KỲ 2: THẮM TÌNH HỮU NGHỊ VIỆT – LÀO
CSVN – Chương trình phát triển cao su tại nước ngoài của VRG không chỉ đặt mục tiêu về kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thắt chặt tình đoàn kết giữa hai dân tộc. Hiện nay, các đơn vị trực thuộc VRG tại Lào, Campuchia đang thực hiện tốt nhiệm vụ đó. Với những thành tựu đạt được, Cao su Việt Lào được xem là biểu tượng cầu nối thắm tình hữu nghị giữa Việt Nam và Lào.
Thắt chặt quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai nước
Trong chuyến công tác tại Lào, chúng tôi có dịp gặp ông Bùi Thế Dũng – Tổng lãnh sự 4 tỉnh Nam Lào cùng các anh chị cán bộ ở văn phòng Tổng lãnh sự. Là người luôn theo dõi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư và người dân Việt Nam tại 4 tỉnh Nam Lào, ông đã có những đánh giá sâu sắc về những đóng góp của Cao su Việt Nam trên phương diện kinh tế và ngoại giao với nước bạn Lào.
Ông nhấn mạnh: “Như lời khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào là mối quan hệ vĩ đại. Qua thời gian, tình hữu nghị, đoàn kết dân tộc giữa hai nước càng được bồi đắp hơn nữa. Tôi cho rằng, thành tựu đó có sự đóng góp to lớn của các doanh nghiệp Việt Nam qua đầu tư tại Lào. Trong đó không thể không kể đến các doanh nghiệp của VRG, tại Lào nổi bật có Cao su Việt Lào”.
“Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, VRG có chương trình phát triển cao su tại Lào, sau 15 năm xây dựng và phát triển, Cao su Việt Lào không chỉ đạt nhiều kết quả to lớn về kinh tế, mà còn đóng góp to lớn trong việc giữ gìn văn hóa bản sắc dân tộc Việt, giúp người dân địa phương có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, tuân thủ luật nước bạn Lào, đóng ngân sách đầy đủ, đóng góp toàn diện từ kinh tế đến an sinh xã hội. Kết quả này không chỉ được Đảng và Nhà nước Việt Nam ghi nhận, mà còn được lãnh đạo nước bạn đánh giá cao, có thể khẳng định rằng Cao su Việt Lào đã góp phần thiết thực vào việc củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt – Lào”, ông Dũng cho biết thêm.
Theo chúng tôi tìm hiểu, tỉnh Champasak là trung tâm phát triển của Nam Lào với tổng diện tích 15.350km2, dân số 735.000 người. Champasak có tiềm năng phát triển ở các lĩnh vực du lịch, chế biến và nông sản. Tính tới thời điểm hiện nay đã có 5.400 dự án của 18 quốc gia đầu tư tại Champasak. Riêng ở lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam chiếm số đông. Về phương diện ngoại giao, tỉnh Champasak đã kết nghĩa với 15 tỉnh và 3 thành phố lớn ở Việt Nam với mục đích tăng cường hỗ trợ, hợp tác cùng nhau phát triển trên mọi lĩnh vực. Hơn 8.000 người Việt đang sinh sống và làm việc tại Champasak.
Để tìm hiểu rõ hơn về những đóng góp của Cao su Việt Lào cho địa phương, chúng tôi gặp ông Bua Sỏn Vông Song Kong – Phó Tỉnh trưởng tỉnh Champasak. Ông khẳng định: “Cao su Việt Lào đã nghiêm chỉnh chấp hành các quy định luật pháp, tôn trọng phong tục tập quán tốt đẹp của Lào, thiết lập tình đoàn kết với nhân dân các địa phương và nhân dân trong khu vực dự án. Bên cạnh đó, công ty luôn hợp tác với ủy ban chính quyền các cấp của Lào theo hướng mà hai Đảng hai Chính phủ Lào – Việt Nam giao nhiệm vụ, thắt chặt quan hệ đoàn kết hữu nghị ngày càng xanh tươi”.
Trong quá trình triển khai dự án tại nước bạn, Cao su Việt Lào đã không ngừng chăm lo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho CB.CNVC – LĐ Việt Nam và người dân các bộ tộc Lào. Công ty đã tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán và tâm tư của người Lào, chủ động xây dựng giải pháp chi trả tiền lương, thưởng cho công nhân cạo mủ phù hợp với tình hình khó khăn khi giá mủ xuống thấp mà không giảm thu nhập. Chính sách này được NLĐ, Công đoàn tỉnh Champasak và huyện Bachiang rất hưởng ứng.
Như anh em trong một nhà
Trong bài viết trước, chúng tôi đã đề cập đến những con số cụ thể về thu nhập của NLĐ và những đóng góp của công ty cho địa phương. Vì vậy, ở bài này chúng tôi mong muốn truyền tải ý kiến của CNLĐ người Lào đến bạn đọc để nghe họ chia sẻ những tình cảm với công ty.
