vườn cây, điều hành quản lý và rất hợp lý, khoa học. Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của xã hội, tuy nhiên với công tác khai thác mủ của VRG vẫn diễn ra bình thường. Do vậy, trước mắt VRG không có chủ trương điều chỉnh kế hoạch sản lượng cho các đơn vị. VRG khuyến khích các đơn vị vượt qua thách thức, tận dụng các cơ hội, nguồn lực để tổ chức sản xuất. VRG sẽ đồng hành và hỗ trợ các đơn vị hoàn thành xuất sắc và vượt mức kế hoạch sản lượng để có thêm nguồn lực chăm lo cho NLĐ.
– Trân trọng cảm ơn những trao đổi của ông!
QUỲNH MAI (thực hiện)
Related posts:
- Cao su Nghệ An: Hơn 8.500 cây cao su ảnh hưởng nặng do mưa lũ
- Năng suất cao nhờ tận thu mủ tốt
- Đảng bộ Cao su Bình Long: Khẳng định sự phát triển bền vững
- Công ty CPCS Đồng Phú: Hội nghị triển khai Hiến pháp sửa đổi năm 2013
- Giảm suất đầu tư - vấn đề sống còn của ngành cao su
- 1 tấm gương sống còn giá trị hơn trăm bài diễn văn tuyên truyền
- Cao su Sa Thầy: 5 sáng kiến áp dụng hiệu quả
- VRG chúc mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
- Kon Tum: Trồng mới gần 2.106 ha cao su tiểu điền
- VRG nghe báo cáo nhanh về kết quả hội nghị Trung ương 10