CSVN – Gần 40 năm sáng tác âm nhạc, với 70 album riêng đã ra mắt khán giả cả nước, nữ nhạc sỹ Quỳnh Hợp cũng đã dành tình cảm đặc biệt với cán bộ, công nhân ngành cao su qua album “Mùa về sau tán cao su” với 15 ca khúc. Gần đây nhất, chị gửi 3 ca khúc tham gia Cuộc vận động sáng tác về ngành cao su Việt Nam 2019 thì cả 3 bài đã giành được giải thưởng cao.
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp đến với những nông trường cao su từ năm 2003. Đó là chuyến đi cùng nhóm nhà thơ nữ TP.HCM và cũng là lần chị đến được nhiều vùng cao su nhất. Từ những chuyến đi đã cho Quỳnh Hợp những xúc cảm chân thực về đất và người cao su. Ca khúc đầu tiên của chị viết về cao su với cái tên nhỏ nhẹ, rất con gái “Gửi một lời yêu” phổ từ bài thơ “Vườn cây tơ” của Quỳnh Lệ.
Tính đến thời điểm hiện tại NS Quỳnh Hợp đã viết được khoảng gần 50 bài về ngành cao su (trong đó có hơn 20 bài đã thu thanh phát hành rộng rãi trên cả nước). Nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã tích lũy được những trải nghiệm nhất định với đất và người cao su, được biểu cảm ân tình qua sự đa dạng về phong cách âm nhạc phù hợp với tâm tình của người công nhân cao su, bám sát xu hướng âm nhạc đương đại và ngọt ngào, nhuần nhuyễn âm nhạc dân gian các vùng có cây cao su như Tây Nguyên, Trung Bộ, Tây Bắc…
Năm 2014, Quỳnh Hợp đã cho ra mắt khán giả cả nước album “Mùa về sau tán cao su” với 15 ca khúc (phổ thơ nhiều tác giả) là những bản trữ tình và nhạc trẻ, những bản pop nhẹ nhàng, dễ nghe, dễ hát, dễ thuộc. Trong album, có 2 ca khúc đã được trao giải nhất trong “Cuộc vận động sáng tác thơ – ký – nhạc” về ngành cao su tổ chức năm 2013 là “Như dòng sữa mẹ” (thơ Mai Khoa) và “Cây cao su về bản em” (Quỳnh Hợp viết cả nhạc và lời). Ngoài ra, bài “Xuân Sìn Hồ” phổ thơ Thanh Hiếu năm 2017, bài hát cũng giành huy chương bạc trong hội diễn nghệ thuật ngành cao su của đội văn nghệ Cơ quan Công đoàn CSVN.
Trong Cuộc vận động sáng tác ca khúc về ngành cao su nhân kỷ niệm 90 năm vừa qua, nhạc sĩ Quỳnh Hợp gửi dự thi 3 ca khúc thì cả 3 bài cùng giành giải thưởng cao là “Lang thang chiều Chư Sê” (giải nhất), “Đêm Kampong Thom” (giải nhì) và “Cao su dòng chảy cuộc sống” (giải ba). Điều đặc biệt, cả 3 bài hát đều phổ và phỏng thơ của nhà thơ Thanh Hiếu (bút danh của ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam). Nhạc sĩ Quỳnh Hợp chia sẻ: “Cả 3 bài hát đều mang được hơi thở thời đại, phần triển khai âm nhạc có “đất” cho ca sĩ khoe giọng hát và kỹ thuật thanh nhạc, giai điệu chủ động và phóng túng không bị lệ thuộc vào lời thơ. Đó là những ca khúc không chỉ mang đến cho người nghe tình yêu, niềm tin, tự hào và vẻ đẹp của đất và người cao su mà còn khiến những cán bộ, công nhân ngành cao su ý thức hơn về trách nhiệm, về cả ước mơ được nhen nhóm trong đó”.
