Thư gửi em mùa chống cháy!

CSVN – Những ngày của tháng ba đang dần qua, anh vẫn nợ em một lời hẹn. Nhưng em biết không? Dịch bệnh Covid -19 đang có những diễn biến phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng gia tăng và cây cao su đang “khát nước” – mùa chống cháy đang bước vào tháng cao điểm. Tụi anh cứ bảo nhau: “Chống cháy như chống dịch”. Anh nghĩ rằng, nếu lỡ hẹn vì công việc chắc em và con sẽ không trách và giận anh, phải không em?
Ảnh: CTV
Ảnh: CTV

Em à, Suối Kiết mùa này cũng đang cạn khô vì nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời hanh khô, nắng khét lẹt cháy da người. Tụi anh cứ đùa bỡn rằng: Nắng và gió thế này “con covid” nào rồi cũng sẽ bị “thiêu cháy”… Đùa thế thôi, nhưng tinh thần phòng chống cháy cũng giống như phòng chống dịch bệnh Covid -19 được quán triệt về các đơn vị, bọn anh triệt để thực hiện, không bi quan nhưng cũng không lơ là, chủ quan.

Nhiều lúc bất chợt nhìn những cây cao su đứng im lìm “kiên gan” trong nắng gió, thế mới thấy, ai đó phong tặng loài cây này như những “chiến binh dũng cảm” quả không sai. Nó xứng đáng được tôn vinh. Ừ, mà dũng cảm quá phải không em? Trên những cành cây khẳng khiu kia, sau khi trút hết những chiếc lá vàng cuối cùng, giờ đây những tán lá lại xanh um đầy sức sống, mạnh mẽ vươn lên đón khí trời nhưng thể chưa hề trải qua một chu kỳ “dưỡng sức”, những vũ khúc màu xanh đem đến cho bọn anh một niềm tin, hy vọng vào mùa khai thác mới nhiều thắng lợi.

Bất chợt anh lại nhớ hình ảnh cây sồi già trong tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” của Lep Tônxtôi,“Làm gì có mùa xuân, có ánh nắng, có hạnh phúc”. “Và dưới gốc cây sồi cũng có hoa, có cỏ, nhưng nó vẫn thế, cau có, lầm lỳ, què quặt và kiên gan đứng im lìm giữa đám hoa cỏ ấy”. Bởi cây sồi già kia không tin vào phép nhiệm màu của mùa xuân và tình yêu.

Nhưng em ơi, riêng những cây cao su kia, dù trải qua bao thăng trầm nhưng vẫn tin vào mùa xuân và tình yêu, dù mùa xuân cây lặng thầm trút lá, căng mình vượt qua mùa khô hanh khắc nghiệt, và rồi những cành cây trơ trọi kia lại nhú lộc và bung nở những tán lá xanh non, vững tin vào sự kết dính của tình cây – tình đất – tình người.

Chẳng phải sao, cả đời cây vẫn lặng lẽ hiến dâng cho người lao động “một nắng hai sương” những dòng nhựa trắng trong suốt cả quãng đời ½ thế kỷ; chúng không quản nắng gió, phơi mình “dãi nắng dầm mưa” và cứ thế, từng gốc cây, sợi rễ âm thầm luồn sâu vào đất tìm hút tinh túy kết tinh dòng nhựa trắng…

Em biết không, mùa chống cháy bọn anh luôn tập trung cao độ không lơ là, thiếu cảnh giác. Bởi “giặc lửa” có thế tấn công vào lô cao su bất cứ lúc nào. Có nhiều người vì thiếu ý thức, chỉ một mẩu thuốc cháy dở cũng có thể gây ra tác hại không lường. Những người dân đi lấy mật ong, đốt rẫy, chỉ cần bất cẩn là có thể gây cháy bất cứ lúc nào. Có hôm đang ngủ, nghe tiếng kẻng báo cháy, bọn anh vùng dậy xuyên đêm để dập lửa, xả thân cứu từng gốc cao su đem lại sự bình yên cho cánh rừng. Qua những giờ phút “chiến đấu” với “giặc lửa”, mặt ai cũng lấm lem đen nhẻm, thậm chí có anh bị lửa táp cháy sém hết cả chân mày… nhìn nhau cười òa sảng khoái.

Mỗi chiều về, nơi anh ở từng đàn cò lại bay về đậu trắng cả mặt hồ, từng làn nước sóng sánh bởi cá đớp mồi, từng khóm hoa súng rung rinh trong gió… Nhìn cảnh vật yên bình anh lại nghĩ về em, những buổi đón đưa con đến trường, học thêm, ngoại khóa trong dòng người xuôi ngược, phố xá lên đèn.., phải căng mình trong bao âu lo vì dịch bệnh…

Cuộc sống vốn dĩ không như mặt hồ phẳng lặng, có khó khăn thử thách mới tôi luyện trưởng thành. Chúng ta xa nhau vì nhiệm vụ – và không chỉ riêng mình, cũng biết bao đôi lứa yêu nhau phải xa nhau phải không em?

Chia tay tháng ba, ta lại rộn ràng đón tháng tư – đón những cơn mưa đầu mùa, chuẩn bị cho một mùa cạo mới. Vững tin em nhé! Ta lại đón nhau về trong vụ mùa hứa hẹn bội

NGUYỄN HỒNG