Phát triển kinh tế gia đình: Những cách làm mới

CSVN – Đi tìm hiểu công việc của công nhân (CN) cao su trong những ngày nghỉ cạo, chúng tôi nhận thấy có những cách làm mới trong việc phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là CN đồng bào dân tộc, để vượt qua nỗi lo “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

CN Cao su Chư Prông chăm sóc cà phê mùa nghỉ cạo.

CN Cao su Chư Prông chăm sóc cà phê mùa nghỉ cạo.

 “Mở lối đi riêng”

Chúng tôi tìm đến làng Klah của xã Bar Maih thuộc huyện Chư Sê, ngôi làng chủ yếu là người Bana và hầu hết thanh niên đều là CN cao su của Nông trường Bờ Ngoong – Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang. Theo chân cán bộ nông trường, chúng tôi ghé thăm nhà của anh Đinh Mlênh – Công nhân tổ 9. Căn nhà nhỏ bé hiện ra trước mắt khiến ai cũng không khỏi bất ngờ. Hiểu được ý này, anh Lê Văn Thọ – Giám đốc nông trường giải thích: “Đây chỉ là nơi ở của 2 vợ chồng Mlênh thôi, còn chỗ để kiếm cơm thì nằm chỗ khác”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi hết sức khâm phục sự chịu khó làm ăn của 2 vợ chồng Mlênh khi mới 30 tuổi nhưng đã có một tài sản khá lớn. Hiện gia đình anh có 3 sào lúa nước, 700 cây cà phê và 200 trụ tiêu cùng một cặp bò chuẩn bị xuất chuồng. Một điều ấn tượng nữa là tuy nhiều nương rẫy, công việc bù đầu nhưng vợ chồng anh vẫn mua thêm máy xay xát lúa gạo cho bà con trong làng, thu nhập mỗi năm cũng trên 100 triệu đồng. Anh chia sẻ: “Cũng đã lâu rồi mình không ăn gạo của nhà mình, mình xay lúa cho người ta hàng ngày cũng đủ gạo để cho cả nhà ăn, làm lúa dư thì mình bán lấy tiền mua phân bón đầu tư cho cà phê, cho tiêu”.

Trong khi đó, anh Siu Hô của tổ khai thác 4 thì chọn hướng đi mới là bỏ một phần rẫy cà phê để chuyển sang nuôi gà thả vườn và trồng xen một số cây khác trong vườn cà phê gần 3 ha. Anh chia sẻ: “Nếu mình trồng 1 loại cây, mất mùa mất giá là không có cái gì ăn hết. Mình thấy nhiều người hay chọn mua gà thả vườn của đồng bào nên mình về phá bỏ ít cà phê lấy diện tích nuôi gà bán, hiện chưa có kinh nghiệm, không có nhiều vốn không dám làm lớn nên chỉ đủ ăn”.

Một trong những CN cao su khác của Nông trường Hòa Bình – Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang có hướng đi mới, làm kinh tế không phụ thuộc vào đồng lương CN cao su là anh Thin ở làng Breng của xã Ia Pết – Đăk Đoa. Anh Thin là một trong những người đầu tiên mang sản phẩm thủ công của người trong làng làm ra đi bán khắp nơi trong tỉnh Gia Lai rồi Kon Tum. Anh cho biết: “Những ngày rảnh rỗi mình mang cối gỗ đi bán khắp nơi trong tỉnh mấy ngày mới về, lúc đầu mỗi đợt đi 2 – 3 ngày cũng kiếm được mấy triệu đồng, nay nhiều người làm, nhiều người đi bán nên cũng hơn khó”. Trong điều kiện hiện nay, trên địa bàn Tây Nguyên, không chỉ CN đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn mà ngay cả CN người Kinh cũng vất vả khó kiếm được công việc thời vụ vì dịch Covid 19 làm một số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động. Một số ngành nghề bị ảnh hưởng như du lịch, quán ăn, nhà hàng đang ngày một vắng khách. Trước tình hình đó, một số CN đã chủ động “mở lối đi riêng”, biết cách vượt qua khó khăn trước mắt, lấy ngắn nuôi dài.

Cần sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy

Để CN cao su người  đồng  bào  dân tộc đẩy mạnh làm kinh tế gia đình, doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể cần hỗ   trợ tốt hơn. Chúng tôi rất ấn tượng với mô hình “gắn kết hộ” mà các đơn vị của Binh đoàn 15 đã phát động. Từ mô hình này đã có hàng trăm hộ gia đình người Kinh “gắn kết” với hộ CN dân tộc thiểu số. Họ cùng hỗ trợ nhau trong công việc cạo mủ, trong phát triển kinh tế gia đình. Những gia đình người Kinh hay những gia đình có điều kiện kinh tế tốt hơn phải hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn cách làm kinh tế từ trồng cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày đến chăn nuôi…Mục đích cuối cùng là để cuộc sống của chính những gia đình này được cải thiện hơn để họ yên tâm gắn bó với vườn cây, với đơn vị góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh quốc phòng nơi vùng biên giới.

Tiếp xúc nhiều với những tấm gương tiêu biểu, điển hình trong lao động sản xuất, trong phát triển kinh tế gia đình, nhất là những nhân tố CN dân tộc thiểu số đã biết vượt khó vươn lên trong cuộc sống, thậm chí là làm giàu, chúng tôi nhận thấy họ hoàn toàn có thể vượt qua khó khăn nếu thay đổi trong nếp nghĩ và cách làm. Đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói chung, CN cao su  nói riêng không hề thiếu đất sản xuất. Nếu biết tận dụng và phát huy hết thế mạnh, thật sự chịu khó học hỏi cách làm của người khác chắc chắn cuộc sống của họ cũng sẽ thay đổi. Bởi thay vì con lợn, con gà thả rong thì có thể làm chuồng chăn nuôi để chúng sinh sản tốt hơn, năng suất hơn, quỹ đất nhàn rồi có thể trồng rau xanh, hoa màu khác…

VĂN VĨNH