CSVN – Mặc dù nghiêm ngặt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, nhưng các công ty đã chuẩn bị ra quân khai thác và hy vọng vào một mùa bội thu.
Đã sẵn sàng
Khác với không khí rộn ràng, sôi nổi của mùa cạo mới diễn ra khắp các nông trường cao su như mọi năm, năm nay vì tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nên các đơn vị triệt để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo thông báo 1016/ TB-CSVN của VRG: “Yêu cầu các đơn vị ngưng mở cạo và khai thác cao su đến hết ngày 15/4 cho đến khi có thông báo mới của Tập đoàn”.
Chị Nguyễn Thị Hoàn – công nhân tổ 9, NT Thuận Phú, Cao su Đồng Phú, chia sẻ: “Thời điểm này các năm trước vui lắm, anh em công nhân tụ họp ở tổ chuẩn bị mùa cạo mới. Lãnh đạo công ty, đơn vị xuống thăm hỏi, động viên. Năm nay chưa có vì chủ trương phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, trước mùa cạo mới, vừa qua, công ty chi bổ sung lương cho công nhân với mức bình quân 600.000đ/tháng, nên công nhân chúng tôi bước vào vụ mới tinh thần rất vui vẻ, thoải mái”.
Đến thời điểm hiện tại, các công ty cao su đã tiến hành cho công nhân trang bị đầy đủ vật tư trên vườn cây như kiềng, chén, máng… và tiến hành cạo xả. Ban lãnh đạo các đơn vị và nông trường đã kết hợp sắp xếp, bố trí lao động phù hợp, nên lực lượng lao động ổn định. “Công nhân đã cạo xả và NT chuẩn bị ra quân khai thác vào ngày 1/4 thì ngưng lại theo chỉ đạo của VRG. Bước vào mùa cạo mới năm nay, NLĐ rất phấn khởi và chuẩn bị sẵn sàng. Tay nghề của công nhân Campuchia ngày càng cao về kỹ thuật khai thác” – Anh Nguyễn Văn Dương – GĐ NT Ou Tuek Thla, Cao su Bà Rịa Kampongthom, cho biết.
Ông Nguyễn Văn Tược – TGĐ Cao su Phước Hòa, chia sẻ: “Năm 2020, công ty được Tập đoàn giao chỉ tiêu sản lượng khai thác 11.500 tấn. Diện tích Cao su Phước Hòa chỉ còn gần 6.523 ha, sản lượng tiếp tục giảm do thanh lý 400 ha. Cơ cấu vườn cây không đồng đều, một số diện tích mới đưa vào khai thác năng suất chưa cao sẽ ảnh hưởng đến năng suất bình quân của toàn bộ các vườn cây, tình trạng thiếu lao động, nên phải bố trí diện tích cạo D4 chiếm hơn 50% trên tổng diện tích vườn cây khai thác… Hiện tại, công ty đã chuẩn bị chu đáo cho mùa cạo mới”.
Với diện tích vườn cây khai thác là 6.099 ha, trước mùa cạo mới năm 2020, lãnh đạo công ty và phòng kỹ thuật Cao su Đồng Phú kết hợp với các nông trường rà soát diện tích cụ thể để phân chia chế độ cạo hợp lý. Công ty bố trí cạo chế độ D3 chiếm tỷ lệ 70% diện tích. 30% diện tích còn lại cạo D4, chủ yếu trên vườn cây mới khai thác.
Lao động tương đối ổn định
Lao động luôn là vấn đề lo lắng trước mùa cạo mới, tuy nhiên theo tìm hiểu ở một số công ty trên Tây Nguyên lao động năm nay không thiếu trên diện rộng, chỉ cục bộ ở một số nông trường, khu vực. Riêng công tác trang bị vật tư cho vườn cây, hầu hết các đơn vị đã triển khai xong chỉ còn chờ mưa là ra quân thu hoạch mủ.
