CSVN – Ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ trong tạo tuyển giống cao su mới, vận dụng vào sản xuất theo định hướng phát triển bền vững của VRG, Viện Nghiên cứu Cao su VN đã tuyển chọn được một số giống cao su hoang dại và lai tạo trong nước nhằm phục vụ cho mục tiêu lấy gỗ hoặc gỗ – mủ. Các giống này đã được nhân rộng và sẵn sàng cung cấp cho sản xuất.
Nâng cao hiệu quả sử dụng đất
Trong giai đoạn hiện nay, các đơn vị đều mong muốn đa dạng hóa cây trồng và nguồn thu từ vườn cây cao su. Mô hình trồng cao su lấy gỗ và gỗ – mủ nhằm đa dạng hóa sản phẩm có giá trị trên đất trồng cao su. Nâng cao hiệu suất sử dụng đất và hiệu quả kinh doanh, nâng cao tính bền vững và gia tăng lợi thế cạnh tranh của cây cao su với các loại cây trồng khác. Ổn định nguồn cung cấp gỗ cao su nguyên liệu rải vụ theo năm hoặc theo tháng cho ngành chế biến gỗ mà không phải đợi đến khi vườn cây thanh lý.
Trên cơ sở tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất theo cấp phân hạng đất và điều kiện khí hậu môi trường cụ thể của từng vùng/tiểu vùng trồng cao su trong cả nước, Viện Nghiên cứu Cao su VN đã vận dụng linh hoạt phương pháp thiết kế vườn cây và yếu tố giống để đạt mục tiêu vườn cây cao su vẫn đạt năng suất – sản lượng tương đương vườn trồng theo quy trình hiện hành.
Từ năm 2018, mô hình trồng xen cao su gỗ – mủ đã được tiên phong áp dụng một cách bài bản tại Viện Nghiên cứu Cao su VN và Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, thông qua đề tài hợp tác nghiên cứu giữa công ty và Viện. Giống cao su lấy gỗ hoặc gỗ – mủ trồng xen là những giống có sinh trưởng khỏe để phù hợp cho mục tiêu lấy gỗ sau 10–12 năm trồng hoặc là giống vừa có sinh trưởng khỏe vừa có năng suất mủ khá đến cao để từ năm tuổi thứ 9–12 có thể khai thác tận thu sản lượng mủ trước khi được cưa cắt lấy gỗ.
Cung cấp giống cao su tiến bộ
Để phát triển vườn cây cao su theo hướng gỗ – mủ đạt hiệu quả cao, cần phải nghiên cứu vận dụng mô hình, giống và quy mô phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng/ tiểu vùng, Tiến sĩ Trần Thanh – Trưởng Phòng Nghiên cứu Di truyền – Giống, Viện Nghiên cứu Cao su VN, cho biết: “Với giống trồng, khoảng cách và mật độ thích hợp (500 cây/ha cho giống trồng chính và 250 cây/ha cho giống trồng xen), mô hình trồng xen cao su gỗ – mủ là mô hình khả thi và đáp ứng các mục tiêu phát triển, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và đảm bảo nguồn gỗ nguyên liệu về lâu dài. Để triển khai thành công và mang lại hiệu quả kinh tế đối với mô hình này thì điều kiện tiên quyết là phải có những bộ giống cao su phù hợp cho mục tiêu lấy gỗ hoặc gỗ – mủ. Một số giống cao su hoang dại và nhiều giống cao su mới do Viện lai tạo hoàn toàn có thể đáp ứng mục tiêu lấy gỗ hoặc gỗ – mủ cho các mô hình trồng xen cao su gỗ – mủ”.
“Một số giống hoang dại có sinh trưởng nhanh và rất khỏe, phù hợp cho mục tiêu lấy gỗ như RO 20/100, RO 25/254, RO 25/298, RO 22/61C… Các giống này có thể được trồng xen và sẽ thu hoạch gỗ sau 10 – 12 năm trồng. Một số giống lai tạo có sinh trưởng khỏe đồng thời có năng suất khá đến rất cao, phù hợp cho mục tiêu gỗ – mủ như RRIV 103, RRIV 109, RRIV 206, RRIV 208, RRIV 209, RRIV 222, RRIV 301, RRIV 302… Các giống này có thể được trồng xen và thu hoạch cả gỗ và mủ sau 9 – 12 năm trồng” – TS Trần Thanh, chia sẻ.
Khoảng cách trồng (hàng đơn và hàng kép) đã được áp dụng với tiêu chí giảm thiểu tối đa sự cạnh tranh của cây cao su trồng xen đến cây cao su trồng chính nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
TUỆ LINH
Related posts:
- Để vườn cây chất lượng tốt, năng suất cao
- Lấy ý kiến xây dựng cơ cấu bộ giống cao su 2016 - 2020
- Cao su Tây Ninh: Điểm sáng ứng dụng cơ giới hóa vào tái canh trồng mới
- "Giống cao su lấy gỗ - mủ mang lại hiệu quả kinh tế cao"
- Trả lời bạn đọc thông tin sản phẩm phân bón NPK Sao Việt
- Bệnh Pestalotiopsis bùng phát tại Thái Lan
- Giống cây trồng phải được bảo hộ
- Sẽ rà soát toàn diện cơ cấu giống cao su
- Mô hình thị trường carbon của Trung Quốc có thể định hướng cho các nền kinh tế mới nổi
- Cây giống cao su Tây Nguyên "sốt" bất thường