CSVN – Diễn biến thời tiết năm 2020 dự báo có nhiều biến đổi thất thường, đặc biệt là mùa khô kéo dài. Để đảm bảo an toàn trên vườn cây, hiện nay các đơn vị trong toàn VRG rất quyết liệt trong việc chủ động triển khai công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và quyết tâm không để xảy ra cháy.
Chủ động các giải pháp ứng phó
Ông Trần Xuân Thịnh – TGĐ Cao su Chư Mom Ray cho biết: “Để chủ động PCCC trong mùa khô thì vào tháng 9/2019 chúng tôi đã có cuộc họp đầu tiên về vấn đề này. Sau đó ban hành quyết định thành lập ban chỉ đạo PCCC với 14 thành viên là các cán bộ chủ chốt và giám đốc 4 nông trường trực thuộc. Đồng thời chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tổ chức họp các hộ dân có nương rẫy để tuyên truyền và yêu cầu các hộ này viết cam kết không đốt nương rẫy bừa bãi, đốt rừng lấy mật ong…”
Công ty cũng nhanh chóng cho sửa chữa, nâng cấp 2 chòi gác chống cháy và làm mới thêm 4 chòi gác. Bên cạnh đó, lãnh đạo công ty cũng đầu tư, mua sắm thêm một số trang thiết bị phục vụ công tác PCCC như cắm thêm nhiều biển báo cảnh báo cháy, mua thêm nhiều chổi dập lửa, máy bơm nước…
Trao đổi với chúng tôi về điều kiện, nhân lực trong công tác này, ông Phạm Duy Vương – Trưởng phòng Thanh tra – Bảo vệ – Quân sự của công ty chia sẻ: “Được sự quan tâm của lãnh đạo công ty, công tác PCCC năm nay được chú trọng và quan tâm nhiều. Công ty đầu tư thêm 3 xe bồn, 2 xe máy cày chở nước để kịp thời ứng phó khi có cháy xảy ra. Số lượng người trực chống cháy cũng được tăng thêm 20 người, số này trực thường xuyên kết hợp với các tổ tự quản của nông trường thường xuyên tuần tra canh gác nên hoàn toàn có thể chủ động khống chế nếu có một đốm cháy nhỏ. Ngay khi nghỉ cạo, lãnh đạo công ty đã chỉ đạo các nông trường yêu cầu công nhân tổ chức dọn dẹp xử lý thực bì ở bờ lô, quét lá bao lô, thổi lá hàng 3, làm băng cản lửa…”.
Nhờ công tác tuyên truyền của công ty và chính quyền địa phương, NLĐ và gia thuộc đã ý thức được tầm quan trọng của công tác PCCC không chỉ đối với lô cao su mà ngay trong nơi mình ở. Chính vì vậy NLĐ chủ động dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ và ngăn nắp môi trường sống xung quanh.
Ông Vương cũng khẳng định: “Có thể nói, đến giờ này tình hình PCCC trên địa bàn của công ty hoàn toàn nằm trong sự chủ động của chúng tôi, mọi sự thay đổi nhỏ trong vườn cây chúng tôi đều nắm được và nhanh chóng báo về đường dây nóng của lãnh đạo nông trường, công ty để có sự chỉ đạo xử lý”.
Không để xảy ra cháy mùa khô
Hiện nay, Công ty CPCS Lai Châu 2 đang quản lý 4.727 ha cao su, trong đó có 1.330 ha vườn cây kinh doanh, 3.396 ha vườn cây kiến thiết cơ bản. Diện tích vườn cây của công ty nằm trên địa hình không thuận lợi, đất dốc xen kẽ với nương rẫy, giáp ranh với khu dân cư, rừng khoanh nuôi bảo vệ của người dân. Thảm thực vật tại các vườn cây cao su nhiều dễ dẫn đến nguy cơ cháy trên diện rộng vào mùa khô hanh khi một bộ phận bà con nhận thức còn hạn chế trong việc đốt nương rẫy, đốt lửa khi chăn thả gia súc.