“Lang thang chiều Chư Sê” là bài hát có bố cục gọn gàng, có vẻ đẹp trong trẻo và lãng mạn, là bức tranh hoàng hôn ở rừng cao su đẹp và vô cùng quyến rũ. Âm hưởng Tây Nguyên rộn ràng, bản phối khí hợp lý, phóng khoáng để sự hòa quyện thăng hoa như không chỉ viết về cao su mà nó trở thành nỗi niềm với quê hương, với không gian xanh của Tổ quốc.
“Đêm Kampong Thom” được chị phổ từ nguyên tác bài thơ cùng tên của tác giả Thanh Hiếu. Bài thơ có ngôn từ rất dung dị mà thâm sâu, đầy tâm trạng. Giai điệu bài hát tự tình, trầm lắng được khởi cảm từ chính sự sâu sắc, đa chiều và đầy lòng trắc ẩn từ trong chính bài thơ. Là xúc cảm dạt dào, sự cảm thông, thương mến nồng ấm của tác giả, lời ca với những người công nhân tần tảo nơi những nông trường cao su xa xôi hẻo lánh xứ người.
Riêng bài “Cao su dòng chảy cuộc sống” nhạc sĩ Quỳnh Hợp có tham khảo ý tứ của nhà thơ Thanh Hiếu trước khi hoàn thành bài hát. Đây là bài hát truyền thống nhưng là một bản pop tươi tắn rộn ràng như thước phim quay chậm về quá trình hình thành và phát triển trùng điệp của ngành cao su, lãng mạn mà rất hiện thực.
“Bài hát mở ra một sớm mai trong veo, xanh ngát, thấy rộn rã tiếng nói cười của người trồng cao su, thấy tiếng từ ngày xưa trong khổ đau của người phu cao su vọng về nhắc nhở cuộc sống hiện tại hãy đừng quên quá khứ. Tình đất, tình người cao su được biểu cảm chân thành, giản dị và sôi nổi nhiệt huyết. Có bề rộng, chiều sâu và sự phát triển của một ngành mũi nhọn qua tính chất âm nhạc thay đổi liên tục ở từng đoạn nhạc, phù hợp với tâm tình của người công nhân. Trong đó, có cả tình yêu và niềm biết ơn của nhiều thế hệ đã gắn bó với cây cao su. Mang đến cho người công nhân đời sống ấm no đủ đầy qua nhiều thay đổi, thăng trầm của lịch sử trong suốt 90 năm qua. Đó còn là những ước mơ, hy vọng vào tương lai khi cây cao su dọc ngang đất trời, phủ xanh nhiều cùng đất trống đồi trọc không chỉ trên khắp đất nước Việt Nam mà sang cả Lào, Campuchia”, nhạc sĩ Quỳnh Hợp chia sẻ.
Nhiều ca khúc về cao su của Quỳnh Hợp phổ từ thơ của nhiều tác giả. Thơ – nhạc đắp bồi, hòa quyện với nhau trong tình yêu lặng thầm với những người CNCS vượt qua gian khó; tin tưởng, tự hào và hy vọng về một ngành có 90 năm truyền thống; bổ trợ, soi rọi lẫn nhau một cách kín đáo và tinh tế đem đến cho khán giả sự bất ngờ qua những ca khúc vừa trữ tình, vừa dân gian lại vừa trẻ trung đương đại. Những ca khúc ấy là những gì Quỳnh Hợp đã lặng lẽ tích lũy, chắt chiu từ những chuyến đi, những lần đến những nơi trồng cao su, từ miền Đông Nam Bộ đến miền Trung, Tây Nguyên, Tây Bắc rồi cả bên Lào, Campuchia.
TUỆ MINH
Related posts:
- Kinh nghiệm đạt điểm cao Hội thi tìm hiểu 85 năm truyền thống ngành cao su
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Ảnh dự thi "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ V năm 2019
- "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ VI - năm 2024
- Nguồn gốc giống cao su do ông E. Rauol đưa vào Việt Nam
- 95 năm cao su Việt Nam
- Gặp "nhà thơ" cao su Hòa Bình
- Cất cao tiếng hát người công nhân cao su miền Đông
- Ảnh dự thi "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ V năm 2019
- Tết "ấm" của công nhân cao su