Làm giàu trên đất cao su

CSVN – Với 13 ha cao su, năm 2019, dù giá bán mủ cao su thấp nhưng thu vẫn đạt 300 triệu đồng, một ha cây ăn trái có múi thu về 200 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 150 triệu. Hàng năm thu 1 tỷ đồng từ tổ yến. Nhờ đa canh cây trồng, vật nuôi quy mô trang trại trên đất cao su đã giúp Lê Văn Bảy trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh ở Bình Dương.
Anh Lê Văn Bảy (bên phải) trên vườn cây cao su.
Anh Lê Văn Bảy (bên phải) trên vườn cây cao su.
Khởi nghiệp từ đất hoang

Sau ngày miền Nam giải phóng, anh Lê Văn Bảy cùng vợ công tác ở ngành bưu điện tỉnh Sông Bé (cũ). Hơn hai mươi năm gắn bó với ngành bưu chính, vợ chồng anh chỉ dựa vào đồng lương ít ỏi, cuộc sống gặp không ít khó khăn. Cách đây 23 năm, anh Bảy động viên vợ trụ lại với ngành, còn anh xin về hưu trước tuổi.

Trong khi đang tự trả lời câu hỏi làm gì sau khi nghỉ hưu, anh được người quen giới thiệu trên xã Long Nguyên, huyện Bến Cát (nay thuộc huyện Bàu Bàng), tỉnh Bình Dương vẫn còn đất rừng hoang. Được vợ đồng tình, anh quảy xoong, chảo, dao, cuốc…vô ấp Bưng Thuốc, xã Long Nguyên cắm cọc, giăng dây khoanh khoảng 4 ha đất rừng chồi và hàng chục ụ mối dựng nhà chòi thực hiện “Chương trình 327” của Nhà nước về khai phá đất hoang, đồi trọc phát triển kinh tế.

“Những ngày mới lên Long Nguyên khai vỡ đất hoang, sợ nhất dưới đất vẫn còn đạn bom trong chiến tranh chưa kịp nổ. Nhìn hàng chục ụ mối, cây le, cây chồi lúp xúp trên đất trắng bạc màu, nản quá!” – Anh Lê Văn Bảy nhớ lại. Khai hoang xong, thấy nhiều người xung quanh trồng cây bạch đàn, cây điều anh cũng trồng theo. Kết quả, điều luôn thất thu vì khi cây ra bông gặp sương muối cháy khô. Bạch đàn bán không ai mua. “Mấy năm đầu khởi nghiệp coi như trắng tay!” – Anh Bảy tâm sự.

Năm 1986, ở Bến Cát (trong đó có Long Nguyên) nông dân rầm rộ phá bạch đàn, bỏ điều chuyển sang trồng cao su. Anh thuê người phá điều, bỏ bạch đàn, đào hố xuống giống toàn bộ 4 ha cao su. Nhờ chọn được giống cây mới chất lượng cộng với áp dụng kiến thức kỹ thuật chăm sóc cây cao su do Viện Nghiên cứu Cao su VN hướng dẫn, 6 năm sau 4 ha cao su của Lê Văn Bảy năng suất khai thác mủ vượt trội, đem lại lợi nhuận ngoài ý muốn. Tiền lãi từ cao su anh mua thêm 5 ha giá lúc bấy giờ chỉ nửa cây vàng. Với cách “tích tụ” đất như vậy, đến cuối năm 2019 Lê Văn Bảy có 14 ha đất canh tác, sản xuất theo quy mô trang trại.

Anh Lê Văn Bảy (người đội nón tai bèo) giới thiệu nhà nuôi yến bên trang trại cao su.
Anh Lê Văn Bảy (người đội nón tai bèo) giới thiệu nhà nuôi yến bên trang trại
cao su.
Đa canh cây trồng, vật nuôi

Anh Bảy đưa chúng tôi đi thăm trang trại trên diện tích 14 ha. Để bố trí lại cơ cấu cây trồng và vật nuôi, anh tập trung hai loại cây: chủ lực vẫn là 13 ha cao su. Một ha anh xuống giống các loại cây ăn trái như: bưởi da xanh, măng cụt và sầu riêng monthong (giống Thái). Sát vườn cao su là nhà nuôi chim yến cao ba tầng lầu, nhìn như tổ ong.

Anh Lê Văn Bảy tiết lộ: “Để xây nhà nuôi chim yến với diện tích 1.080 m2, năm 2010 tôi đầu tư hết 3,8 tỷ đồng. Chỉ mấy năm sau đã lấy lại vốn”. Anh “bật mí” hàng tháng thu được 4 kg tổ yến thô, tại thời điểm cuối năm 2019, lái vô mua tại trại giá không dưới 23 triệu đồng/kg yến thô. Sau khi trừ chi phí, hàng năm thu 1 tỷ đồng từ tổ yến. Chưa kể, năm 2019, dù giá bán mủ cao su thấp nhưng thu vẫn đạt 300 triệu đồng. Trong khi một ha cây ăn trái có múi thu về 200 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 150 triệu. “Nếu cộng từ tiền bán tổ yến, cao su và trái cây, năm 2019 trang trại của tôi thu về xấp xỉ 1,4 tỷ đồng, tạo việc làm cho 5 lao động đều là hội viên nông dân, có thu nhập ổn định” – Anh Lê Văn Bảy phấn khởi nói.

Đa canh cây trồng, vật nuôi quy mô trang trại trên đất cao su đã giúp Lê Văn Bảy trở thành Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh ở Bình Dương. Anh còn ủng hộ quỹ hỗ trợ nông dân mỗi năm 5 triệu đồng và nhận chăm sóc 2 cháu con nhà nghèo không có điều kiện đến trường.

KHUYNH DIỆP