Nỗi lòng kinh doanh cà phê thời dịch

CSVN – Một trong những ngành dịch vụ bị ảnh hưởng rõ nét nhất bởi đại dịch Covid-19 là các hàng quán cà phê. Mặc dù tuân thủ quy định vì sức khỏe cộng đồng nhưng các hộ kinh doanh ngành này gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều quán vẫn mở cửa nhưng chỉ bán mang về tuân thủ quy định an toàn trong mùa dịch.
Nhiều quán vẫn mở cửa nhưng chỉ bán mang về tuân thủ quy định
an toàn trong mùa dịch.
Kinh doanh cầm chừng

Những ngày này, không khó để thấy rất nhiều những quán cà phê đóng cửa để bảng trước cửa tiệm: “Quán tạm nghỉ vì dịch”, nhất là những quán lớn thường ngày vốn rất đông khách khi chưa có dịch. Nhiều quán cóc cũng phải đóng cửa tạm ngưng không phục vụ tại chỗ, mà chỉ bán mang về.

Thời gian này, cũng như những quán cà phê khác trong địa bàn, quán cà phê pha máy của anh Duy Thanh trên đường Nguyễn Duy Trinh, Quận 9, TP.HCM cũng chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cam kết của phường về việc không cho khách ngồi uống tại quán để phòng tránh Covid

-19. “Quán tôi chỉ bán cho khách mang về, khách có nhu cầu mua cà phê chúng tôi vẫn bán để giữ “mối” nhưng giữ khoảng cách an toàn cho bản thân và cho khách bằng việc luôn đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng nước diệt khuẩn”, anh Thanh cho biết.

Việc phải tạm ngừng hoạt động khiến không ít  hộ làm nghề kinh doanh buôn bán cà phê hiện đang gặp khó, thậm chí “lao đao” trong mùa dịch. Nhiều quán phải cho nghỉ việc 70% nhân viên, chỉ giữ lại vài người để duy trì chờ qua cơn bĩ cực. Nếu quán lớn vài trăm m² ở khu vực Q1, Q2 (TP. HCM) thì tiền mặt bằng cũng đủ đã làm “đau đầu” các hộ kinh doanh cà phê, vì chí ít cũng phải mất cả hàng chục triệu đồng mỗi tháng, quán nhỏ cũng khoảng hơn chục triệu… Không kinh doanh vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng nếu không giỏi đàm phán với chủ cho thuê.

Anh Hoàng, chủ quán cà phê tại Q. Gò Vấp cho hay: “Quán của tôi phải trả tiền thuê mặt bằng hàng tháng là 30 triệu đồng. Bình thường nếu không có dịch, quán mở cửa mỗi ngày từ 6 – 22 giờ, khách đông mỗi ngày doanh thu dao động từ 10 – 15 triệu. Trừ hết chi phí, tiền lương cho 18 nhân viên, tính sơ tôi lãi vài triệu mỗi ngày. Giờ quán đành phải đóng cửa, không biết khi nào mới hoạt động lại được, mà tiền mặt bằng vẫn phải trả đủ cho chủ. Thế này, tôi e là sẽ không duy trì được cho tới khi hết dịch!”.

Tuy nhiên với những quán nhỏ hơn, như quán của chị Nga trên đường Phạm Văn Đồng thì vẫn tồn tại được, vì tiền thuê mặt bằng ở mức vừa phải, chị và 2 nhân viên thay ca cho nhau. Thời gian này, quán vẫn duy trì bán cà phê mang về. Nhờ lượng khách quen cũng khá nên thu nhập tạm ổn, đủ trả tiền mặt bằng và trang trải cuộc sống. Chị khoe với chúng tôi: “Tháng rồi, năn nỉ với chủ nhà được giảm 50% tiền thuê mặt bằng. Thôi kệ, gắng cầm cự cho qua ngày em ơi, chờ “cô vy” qua đi rồi tính tiếp”.

Trụ vững qua mùa dịch

Theo anh Thanh Hậu – Chuyên viên kinh doanh cà phê của một thương hiệu lớn tại TP. HCM, thời gian này, ngoài những phương cách kinh doanh sẵn có để duy trì cầm chừng qua dịch, thì những hộ kinh doanh cũng phải nắm bắt cơ hội để chuyển đổi hoặc mở thêm chi nhánh. Vì mặt bằng trong mùa dịch sẽ dễ dàng chọn lựa hơn do có nhiều cửa hàng đóng cửa và trả lại mặt bằng cho chủ nhà.

Bên cạnh đó, khi hết dịch chủ tiệm cũng dễ tìm nhân viên phục vụ hơn, vì đa phần ai cũng muốn nhanh chóng có một công việc để ổn định lại cuộc sống. Việc lựa chọn được nhân sự tốt, có kinh nghiệm sẽ giúp chủ yên tâm trong việc kinh doanh về sau.

Hơn nữa, số lượng quán cà phê là đối thủ cạnh tranh trực tiếp sẽ giảm đi đáng kể, do ảnh hưởng từ việc kinh doanh thua lỗ trong mùa dịch. Trong gian khó, nếu biết nắm bắt thời cơ, chủ động trong kinh doanh, khi mùa dịch qua đi sẽ là cơ hội tốt cho việc phát triển mô hình vốn đã rất sôi động ở giai đoạn tiền Covid – 19.

DUY VŨ