Người “giữ lửa” cho dệt thổ cẩm Glar

CSVN – Ở thôn Dôr II, xã Glar, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai có một phụ nữ được mệnh danh là người “giữ lửa” cho nghề dệt thổ cẩm của địa phương, đó là nghệ nhân Mlop. Chị cũng là người sáng lập, phát triển HTX Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Glar từ chỗ chưa ai biết đến nay trở thành thương hiệu có tiếng.
Công đoạn ra chỉ quyết định đến sự thành công của sản phẩm.
Công đoạn ra chỉ quyết định đến sự thành công của sản phẩm.
Giữ gìn, phát triển dệt thổ cẩm bằng tình yêu

Những khung cửi của các hộ gia đình đồng bào Bana ở thôn Dôr tưởng như đã trôi vào quên lãng bỗng hoạt động trở lại. Đó là nhờ vào tình yêu, sự nỗ lực của nghệ nhân Mlop từ hơn 14 năm qua. Gặp và nghe chị kể về chặng đường gìn giữ và phát huy nghề truyền thống cha ông, chúng tôi mới thật sự cảm kích, quý trọng con người đã dành cả cuộc đời mình cho tình yêu với dệt thổ cẩm.

Chị cho hay: “Ngay từ khi đang học lớp 3, lớp 4, tôi đã quen với hình ảnh khung dệt, vải thổ cẩm. Vì thường ngày luôn bên khung cửi của mẹ, giúp mẹ nhiều việc nên tường tận từng đường nét, sắc màu của nhiều loại hoa văn thổ cẩm. Ban đầu chỉ là làm chơi, sau đó dệt để mặc khi lễ hội hoặc làng có việc”.

Theo thời gian, nhiều gia đình trong làng không làm nữa mà chọn công việc khác có thu nhập tốt hơn nên nghề dệt thổ cẩm dần mai một. Tuy nhiên bà con vẫn thích dùng những sản phẩm này để địu con, làm túi đựng sách đến trường, đựng kinh thánh khi đi nhà thờ nên vẫn có nhu cầu đặt mua. Họ đặt gia đình chị làm, vì yêu thích những sản phẩm và không muốn thất truyền nghề này nên gia đình chị quyết định làm thương mại, đồng thời dạy cho con cháu trong nhà. Đó cũng là thời điểm ra đời của HTX Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Glar vào năm 2006, nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương cùng sự đồng lòng quyết tâm của 40 hội viên với số ban đầu vỏn vẹn khoảng 15 triệu đồng.

Sự khéo léo, tinh tế trong từng đường dệt của chị được người dân trong và ngoài làng biết đến. Vì thế, sản phẩm của chị làm ra luôn được mọi người yêu thích và đặt mua. Cứ tranh thủ lúc nhàn  rỗi chị lại ngồi vào khung cửi, tỉ  mỉ với từng đường dệt, từng nét hoa văn cho từng chiếc áo, chiếc váy, chiếc khố, cái khăn… Gắn bó với nghề từ nhỏ nên khi ngồi vào khung dệt là dường như chị được thỏa sức sáng tạo, thử nghiệm những ý tưởng lên từng thớ vải, đó cũng chính là sự độc đáo, là bản sắc của thổ cẩm Bana.

Chị Mlop giới thiệu những sản phẩm hoàn thiện
Chị Mlop giới thiệu những sản phẩm hoàn thiện
“Cô giáo” của những nghệ nhân

Để giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của cha ông và truyền đam mê dệt thổ cẩm đến với mọi người, chị Mlop đã tự mở các lớp học để truyền dạy nghề dệt và nâng cao tay nghề cho các học viên. Hiện nay, các thành viên đang tích cực nâng cao tay nghề để tạo ra những sản phẩm đa dạng hơn. Chị Mlop cho biết: “Mấy năm nay nghề dệt phát triển rồi, học sinh nghỉ hè đều tham gia dệt, mỗi lớp khoảng 30 em, học chừng 3 tháng”. Không chỉ mở lớp học tại nhà, chị còn được tỉnh Gia Lai mời đi dạy rất nhiều lớp dệt thổ cẩm cho các huyện Ia Pa, Chư Păh, thị xã An Khê, Ayunpa, ở trung tâm dạy nghề của tỉnh… Cũng theo chị Mlop “Phải mất cả chục năm mới có được một học trò giỏi, say mê nghề. Đó cũng là nhân tố để tiếp lửa cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống”.

Có lẽ, trong vô vàn những nỗ lực bảo tồn nghề truyền thống thì việc đào tạo nguồn nhân lực “Giỏi tay nghề, vững đam mê” là yếu tố quyết định đến sự tồn tại của nó. Vì chỉ có đam mê mới trở thành động lực để lớp trẻ dày công tìm hiểu, nghiên cứu, sáng tạo những mẫu mã, hoa văn mới trên con đường đa dạng hóa sản phẩm.

Được làm việc, được truyền nghề là niềm yêu thích của nữ nghệ nhân Mlop. Nhờ sự sáng tạo, niềm đam mê của chị mà đồng bào Bana đã tạo ra những sản phẩm truyền thống đặc trưng, độc đáo. Đồng thời, giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập.

GIA LINH