Nhằm hạn chế tối đa các vụ việc cháy rừng, cháy vườn cây cao su, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, các quy định, nội quy về PCCC rừng luôn được công ty chú trọng với phương châm “phòng là chính”. Công tác tuyên truyền Luật PCCC và các quy định PCCC được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức như tuyên truyền miệng, tờ rơi, loa phát thanh, họp bản… Anh Nguyễn Hữu Phước – Trưởng phòng Tổ chức Thanh tra – Bảo vệ – Quân sự công ty cho biết: “Với phương châm phòng là chính, chữa là phải triệt để, tích cực chủ động ứng cứu nhanh hiệu quả. Công ty vận dụng tốt phương châm 4 tại chỗ, luôn tập trung cao độ, thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, tổ chức diễn tập PCCC với các địa phương có vườn cây cao su đứng chân. Song song đó, công ty cũng đã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện PCCC, thành lập tổ xung kích và xây dựng các chòi, lán, biển báo để kịp thời xử lý khi có cháy. Với sự chủ động này, công ty quyết tâm không để xảy ra các vụ cháy nào trên vườn cây trong mùa khô”.
Thời tiết mùa khô hanh nắng nóng kéo dài, vì vậy công ty đã có những phương án chủ động PCCC trên vườn cây. Theo đó, Ban chỉ đạo PCCC đã ban hành các văn bản, tổ chức thực tập, huấn luyện về nghiệp vụ PCCC, xây dựng các phương án chữa cháy, đề xuất mua sắm trang thiết bị phương tiện dụng cụ chữa cháy.
Các tiểu ban thành lập tổ PCCC tại chỗ và phân công nhiệm vụ cho tổ trực gác 24/24h trên vườn cây. Tổ cũng thường xuyên giám sát, hướng dẫn, ký cam kết đốt nương an toàn và tuyệt đối không đốt nương vào thời gian cao điểm nắng nóng đối với các hộ dân có nương rẫy giáp vườn cao su.
Bên cạnh tuyên truyền, thường xuyên tuần tra trực gác, công ty còn đầu tư xây dựng, sửa chữa các biển tường, biến cấm lửa trên vườn cây cao su tại các đơn vị sản xuất. Triển khai làm đường băng trắng cản lửa xung quanh các lô cao su, giáp với nương rẫy, diện tích rừng khoanh nuôi của người dân và phát dọn thực bì tránh việc để thực bì xâm lấm ở vườn cây có nguy cơ cháy cao.
Anh Lê Minh Sơn – Quyền giám đốc Nông trường Nậm Na chia sẻ: “Thực hiện chỉ đạo của công ty về việc tăng cường PCCC mùa khô, nông trường đã xây dựng phương án, kế hoạch PCCC, bố trí lịch trực, phân công lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ chữa cháy. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền NLĐ nâng cao ý thức trong PCCC. Chúng tôi tin tưởng rằng với việc tăng cường PCCC của đơn vị sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có cháy xảy ra trên vườn cây”.
VĂN VĨNH – TÙNG PHƯƠNG
Related posts:
- Khấm khá nhờ nuôi dê VietGAP
- Giải pháp đồng bộ cho cao su miền núi phía Bắc
- Kinh nghiệm phòng trị bệnh phấn trắng tại Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum
- Mô hình học lái xe tại chỗ đạt giải khuyến khích tại Hội thi sáng tạo toàn quốc
- 23 phòng kiểm nghiệm cao su đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025
- Sáng kiến hiệu quả trong xử lý nước thải
- Xử lý nước thải kết hợp thu hồi khí biogas
- Áp dụng cơ giới hóa yếu tố hàng đầu để tăng năng suất lao động
- Máy sát khuẩn tự động giúp hạn chế tiếp xúc
- Quản lý bệnh phấn trắng hiệu quả: Tiền đề nâng cao năng suất mủ cao su