CSVN – Thăm vùng trồng cao su các xã: Mường Nhé, Mường Toong, Nậm Kè… trên địa bàn huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), chúng tôi không khỏi xốn xang trước sự thay đổi kỳ diệu của nơi này.
Nhiều ven đồi, thưng núi trước đây um tùm cỏ lau lách hoặc cằn khô bởi đất trống đồi núi trọc nay đã nhường màu xanh ngút ngàn của những vườn cao su xanh tốt. Và cũng từ đây, cây cao su góp phần quan trọng tạo việc làm, mang lại đời sống ổn định, ấm no cho người dân vùng biên viễn.
Dẫu chúng tôi thăm những vườn cây cao su gần, quanh trụ sở, ông Nguyễn Công Tám, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé – Điện Biên nhớ lại nhiều năm trước, đó là thời điểm cây cao su chưa được đưa vào khai thác mủ, không ít người dân, thậm chí cả cán bộ xã, thôn bản cho rằng cao su trồng nơi đây khó mà “mở miệng”. Song mọi e dè, hồ nghi đã tan biến khi cuối năm 2017, cao su nơi đây đã chính thức mở miệng cạo.
Thấm thoắt đã 3 năm, những lô, vườn cao su đưa vào khai thác với diện tích ngày càng tăng lên đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng dự án. Hiện nay, công ty quản lý, chăm sóc 1.177,88ha cao su, trong đó 300,43ha đưa vào khai thác mủ. Nhờ nỗ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là Ban lãnh đạo công ty tập trung nghiên cứu và mạnh dạn áp dụng sáng kiến vào sản xuất, như: dịch chuyển giờ cạo mủ cho phù hợp với điều kiện khí hậu, sắp xếp các phần cạo của công nhân gần nhau, làm lán trại trên lô cho công nhân, cải tiến băng tải xuất mủ… góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, năng suất lao động cao hơn.
Với tổng số 113 cán bộ, công nhân viên, người lao động làm việc tại 3 phòng chuyên môn, 5 đội sản xuất trực thuộc; trong đó chiếm tới 86% là đồng bào dân tộc thiểu số; thu nhập bình quân của người lao động đạt 5,3 triệu đồng/người/tháng (công nhân khai thác 5,6 triệu đồng/người/tháng). Các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, nghỉ lễ, nghỉ phép… được công ty giải quyết kịp thời, đầy đủ theo quy định; được đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình làm việc.
Giá bán cao su năm 2019 vẫn ở mức thấp, trước khó khăn đó, công ty đã phát động các phong trào thi đua, đề ra kế hoạch rõ ràng, các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, và được tập thể cán bộ, công nhân lao động tích cực hưởng ứng, tham gia. Các phong trào thi đua yêu nước trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào thi đua học tập “Nâng cao trình độ văn hóa chuyên môn nghiệp vụ” đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển; phong trào “xanh – sạch – đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, phong trào thi đua lao động sản xuất do Ban lãnh đạo Công ty mẹ – Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng phát động…
Các phong trào thi đua này đều được gắn với Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo nên không khí lao động thi đua hăng say, bám vườn cây, khai thác tốt, góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị. Nhờ đó năm 2019, công ty đã khai thác đạt 108,3% kế hoạch pháp lệnh, đạt 104% kế hoạch phấn đấu. Hàm lượng DRC bình quân lũy kế là 52,1%. Tất cả các loại mủ (mủ tạp, mủ dây) đều được tổ chức vệ sinh sạch sẽ, phân loại theo quy trình. Chất lượng mủ khai thác tốt, đảm bảo, được đối tác tin tưởng, đánh giá cao.
Với chính sách bán hàng cụ thể, dự báo sớm diễn biến giá cả của thị trường, chọn thời điểm bán hàng phù hợp nên công ty đã chủ động chào hàng công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và làm việc với các đối tác (trong đó có cả đối tác nước ngoài) và đã xuất bán mủ với giá tối thiểu bằng giá sàn VRG quy định. Quá trình xuất hàng, cân hàng được thực hiện công khai dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và đại diện người dân có đất góp, đảm bảo công khai minh bạch, được sự đồng thuận của người dân và chính quyền địa phương.
