“Đội ngũ cán bộ Công đoàn cao su các cấp giỏi lý luận, giàu thực tiễn”

CSVN – Nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ CĐ các cấp là một trong những nội dung quan trọng  của CĐ CSVN nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động CĐ trong thời kỳ mới. Nhân dịp đầu xuân mới, Thạc sĩ Trần Đức Phương – Nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp CĐ TP.HCM (đơn vị hợp tác với CĐ CSVN tổ chức các lớp Đại học phần CĐ) đã có những chia sẻ với phóng viên Tạp chí CSVN về vấn đề này.
Thạc sĩ Trần Đức Phương (thứ 2 từ trái qua) là thành viên BGK Hội thi Chủ tịch Công đoàn cơ sở giỏi 2019. Ảnh: Vũ Phong
Thạc sĩ Trần Đức Phương (thứ 2 từ trái qua) là thành viên BGK Hội thi Chủ tịch Công đoàn cơ sở giỏi 2019. Ảnh: Vũ Phong

– Xin ông cho biết những đánh giá của ông về việc đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ CĐ của CĐ CSVN trong thời gian qua?

Thạc sĩ Trần Đức Phương: Trường Trung cấp CĐ TP.HCM và CĐ CSVN có mối quan hệ gắn bó từ rất lâu trong công tác kết hợp tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ CĐ của ngành cao su. Đặc biệt, sự hợp tác này càng khắng khít trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết Đại hội CĐ lần thứ VII, VIII của CĐ CSVN. CĐ CSVN đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ CĐ các cấp. Trong hai Nghị quyết đó đều nêu rõ chỉ tiêu 100% cán bộ CĐ được đào tạo, tập huấn trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Tôi cho rằng, để tổ chức được những lớp đào tạo như vậy thì ngành cao su đã có hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất đó là sự quan tâm của CĐ ngành đến việc bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ các cấp vừa hồng vừa chuyên, không chỉ là những người gắn bó, gần gũi với NLĐ mà còn có đầy đủ kiến thức về pháp lý để có đủ khả năng giải quyết các vấn đề một cách hợp tình hợp lý. Thứ hai đó là sự hỗ trợ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền VRG. Điều này đúng với đặc điểm của hoạt động CĐ là sự kết hợp, hỗ trợ của chính quyền tốt thì tổ chức CĐ mới phát huy tốt vai trò, trách nhiệm là cầu nối giữa doanh nghiệp và NLĐ, bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ.

CĐ CSVN không chỉ đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lớp cán bộ CĐ đương thời, mà còn rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ kế cận. Có thể khẳng định rằng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho tổ chức CĐ từ cấp ngành đến cơ sở được tổ chức bài bản.

Các cán bộ CĐ trao đổi với công nhân trong Hội thi Chủ tịch Công đoàn cơ sở giỏi 2019. Ảnh: Vũ Phong
Các cán bộ CĐ trao đổi với công nhân trong Hội thi Chủ tịch Công đoàn cơ sở giỏi 2019. Ảnh: Vũ Phong

– Ông có đánh giá gì về các hình thức đào tạo trình độ nghiệp vụ cán bộ CĐ của CĐ CSVN, thưa ông?

Thạc sĩ Trần Đức Phương: Bên cạnh việc kết hợp với trường thì CĐ CSVN còn có nhiều hình thức đào tạo cho cán bộ CĐ các cấp như hội nghị tập huấn, hội thảo chuyên đề, các cuộc thi. Đặc biệt trong năm 2019 vừa qua, CĐ CSVN đã tổ chức thành công Hội thi Chủ tịch CĐ cơ sở giỏi. Có thể nói tất cả các nội dung trong phần thi đã tạo cơ hội cho các thí sinh thể hiện mình. Đó cũng là đợt diễn tập, là hình thức kiểm tra kiến thức, kỹ năng của đội ngũ cán bộ CĐ. Và qua cuộc thi này có thể thấy rằng, đội ngũ cán bộ CĐ các cấp của ngành cao su trưởng thành rất nhiều, từ lý luận đến thực tiễn.

Công tác đào tạo cán bộ CĐ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trong suốt 14 năm ở cương vị hiệu trưởng trường, tôi đã nhận được nhiều “đơn đặt hàng” của các CĐ trực thuộc CĐ CSVN về các chủ đề gắn với tình hình thực tiễn thường gặp tại đơn vị. Những hội thảo chuyên đề này đòi hỏi phải phù hợp, thiết thực với NLĐ và tình hình của đơn vị, là những vấn đề cấp thiết có ý nghĩa về hoạt động phong trào, các chế độ chính sách dành cho NLĐ.

Qua các đợt tập huấn, cán bộ CĐ các cấp của ngành cao su trưởng thành hơn, nắm bắt kiến thức, ứng dụng vào thực tiễn. Theo tôi, một cán bộ CĐ giỏi là người phải xây dựng được mối quan hệ giữa NLĐ và chính quyền  tốt đẹp, để từ đó đề ra những chương trình, hoạt động phù hợp với đơn vị, nhưng mục đích chính hướng đến vẫn là vì lợi ích của NLĐ và của doanh nghiệp.

– Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

MINH NHIÊN (thực hiện)