VRG xây dựng thêm 17 dây chuyền chế biến giai đoạn 2020 – 2025

CSVN – Giai đoạn 2020 – 2035, sản  lượng  cao su VRG có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Trong khi năm 2020 sản lượng khoảng 360.000 tấn, thì năm 2030 lên 531.000 tấn/ năm. Chính vì vậy, từ năm 2020 – 2025 Tập đoàn dự kiến đầu tư thêm 17 dây chuyền chế biến, nâng tổng công suất chế biến dự kiến 685.900 tấn vào năm 2035.
Nhà máy chế biến (giai đoạn 1) công suất 7.500 tấn của Cao su Đồng Phú - Kratie. Ảnh: Đào Phong
Nhà máy chế biến (giai đoạn 1) công suất 7.500 tấn của Cao su Đồng Phú – Kratie. Ảnh: Đào Phong
Đông Nam Bộ và Tây Nguyên xây mới 2 dây chuyền chế biến

Hiện nay, công suất tất cả các nhà máy chế biến (NMCB) khu vực Đông Nam bộ đều đáp ứng sản lượng chế biến của các đơn vị, việc đầu tư xây dựng thêm chủ yếu nhằm đa dạng hóa sản phẩm cũng như phát triển chủng loại sản phẩm là thế mạnh của công ty. Cao su Phú Riềng sẽ đầu tư dây chuyền chế biến mủ tờ RSS công suất 3.000 tấn/năm, dự kiến thực hiện vào năm 2021. Đối với các công ty còn lại không đầu tư thêm các dây chuyền chế biến, sẽ nghiên cứu cải tạo nhằm nâng cấp chất lượng sản phẩm và giảm chi phí giá thành chế biến.

Nhìn chung các nhà máy khu vực Tây Nguyên hiện nay có hiệu suất chế biến thấp (năm 2019 đạt khoảng 75% công suất thiết kế). Do đó, giai đoạn 2020 – 2025 chỉ đầu tư 1 nhà máy công suất 7.500 tấn/năm, chủng loại SVR 10, 20 tại Công ty CP Cao su Chư Mom Ray, vào năm 2021. Cao su Sa Thầy đã hoàn thiện dây chuyền mủ tờ RSS công suất 2.000 tấn/năm trong năm 2019. Năm 2020 sẽ cải tạo nâng cấp dây chuyền SVR 10, 20 công suất 5.500 tấn/năm. Các công ty khu vực Tây Nguyên có diện tích mới đưa vào khai thác, sản lượng còn thấp xây dựng trạm cán vắt, chuyển nguyên liệu về các công ty mẹ để gia công. Ngoài ra, các nhà máy cần tích cực thu mua, gia công để phát huy công suất NMCB. Như các công ty: Cao su Bảo Lâm, Cao su Phước Hòa – Đắk Lắk, Cao su Đồng Phú – Đắk Nông.

Duyên hải miền Trung xây mới 2 dây chuyền chế biến

Đối với các công ty đã có NMCB, như: Cao su Bình Thuận, Cao su Hà Tĩnh và Cao su Quảng Trị đều thừa công suất thiết kế NMCB so với sản lượng khai thác, do đó không đầu tư thêm dây chuyền chế biến. Cao su Thanh Hóa có dây chuyền thiết bị đầu tư năm 2004 đã xuống cấp, cần đầu tư cải tạo để nâng cao chất lượng.

Cao su Quảng Nam đã cải tạo dây chuyền mủ RSS 1.000 tấn/năm thành dây chuyền SVR 10, 20 công nghệ rút gọn, công suất 6.000 tấn/năm, trong năm 2019. Cao su Nam Giang – Quảng Nam không đầu tư xây dựng NMCB, chỉ xây dựng các điểm cán vắt, sản lượng khai thác được gia công tại NMCB Cao su Quảng Nam. Năm 2022, sẽ đầu tư 01 NMCB mủ SVR 10, 20 dây chuyền rút gọn công suất 6.000 tấn/ năm.

Cao su Nghệ An trong năm 2020 không đầu tư xây dựng NMCB, chỉ xây dựng các điểm cán vắt, sản lượng khai thác được gia công tại NMCB Cao su Hà Tĩnh hoặc Cao su Thanh Hóa. Năm 2022 sẽ đầu tư NMCB mủ SVR 10, 20 dây chuyền rút gọn công suất 6.000 tấn/năm.