Khảo sát ở Nông trường An Biên – Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông cho thấy, dù là đơn vị ở biên giới, điều kiện sống và làm việc còn nhiều khó khăn nhưng lực lượng lao động không thiếu. Lý giải điều này, ông Võ Toàn Thắng – TGĐ công ty cho hay: “Hiện nay lao động trên địa bàn công ty đứng chân khá dồi dào, một phần do lực lượng lao động trở về từ các tỉnh khác vì ảnh hưởng của dịch Covid -19 và nguồn lực tại chỗ vẫn phong phú. Tuy nhiên, một số nông trường vẫn thiếu cục bộ nguyên nhân do đồng bào không chịu đi làm xa làng do đó việc điều động lao động của công ty cũng gặp đôi chút khó khăn”.
Trong khi đó, tại Cao su Mang Yang, ông Trương Minh Tiến – TGĐ công ty cho biết: “Sau khi tuyển dụng thêm hơn 100 lao động, tất cả là đồng bào dân tộc thiểu số thì nguồn lực lao động toàn công ty đáp ứng đủ nhu cầu để công ty triển khai thực hiện cạo chế độ D3”.
Theo tìm hiểu thì hầu hết các công ty Tây Nguyên chỉ thiếu lao động có tay nghề và trình độ cao. Do đó, hàng năm các công ty đều tổ chức đào tạo mới và đào tạo lại cho công nhân có tay nghề yếu kém nhằm cải thiện trình độ tay nghề của công nhân, giúp tăng năng suất vườn cây, sản lượng và năng suất lao động. Điển hình tại Cao su Chư Păh, đầu vụ khai thác 2020 công ty đã hợp đồng với Trung tâm nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật Tây Nguyên thuộc Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam tổ chức đào tạo mới và đào tạo lại cho cả công nhân cạo úp và xuôi với tổng số trên 200 người của 6 nông trường.
Chờ mưa
Đến thời điểm giữa tháng 4, Tây Nguyên bắt đầu đón những cơn mưa đầu mùa. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để các công ty tổ chức ra quân thu hoạch mủ. Địa bàn tỉnh Kon Tum ghi nhận mưa đến sớm nhất, trong khi đó cũng trên địa bàn Kon Tum nơi cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray và Cao su Sa Thầy đứng chân thì mưa vẫn chưa đến nên công việc trang bị vật tư cho vườn cây cũng chậm hơn so với Cao su Kon Tum.
Khắc nghiệt hơn là vùng Ia Mơr của Nông trường An Biên – Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông. Theo anh Nguyễn Trung Kiên – GĐ nông trường: “Nơi đây khắc nghiệt hơn bất cứ nông trường nào của công ty, mưa đến muộn nhất, nắng nóng kéo dài. Do vậy, công tác trang bị vật tư cho vườn cây đến cuối tháng 4 mới xong”.
Chúng tôi gặp vợ chồng chị Siu Vứt ở Đội 33 – Nông trường An Biên đang rập những bảng cạo. Chị Siu Vứt chia sẻ: “Vợ chồng mình là những người đầu tiên vào đây trồng cao su, nhưng mới bắt đầu đi cạo từ năm 2019. Thường thì đầu tháng 4 nông trường yêu cầu đi trang bị vật tư để chuẩn bị cạo mủ, công việc này 2 vợ chồng làm khoảng 2 tuần”.
Nhìn chung, đến giữa tháng 4 hầu hết các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên đã hoàn tất công việc trang bị vật tư cho vườn cây và sẵn sàng chờ những trận mưa lớn, đủ ẩm là có thể tiến hành ra quân khai thác mủ.
THIÊN HƯƠNG – VĂN VĨNH
Related posts:
- “Đảng bộ VRG tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị"
- Hào hứng hội thi cấp nông trường
- Công ty 75 quyết hoàn thành vượt mức chỉ tiêu năm 2020
- Cao su Krông Buk: Lương bình quân đạt 110% kế hoạch
- Sở Nông nghiệp tỉnh Bình Dương làm việc với Cao su Dầu Tiếng
- Trao nhà tình thương cho công nhân Cao su Đồng Phú
- Doanh thu Cao su Bình Thuận năm 2017 ước đạt 540 tỷ đồng
- Cao su Sa Thầy: Lần đầu tiên tổ chức hội thi "Bàn tay vàng"
- VRG khánh thành Nhà máy chế biến cao su Sơn La 28-10
- VRG thông qua phương án cổ phần hóa