Quyền lợi của người dân góp đất với doanh nghiệp trồng cao su được đảm bảo thực hiện theo phương án phân chia sản phẩm cho hộ gia đình, cá nhân góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên và theo mẫu hợp đồng được UBND tỉnh Điện Biên và VRG thống nhất. Trong năm 2019 Công ty phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức ký kết hợp đồng góp quyền sử dụng đất để hợp tác trồng cao su với 365 hộ dân được chính quyền địa phương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ký thỏa thuận góp đất để hợp tác trồng cao su với 112 hộ có đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng quản trị, căn cứ diện tích vườn cây trồng năm 2009, 2010; căn cứ Hợp đồng và thỏa thuận đã ký kết với người góp đất; công ty tiến hành thanh toán và chi tạm ứng giá trị 10% sản phẩm cho các hộ dân. Hiện đã thanh toán 10% giá trị sản phẩm cho 156 hộ góp đất trồng cao su năm 2009 (vườn cây khai thác năm 2018) với tổng số tiền gần 197,8 triệu đồng. Chi tạm ứng giá trị sản phẩm khai thác cao su năm 2019 cho 194 hộ có diện tích đất góp trồng cao su năm 2009 và 2010 (vườn cây khai thác năm 2019), với số tiền hơn 244,4 triệu đồng. Công tác thanh toán và chi trả được tổ chức thực hiện tới tận tay người góp đất dưới sự giám sát của chính quyền địa phương. Công khai, minh bạch trong việc chi trả nên các hộ gia đình, cá nhân nhận tiền đều phấn khởi.
Ông Nguyễn Công Tám, Tổng Giám đốc công ty cho rằng, dù tiền sản phẩm chi trả cho người góp đất chưa nhiều, song do nắm chắc quy luật khách quan, dự báo tốt tình hình về giá cả, công ty đã có biện pháp tuyên truyền phù hợp để người góp đất và chính quyền địa phương hiểu, tạo được sự đồng thuận và giúp công ty hoạt động ổn định. Doanh nghiệp cũng là công ty đứng đầu trong các công ty cao su ở Tây Bắc hoàn thành việc thanh toán 10% giá trị sản phẩm khai thác năm 2018 và chi tạm ứng giá trị sản phẩm khai thác năm 2019 cho các hộ góp đất.
Với mục tiêu phát triển doanh nghiệp bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, năm 2020 công ty tổ chức khai thác 388,17ha cao su; chăm sóc 789,71ha vườn cây cao su đúng quy trình kỹ thuật, tiết kiệm, hiệu quả; sửa chữa các tuyến đường lô bị hư hỏng, xuống cấp do mưa lũ đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ sản xuất kinh doanh… Tiếp tục quan tâm chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động để người lao động yên tâm gắn bó, đồng hành cùng doanh nghiệp.
GIA KIỆT
Related posts:
- Những mô hình chăn nuôi hiệu quả cao
- Cao su Kon Tum 12 năm giữ vững danh hiệu thành viên CLB 2 tấn/ha
- 40 năm cây cao su làm thay đổi cuộc sống buôn làng Tây Nguyên
- Cao su Bà Rịa: Kết hợp các giải pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất vườn cây
- Cao su Dầu Tiếng: Đẩy mạnh thu tuyển lao động dân tộc thiểu số tại Nghệ An, Hà Giang
- Cao su Mường Nhé - Điện Biên: Nhỏ nhưng nhiều cái "nhất"
- Cao su Phước Hòa – Kampong Thom: "Chủ động nhiều giải pháp để hoàn thành sản lượng được giao"
- Cao su Hòa Bình: Đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao năng suất, sản lượng vườn cây
- Cao su miền núi phía Bắc: Ngày vui đã đến...
- Miệt mài nơi "chiến trường"