Miền núi phía Bắc xây mới 4 nhà máy

Khu vực miền núi phía Bắc hiện có NMCB Châu Thuận – Cao  su  Sơn La công suất 6.000 tấn/năm và NMCB Cao  su  Lai  Châu  công suất 5.000 tấn/năm, chủng loại mủ SVR 10,20 (năm 2023 sẽ đầu tư giai đoạn 2 công suất 4.000 tấn/năm, nâng tổng công suất nhà máy lên 9.000 tấn/năm). Với 2 nhà máy trên đáp ứng chế biến hết sản lượng khai thác của toàn khu vực đến năm 2020. Các công ty khác lập các điểm cán vắt và vận chuyển về 2 NMCB này để sản xuất.

Sau năm 2020, quy hoạch đầu tư thêm 3 NMCB: Cao su Lai Châu II năm 2022 đầu tư dây chuyền chế biến mủ SVR 10,20 công nghệ rút gọn; công suất 5.000 tấn/năm. Cao su Điện Biên năm 2022 đầu tư NMCB RSS công suất 3.000 tấn/năm. Cao su Dầu Tiếng – Lào Cai năm 2025 đầu tư NMCB mủ SVR 10, 20 công nghệ rút gọn, công suất 3.000 tấn/năm, phục vụ các công ty khu vực Đông Bắc (Cao su Yên Bái, Cao su Hà Giang, Cao su Dầu Tiếng Lai Châu). Đối với Cao su Mường Nhé Điện Biên thực hiện chủ trương bán mủ nguyên liệu.

Công nhân chế biến tại dây chuyền Nhà máy Cao su Sơn La. Ảnh: N.K
Công nhân chế biến tại dây chuyền Nhà máy Cao su Sơn La. Ảnh: N.K
 Khu vực Lào không quy hoạch thêm NMCB

Cao su Việt Lào có tổng công suất thiết kế NMCB là 21.000 tấn/năm đáp ứng công suất đỉnh của công ty, không quy hoạch đầu tư thêm dây chuyền chế biến. Cao su Quasa Geruco có công suất nhà máy 10.000 tấn/năm, đã đầu tư nâng cấp giai đoạn 1 dây chuyền công suất 7.500 tấn/năm và năm 2020 tiếp tục nâng cấp giai đoạn 2 lên 7.500 tấn/năm. Nâng tổng công suất 15.000 tấn/năm chủng loại SVR 10, 20 đáp ứng sản lượng khai thác đến năm 2025 khoảng 12.300 tấn.

Cao su Bolykhamxay – Hà Tĩnh xây dựng điểm cán vắt và vận chuyển về NMCB Quasa Geruco để chế biến.

Dự án Sa Muội xây dựng các điểm cán vắt vận chuyển về NMCB của Cao su Quảng Trị để gia công chế biến. Cao su VRG Udomxay thực hiện phương án bán nguyên liệu, không đầu tư NMCB. Khu vực Campuchia đầu tư 6 dây chuyền chế biến.

Lộ trình xây dựng NMCB các công ty cao su tại Campuchia dựa vào đỉnh sản lượng khai thác để đảm bảo mục tiêu tiết kiệm chi phí quản lý và đầu tư, với chi phí chế biến thấp, quản lý thống nhất chất lượng sản phẩm và thuận lợi cho việc xây dựng thương hiệu cao su Tập đoàn tại Campuchia. Khu vực này sẽ xây dựng 6 NMCB chủng loại SVR 10, 20 trong 3 năm 2020 – 2022.

Năm 2020, Bà Rịa – Kampongthom xây dựng NMCB công suất 10.000 tấn/năm. Krông Buk – Rattanakiri xây dựng NMCB công suất 9.000 tấn/ năm. Lộc Ninh – Vketi xây dựng nhà máy chế biến công suất 15.000 tấn/năm (giai đoạn 1 xây dựng dây chuyền công suất 7.500 tấn/năm trong năm 2020, giai đoạn 2 xây dựng dây chuyền công suất 7.500 tấn/năm trong năm 2022). Đồng Phú – Kratie xây dựng thêm dây chuyền 2 công suất 9.500 tấn/năm, nâng tổng công suất nhà máy lên 17.000 tấn/năm chủng loại SVR 10, 20.

Năm 2021, Cao su Phước Hòa – Kampongthom sẽ xây dựng thêm dây chuyền công suất 10.000 tấn/ năm, nâng tổng công suất nhà máy lên 20.000 tấn/năm chủng loại SVR 10, 20. Tây Ninh – Siêm Riệp xây dựng NMCB công suất 9.000 tấn/ năm.

TUỆ LINH