CSVN – Hầu hết các công ty cao su trực thuộc VRG trên địa bàn Tây Nguyên đều theo dõi sát sao tình hình bệnh phấn trắng trên vườn cây khai thác, chủ động phun phòng.
Tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh, bà Huỳnh Thị Nga – Phó TGĐ công ty cho biết: “Công ty tiến hành phun thuốc đầu tiên vào ngày 15/1 tại Nông trường Xã Gào – Tp. Pleiku. Đến thời điểm hiện nay, diện tích được công ty tiến hành phun trên 4.000 ha, vườn cây được phun nhiều nhất là 4 đợt, diện tích phun ít 2 đợt và công ty vẫn chủ trương phun hàng đơn, đồng thời theo dõi sát những vườn cây chủ lực, tiến hành phun ngay khi có dấu hiệu của bệnh”.
Bà Nga cho biết thêm, qua theo dõi, hiện nay vườn cây trên các nông trường đều có bộ lá khá tốt, ổn định và đồng đều hơn năm trước. Nếu diễn biến thời tiết không có bất thường thì khả năng công ty có thể tiến hành khai thác vào cuối tháng 3/2020.
Theo ông Võ Toàn Thắng – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông thì năm nay diễn biến thời tiết khá tốt và ấm trên địa bàn có cao su của công ty nên vườn cây không bị nhiễm bệnh. Do đó, công ty không có chủ trương phun thuốc phòng phấn trắng. Mặc dù vậy, hiện công ty vẫn chỉ đạo cho phòng kỹ thuật, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi sát tình hình phát triển của bệnh, trong trường hợp dịch có dấu hiệu bùng phát thì sẽ tổ chức và triển khai phun thuốc ngay.
Tại Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang, ngày 3/1 TGĐ công ty đã ký quyết định thành lập ban chỉ đạo phun phòng phấn trắng với 11 thành viên là lãnh đạo các phòng ban chuyên môn và giám đốc nông trường, đội trưởng đội sản xuất trực thuộc công ty. Đồng thời, thành lập 4 tổ giám sát công tác phun phòng phấn trắng do các nhân viên phòng kỹ thuật làm tổ trưởng.
Công tác phun phòng phấn trắng được công ty triển khai vào đầu tháng 1/2020 ở hầu hết các nông trường trên tổng diện tích gần 3.400 ha, số lượng máy thường xuyên phun là 11 chiếc, chu kỳ phun quay đầu trong thời gian 7 ngày. Đến nay, có những diện tích đã được phun 4 lượt, cũng có nơi mới chỉ thực hiện 2 lượt. Nguyên nhân được cho là thời tiết đang ấm lên và dấu hiệu của bệnh không bùng phát, lá không rụng và dần ổn định, phát triển đồng đều.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Đến năm 2020 khu vực miền núi phía Bắc đạt 32.000 ha cao su
- Cao su Đồng Phú tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật
- Tiếp tục chú trọng nâng cao công tác nông nghiệp
- Công ty CP Gỗ MDF VRG Kiên Giang: Nhiều triển vọng khi trồng thí điểm keo lai
- Đa dạng hóa cây trồng để nâng cao giá trị sử dụng đất
- Nhà sản xuất dầu cọ Malaysia nỗ lực đáp ứng EUDR
- "Ngành nông nghiệp thắng lớn"
- "Giống cao su lấy gỗ - mủ mang lại hiệu quả kinh tế cao"
- Xen canh, luân canh trên vườn cây cao su
- Tiết kiệm trên 3,8 tỷ đồng nhờ giảm sử dụng hóa chất