“Phất” lên nhờ phát triển kinh tế gia đình

CSVN XUÂN – Sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết 6a của CĐ CSVN về việc đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế gia đình đã đem lại hiệu quả thiết thực. Phong trào đã được cụ thể hóa bằng nhiều mô hình phù hợp với nguồn vốn của CNLĐ, đặc thù từng vùng miền.
CN Phan Thị Ánh bên vườn cây xen canh NT Trường Sơn, Cao su Quảng Trị.
CN Phan Thị Ánh bên vườn cây xen canh NT Trường Sơn, Cao su Quảng Trị.
Được đông đảo CB.CNVC – LĐ hưởng ứng

Tiết giảm giá thành, suất đầu tư và tăng thêm nguồn thu nhập cho NLĐ là hai mục tiêu chính được thực hiện thành công khi triển khai đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế gia đình. Là khu vực có nhiều lợi thế về điều kiện đất đai sẵn có, truyền thống phát triển kinh tế gia đình từ trước, tuy nhiên NLĐ khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên càng thêm rầm rộ, sôi nổi hơn khi CĐ CSVN ban hành Nghị quyết 6a.

Nhiều hộ gia đình đã “phất” lên nhanh chóng nhờ chủ động nguồn vốn đầu tư và tìm hiểu, chọn lựa mô hình phù hợp với gia đình như trồng dưa lưới (lợi nhuận bình quân 180 triệu đồng/năm); nuôi yến (hơn 500 triệu đồng/năm), trồng cà phê (có hộ đạt lợi nhuận 300 triệu đồng/năm)…

Khu vực Duyên hải miền Trung chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, thế nhưng bằng nhiều cách, phong trào phát triển kinh tế gia đình được NLĐ hưởng ứng rất nhiệt tình. Nhiều CNLĐ chọn trồng xen canh các loại như khoai từ, khoai lang, bắp, nghệ… để tăng thêm thu nhập.

Làm CNCS được 14 năm, dù cho ngành cao  su đang gặp khó khăn, thêm vào đó  vườn cây của đơn vị hầu hết đang trong giai đoạn tái canh nhưng chưa bao giờ chị Phan Thị Ánh – CN NT Trường Sơn, Cao su Quảng Trị nghĩ tới việc phải rời xa công việc này. Nhờ sự nhanh nhạy, chịu khó, trên phần cây cao su KTCB chị đã trồng xen nhiều cây ngắn ngày. Mô hình trồng xen khoai từ, củ bình tinh, kết hợp chăn nuôi bò đã giúp chị có nguồn thu nhập ổn định hàng năm.

Chị cho biết: “Tôi bắt đầu trồng xen canh từ năm 2014. Trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, chủ trương trồng xen canh, đẩy mạnh kinh tế gia đình đúng đắn, tạo động lực để NLĐ gắn bó với cao su và giúp chúng tôi tăng thêm nguồn thu”.

Mô hình trồng khoai từ của chị mỗi năm làm một vụ hơn 1,5 ha, trừ chi phí thì lợi nhuận chị thu được 170 triệu đồng/năm. Ngoài khoai từ, chị còn trồng thêm nhiều loại khác như khoai lang, sả, nghệ và nuôi bò. Dù công việc trên vườn cây, trồng xen phát triển kinh tế gia đình đã chiếm phần lớn quỹ thời gian nhưng chị vẫn nhận cạo cao su tiểu điền để có thêm thu nhập. Với chị “thời nào cũng có những khó khăn, quan trọng nhất là sự đồng thuận của tập thể và nỗ lực của bản thân thì sẽ vượt qua được hết”.

Nguồn thu nhập ổn định của CN

Khu vực miền núi phía Bắc là địa bàn còn nhiều khó khăn nhất trong các đơn vị ngành cao su, song CNLĐ tại đây cũng cố gắng tận dụng điều kiện thực tế để làm thêm kinh tế phụ gia  đình bằng việc lựa chọn cây, con giống phù hợp. Một trong những mô hình mang lại giá trị kinh tế cao là trồng cây nghệ vàng đan xen dưới tán cây bưởi, cây cao su của anh Lê Chí Trường (Công ty CPCS Hà Giang) với sản lượng từ 15 – 20 tấn/ha, tính ra thu nhập từ 75 – 200 triệu đồng/ha.

Nghệ vàng là loại cây quen thuộc, dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, không kén đất, suất đầu tư thấp, khí hậu miền Bắc cũng thuận lợi với điều kiện phát triển của cây. Vì vậy, ngoài diện tích của gia đình, anh tận tình hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho bà con nơi đây trồng xen canh nghệ để có thu nhập.

Sản phẩm mật ong hoa cao su (thương hiệu của Cao su Sơn La) là kết quả của mô hình hỗ trợ CB. CNVC – LĐ nuôi ong lấy mật với sản phẩm mật ong hoa cao su để tăng thêm thu nhập. Công ty đã tạo điều kiện cho NLĐ tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi, kết hợp với tham quan các mô hình làm kinh tế giỏi trên địa bàn. Hỗ trợ cho NLĐ vay vốn từ nguồn vốn dịch vụ môi trường rừng của địa phương trả cho công ty hàng năm. Đồng thời bao tiêu sản phẩm mật ong cho các hộ chăn nuôi. Hiện tại, mô hình này đang phát triển tại NT Mường La, Châu Quỳnh, Châu Thuận với tổng số hơn 300 đàn ong.

Khi có chương trình này của công ty triển khai, anh Hoàng Liên Sơn – Giám đốc NT Mường La đã nhận nuôi thí điểm và sau đó quản lý, hướng dẫn kỹ thuật lại cho CN. Vốn chi phí ban đầu bỏ ra mua giống, thùng để nuôi khá mềm, thêm vào đó nuôi ong chỉ trong thời gian ngắn đã thu hoạch mật nên NLĐ rất hào hứng. Anh cho biết: “Người dân ở đây đã nuôi ong từ trước rồi nên CN có thể tìm hiểu và tiến hành nuôi, kỹ thuật nuôi không khó nhưng cần sự kỹ lưỡng, kiên trì trong chăm sóc. Nếu nuôi khoảng 400 đàn thì vào chính vụ mỗi tuần thu được cả tấn mật, tính ra sau khi trừ chi phí lãi 200 triệu đồng/năm”.

Hộ gia đình Lò Văn Thanh tại NT Mường La hồ hởi: “Nuôi ong trong một thời gian ngắn là cho thu hoạch với hiệu quả cao, tôi có 200 đàn ong thì mỗi năm trừ hết chi phí cũng được hơn 100 triệu đồng. Có thể nói đây là mức thu nhập rất tốt đối với CNCS, giúp chúng tôi ổn định cuộc sống khi ngành cao su đang gặp khó khăn. Và tôi sẽ tiếp tục duy trì việc nuôi ong này”.

MINH NHIÊN