CSVN – Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các con phố, nẻo đường, khu dân cư nơi tôi sống được trả về nhịp sống tĩnh lặng và yên bình. Thay vào đó, trong mỗi gia đình các thành viên gắn kết với nhau hơn, không gian căn bếp trở nên ấm áp, bữa cơm rộn tiếng cười vui.
Được trải nghiệm và trưởng thành
Ngày chưa có dịch, “Hội bàn trà” trong khu phố nơi tôi ở, mỗi chiều về lại quây quần đông vui, gọi nhau uống ly chè tươi, chia sẻ trái cây vườn nhà, rồi cả những đêm reo hò cổ vũ “Việt Nam vô địch”… Nay, thay vào đó là những cánh cửa đóng kín, có chăng là một vài người rủ nhau tập thể dục buổi sáng, đánh cầu.
Nếu như ngoài đường vắng lặng thì trong nhóm “Xóm mình là số 1” (Nhóm chung của các thành viên trong xóm – P.V) lại luôn “sáng đèn”. “Cách ly, có chi mà sợ! Mọi người ở yên trong nhà là qua đại dịch”, đó là chia sẻ lạc quan của chị Ánh, bởi với chị đó là khoảng thời gian quý giá để bố mẹ thấu hiểu, chăm sóc và quan tâm con cái nhiều hơn; “Chồng mình “ngoan hẳn” khi có con côrôna các bạn ạ. Anh ấy biết lau nhà và rửa chén cơ đấy”, chia sẻ của chị Uyên; Còn chị Tuyết thì không ngần ngại đưa luôn hình ảnh cậu “quý tử” giúp mẹ lặt rau, xếp áo quần và hào hứng:
“Hóa ra con ta đã lớn!”…
Đó còn là không khí tràn ngập tiếng cười vào mỗi chiều của gia đình chị Loan, cứ sau một ngày tất bật học online, các con lại lên kịch bản “Hôm nay ăn gì”, để các thành viên trong gia đình thỏa sức sáng tạo (Anh lớn đi chợ, em gái kế chế biến món ăn, em trai lặt rau phụ bếp và cô út lăng xăng bóc hành, tỏi)… Những món ăn, các loại bánh “tự làm” được chia sẻ khiến cả nhóm trầm trồ: “Hóa ra thời gian “cách ly xã hội” lại là lúc giúp các con được trải nghiệm và trưởng thành”.
Muôn kiểu… “cách ly”
Anh Hoàng – kinh doanh lĩnh vực thủy sản cho biết, ngày thường anh ít ăn cơm nhà, những buổi làm việc với đối tác, những bữa tiệc thịnh soạn làm anh quên dần “món ngon vợ nấu”, và “nhờ” côrôna anh nhận ra “cơm nhà thật tuyệt”. “Mình có thời gian rảnh rỗi để chăm sóc cây cảnh, gần gũi với các con và các con lại học thêm kỹ năng sống”, anh bộc bạch chân thành.
Với vợ chồng chị Khương Nhi lại khác, anh chị làm việc trong ngành truyền thông, đặc thù công việc khiến anh chị ít có thời gian cho gia đình, mọi việc nhà giao cho bà ngoại thu vén, chăm sóc và đưa đón hai con đi học. Khi dịch bùng phát, anh chị ở nhà làm việc online, nên có thời gian chăm sóc, dạy con học và hướng dẫn con tô màu trên từng tranh vẽ. “Nhìn con chăm chú giải bài toán khó, loay hoay tô màu bức tranh mới vẽ về chủ đề “Gia đình thời Covid”, tự dưng mình ứa nước mắt và cảm thấy có lỗi với con”, chị Khương Nhi xúc động trải lòng.
Dịch bệnh Covid-19 buộc chúng ta cũng phải thay đổi, trong đó có những thay đổi theo chiều hướng tích cực. Mỗi cá nhân “sống lặng” chiêm nghiệm cuộc sống, con người, quan tâm nhau, và “gặp gỡ” nhau nhiều hơn. Những ngày tránh dịch, đường phố thênh thang, khu phố vắng lặng nhưng đang có sự kết nối bền chặt bên trong giữa con người với con người, con người với xã hội, gia đình với gia đình.
LÝ NGUYỄN
Related posts:
- Nhà truyền thống cao su Dầu Tiếng: khắc họa truyền thống hào hùng
- Chi hội Nhà báo Tạp chí góp phần giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ
- Sự tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa
- Gửi một lời yêu với ngành cao su
- Đảo Lý Sơn níu chân du khách
- Nơi nuôi dưỡng những ước mơ
- Văn hóa bình luận bóng đá
- Binh đoàn 15 bế mạc Hội thao thể dục thể thao quốc phòng
- Tiến tới 100 năm
- Cao su Sơn La: Ủng hộ hơn 9 triệu đồng cho đồng bào miền Trung