Năm 12 tuổi ông Tha Von – Bản Huội He đã theo cha qua Hà Nội sinh sống, đến giờ ông vẫn nhớ như in những con phố ở thủ đô của Việt Nam. Năm 2005 khi VRG triển khai dự án phát triển cao su, ông thấy mình có duyên với Việt Nam nên xin vào làm. Tính đến nay đã tròn 15 năm ông làm bảo vệ cơ động của công ty. Bà xã của ông cũng làm việc tại Nông trường Bachiang 2.
Ông cho hay: “Trước đây khi chưa có dự án, người dân chủ yếu làm vườn làm rẫy. Nhưng khi VRG có dự án quy mô lớn là Cao su Việt Lào thì hầu hết người dân 50 bản trong vùng dự án đều xin vào làm cao su. Công ty đã làm nhiều công trình phúc lợi cho NLĐ và gia thuộc được thụ hưởng. Khi vừa cây đưa vào khai thác thì mỗi tháng NLĐ đều đặn nhận được 3 – 4 triệu kíp. Đây là mức thu nhập mà trước đây nếu không làm cao su thì người dân không dám nghĩ đến. Nhờ đó, đời sống bà con thay đổi rất nhiều, mua sắm thêm nhiều thiết bị hiện đại. Cán bộ người Việt và công nhân người Lào có sự đoàn kết, luôn giúp đỡ nhau hoàn thành tốt công việc”.
Nàng Bức – cán bộ kỹ thuật Nông trường Bachiang 4 đã từng gây ấn tượng với bạn bè trong các dịp Hội thi Bàn tay vàng cấp ngành bởi nhan sắc thu hút, nụ cười rạng rỡ. Nếu như ngày mới tập tành những đường cạo trong lớp học thì chị chỉ mong tay nghề được tốt để thu nhập hàng tháng cao thì nay chị đã trở thành cán bộ kỹ thuật, hướng dẫn lại công nhân người Lào kỹ thuật khai thác mủ. Ngày đó, chị cũng chưa từng nghĩ rằng mình sẽ trở thành cán bộ, ấy thế mà chính sự cần mẫn của cô thợ cạo ham học hỏi, chị nhiều lần nằm trong đội tuyển thi thợ giỏi của công ty tham gia cấp ngành và được công nhận là kiện tướng. Nhận thấy năng lực của chị, công ty đã quan tâm, đào tạo để chị trở thành cán bộ kỹ thuật nông trường.
Chị nói: “Làm việc cho Cao su Việt Lào, công nhân người Lào được quan tâm lắm. Vào những ngày lễ Tết truyền thống, công ty đều tổ chức lễ lớn cho công nhân người Lào. Trong công việc, chúng tôi được hỗ trợ nhiều, cán bộ người Việt dễ gần, luôn chỉ bảo tận tình cho anh chị em. Đặc biệt, ai giỏi đều có cơ hội phát triển hơn, hiện nay trong công ty có nhiều cán bộ kỹ thuật, tổ trưởng là người Lào. Người Việt với người Lào như anh em trong một nhà. Ở đây chúng tôi được hiểu thêm về văn hóa Việt và được giao lưu bản sắc văn hóa, tăng tình đoàn kết tương trợ lẫn nhau”.
Không chỉ vậy, hiện nay, trong công ty có 40 – 50 cặp vợ chồng Việt – Lào. Đây cũng là một điểm rất đặc biệt khi cao su là nơi se duyên cho các cặp đôi. Họ tìm hiểu, kết duyên chồng vợ và cùng xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc trên đất nước hoa Chămpa.
Chúng tôi đến thăm vợ chồng anh Võ Đại Quang – Tổ trưởng Tổ 11 và chị Nàng Nin – công nhân tổ 11, Nông trường Bachiang. Khi được hỏi về cơ duyên nên vợ nên chồng, chị Nin bẽn lẽn cười nhưng ánh lên niềm hạnh phúc. Với chị Nin thì: “Cao su Việt Lào không chỉ giúp gia đình tôi thoát nghèo, mà đây còn là nơi tôi và chồng gặp gỡ, tôi tin rằng sợi dây giữa chúng tôi với công ty sẽ ngày càng bền chặt hơn nữa”.
NGỌC MAI
(Xem tiếp kỳ 3: Ứng dụng sáng kiến, cải tiến khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh)
Related posts:
- Cạo D4 thể hiện sự vượt trội
- Xử lý nước thải không dùng hóa chất
- Công nghệ xử lý nước thải của cao su Bình Long nhận giải sáng tạo kỹ thuật toàn quốc
- Đoàn thợ giỏi cao su Sa Thầy: Thành quả là cả quá trình rèn luyện
- Bộ lá ổn định nhờ chú trọng phun phòng bệnh phấn trắng
- Cải tiến công nghệ mủ tờ RSS
- Thử nghiệm bê tông nhựa đường cao su
- Thi đua yêu nước góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất
- Giải pháp kỹ thuật tiết giảm suất đầu tư
- Cao su Việt Lào: Mô hình kiểu mẫu tại nước ngoài của VRG