CSVN – Sau ngày giải phóng, Nhà nước tiến hành quốc hữu hóa vườn cây, nhà máy của thực dân để lại. Đó là nền tảng cho sự phát triển ổn định, nhất quán và có những thành tựu đáng tự hào như hôm nay. Phóng viên Tạp chí CSVN đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Mạnh Hồng – Giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM để hiểu rõ thêm về quá trình này.
– Thưa ông, xin ông cho biết việc quốc hữu hóa ngành cao su đã diễn ra trong bối cảnh nào?
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hà Mạnh Hồng: Quốc hữu hóa là khái niệm chỉ quá trình chuyển sở hữu từ của tư bản nước ngoài (thực hiện khi xâm lược đặt chế độ cai trị ở thuộc địa để khai thác tài nguyên, lao động) thành sở hữu của Nhà nước. Đó là quá trình cải tạo nền kinh tế cũ, quan hệ sản xuất cũ để xây dựng quan hệ sản xuất mới trong quá trình đi lên XHCN, mà có vai trò thống lĩnh của Nhà nước trong một số ngành kinh tế lớn. Nhà nước phải làm chủ để xây dựng rường cột, tạo cơ sở cho nền kinh tế quốc dân. Quốc hữu hóa là một câu chuyện của Nhà nước, là vấn đề tất yếu. Chúng ta không thể không quốc hữu hóa, đây là một trong những biện pháp xây dựng CNXH trong thời kỳ quá độ.
Đối với ngành cao su, thực ra khi thực dân Pháp đến xâm lược 3 tỉnh miền Đông, họ đã thực hiện quốc hữu hóa tài sản của mình để biến thành của họ. Thực dân Pháp dùng áp lực để tước đoạt, tịch thu ruộng đất các đồn điền của nhà Nguyễn sang sở hữu công. Thông qua các đồn điền đó để chia đất cho các doanh nghiệp tư nhân Pháp đến đầu tư, hình thành hệ thống đồn điền đầu thế kỷ XIX ở Đông Nam bộ. Hệ thống đồn điền cao su là hiện thân của việc Pháp quốc hữu hóa để tư nhân hóa, tư bản hóa. Chính quá trình đó đã giúp cho sự phát triển mạnh của cao su những năm sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Đó là ngành phát triển nhất, chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế thuộc địa của Pháp. Nông sản cao su là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu loại 1, đem lại lợi nhuận đặc biệt cao cho tư bản Pháp. Đồn điền cao su tập trung ở các tỉnh Nam Kỳ, theo thống kê, tư bản Pháp đã kinh doanh 140.000 ha cao su. Suốt từ thế kỷ XIX cho đến năm 1954, thậm chí cho đến 1975 là hơn 1 thế kỷ, lợi nhuận từ ngành cao su tại thuộc địa đã đem nhiều lợi ích cho Pháp. Sau chiến tranh, tư bản Pháp vẫn ở đây và tiếp tục kinh doanh theo hướng như thế nhưng diện tích bị thu hẹp lại đi.
Khi đã lật đổ chế độ thuộc địa, Nhà nước ta phải giành độc lập kinh tế nên vấn đề đặt ra là nhất thiết phải làm quốc hữu hóa, chúng ta không thể duy trì hệ thống đồn điền tư bản nước ngoài, vốn nó lấy nó làm cơ sở kinh tế trong hơn 1 thế kỷ cai trị. Đó là tính tất yếu, không phải trả đũa, cũng không phải đôi co, mà là sự đối trọng về kinh tế và ý nghĩa về chính trị, Nhà nước ta nhất định phải quốc hữu hóa ngành cao su thuộc địa của Pháp.
– Vậy khi tiến hành quốc hữu hóa, ngành cao su đã đối mặt với những khó khăn nào, thưa ông?
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hà Mạnh Hồng: Không chỉ có ngành cao su mà nhiều ngành nghề khác khi quốc hữu hóa đều gặp rất nhiều khó khăn. Riêng ngành cao su có 5 khó khăn chính.
Thứ nhất, quy mô diện tích vườn cây bị thu hẹp do chiến tranh. Đông Nam bộ chiến trường trọng điểm trong chiến tranh, vì vậy sau chiến tranh quy mô cao su ở Đông Nam bộ không lớn. Với diện tích vườn cây nhỏ không đảm bảo năng suất và không đáp ứng yêu cầu đưa cao su thành cơ cấu mới trong nông nghiệp. Thêm vào đó, sau chiến tranh, vấn đề lương thực, thực phẩm quan trọng hơn cao su, giải quyết cái ăn, ổn định cuộc sống cho người dân được đặt lên hàng đầu. Vì vậy làm sao để khôi phục lại vườn cây, nhà máy sau chiến tranh là một bài toán nan giải.
Thứ hai là vấn đề về lao động. Ngành cao su muốn phát triển, khai thác hết tiềm năng cần phải xây dựng lực lượng lao động để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Lao động cao su sau giải phóng không đủ số lượng, chất lượng, vấn đề đặt ra phải bồi dưỡng, xây dựng lao động đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn mới.
Thứ ba, vấn đề đầu tư về cơ sở vật chất, giống, khoa học kỹ thuật… Là ngành có tiềm năng để phát triển nhưng trong giai đoạn cả nước đều khó khăn thì vốn liếng đầu tư cho những yêu cầu của ngành vẫn chưa đủ tiềm lực. Thứ tư đó là khó khăn về kinh nghiệm quản lý. Hình thái Nhà nước thay đổi nên cơ chế quản lý cũng phải thay đổi. Những cách thức quản lý dưới thời tư bản tư nhân không còn phù hợp. Lúc bấy giờ, ngành cao su phải cần có đội ngũ quản lý am hiểu ngành nghề để lèo lái đưa ngành ổn định và phát triển. Khó khăn này không thể giải quyết trong ngày một ngày hai mà cần cả quá trình và sự nỗ lực rất lớn. Ở đây tôi đánh giá cao sự chung tay, đoàn kết, đó là truyền thống được dựng xây từ thời khó khăn để được như ngày hôm nay của ngành cao su.
Vấn đề đặt ra thứ năm là đầu ra của cao su. Ngày trước, thực dân Pháp tập trung xuất khẩu cao su thô, đó là bước nhanh nhất và kiếm lời dễ nhất, nhưng sau năm 1975 cần phải làm khác đi, bởi không chỉ là mủ mà còn là gỗ cao su, và nhiều sản phẩm công nghiệp từ cao su chúng ta đều có thể khai thác.
Có thể khẳng định rằng, trong trong 10 năm đầu quốc hữu hóa, ngành cao su gặp nhiều khó khăn do khách quan, chủ quan. Vạn sự khởi đầu nan, đến thập niên cuối của thế kỷ XX mới có những khởi sắc. Ngành cao su đã từng bước khắc phục vượt qua khó khăn, kiên trì, nỗ lực xây dựng ngành. Chúng ta có thể so sánh thực trạng của ngành cao su những năm đầu sau giải phóng và thành tựu to lớn, đóng góp về mọi mặt cho đất nước hôm nay để thấy được sự thay đổi vượt bậc của ngành. Trong chặng đường phát triển của ngành, sự kiện ra đời của VRG mang ý nghĩa quan trọng về một triển vọng tương lai phát triển hơn nữa của ngành.
– Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
MINH NHIÊN (thực hiện)
Related posts:
- VRG vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
- Chung tay hỗ trợ các đơn vị miền Trung khắc phục thiệt hại sau bão lũ
- Thu nhập ngành gỗ trên 10,6 triệu đồng/người/tháng năm 2022
- Tạo điều kiện mở cạo Cao su Điện Biên
- Cao su Đồng Phú đào tạo khai thác mủ cho 200 học viên
- Khối thi đua Duyên hải miền Trung 2: Một năm nỗ lực vượt khó
- Cao su Hòa Bình chủ động nhiều giải pháp hoàn thành nhiệm vụ
- Thống nhất hướng tuyến công trình xây dựng đường từ đường ĐT741 vào Khu công nghiệp Nam Đồng Phú mở ...
- “Các đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong 6 tháng đầu năm”
- Cao su Tây Ninh có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Tây Ninh