Đêm Kampong Thom nghe câu vọng cổ

CSVN XUÂN – Chuyến xe đưa chúng tôi đến cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) hơn 12 giờ trưa, thủ tục nhanh gọn, anh Phương – phòng Kế hoạch của Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa – Kampong Thom kiêm luôn “bác tài” đón đoàn công tác tại cửa khẩu. Xe lao nhanh trên con đường nhựa phẳng lì, hơn hai tiếng đồng hồ chúng tôi đã có mặt tại trụ sở công ty.
Trụ sở Công ty TNHH Phát triển Cao su Bà Rịa - Kampong Thom tại Campuchia. Ảnh: Đào Phong
Trụ sở Công ty TNHH Phát triển Cao su Bà Rịa – Kampong Thom tại Campuchia. Ảnh: Đào Phong
Nhớ nhà, leo cây…tìm “sóng”

Tay bắt mặt mừng, như người đi xa lâu ngày gặp lại, uống vội ly trà nóng, anh Lê Thanh Hùng – Trưởng phòng Kỹ thuật và anh Nguyễn Hữu Thục – Trưởng phòng Tổ chức Hành chính lái xe đưa chúng tôi đi thăm vườn cao su đang trong thời gian chuẩn bị vật tư cho mùa cạo mới. Những cánh rừng cao su trải dài tít tắp, những con đường liên lô bằng phẳng trải rộng dọc ngang. Tất cả bày ra trước mắt chúng tôi sự tốt tươi và xanh ngút ngàn làm dịu cái bỏng rát của nắng tháng ba.

“Cách đây 10 năm, vùng đất này vốn còn hoang vu, dân cư thưa thớt, đường sá giao thông không thuận tiện, xa chợ, không có điện, thiếu nước, thú rừng còn chạy “trêu người”…”. Anh Hùng vừa chỉ vào cánh rừng cao   su vừa chậm rãi kể lại những ngày “khai hoang mở đất” mà anh cùng bộ khung công ty gồm 8 cán bộ của Công ty CP Cao su Bà Rịa và Công ty CP Cao su Hòa Bình đã có mặt ngay từ ngày đầu tiên. Giọng chùng xuống, anh chia sẻ: “Khó khăn vô cùng! Việc đầu tiên cần làm ngay là ổn định nơi ăn  ở, sinh hoạt cho cán bộ nhân viên và sau đó bắt tay vào định hình và xây dựng công ty. Nhớ lại ngày đó mới thấy, sức lao động của con người quả là đáng khâm phục…”.

Nhìn qua cửa xe, những hàng cao su thẳng tắp đang vươn mình ngạo nghễ trong ánh nắng chói chang, ẩn hiện trong lô cao su từng tốp công nhân đang miệt mài trang bị vật tư chuẩn bị cho mùa cạo mới. Để có được diện mạo như ngày hôm nay, bao giọt mồ hôi đã đổ, thậm chí cả máu và nước mắt. Các anh – những người tiên phong đi mở đất đã vượt qua gian khó, chấp nhận sống xa gia đình, xa vợ con, tạm gác lại hạnh phúc cá nhân đời thường, tình nguyện đến vùng đất mới, vỡ đất, khai hoang, cùng với Công ty CPCS Bà Rịa – Kampong Thom “đứng mũi chịu sào” khảo sát lập dự án, hoàn thành các thủ tục, tuyển chọn nhân lực, thực hiện chiến lược trồng cao su trên đất Chùa Tháp xa xôi.

Tác giả (ngoài cùng bên trái) trò chuyện với công nhân người Campuchia bên căn nhà khang trang do công ty xây dựng. Ảnh: Ngọc Cẩm
Tác giả (ngoài cùng bên trái) trò chuyện với công nhân người Campuchia bên căn nhà khang trang do công ty xây dựng. Ảnh: Ngọc Cẩm
Nơi ấy – “đất lành chim đậu”

Chúng tôi ghé thăm Trường Tiểu học Hữu Nghị do công ty đóng góp xây dựng, các em đang trong giờ học. Với 7 phòng phục vụ việc học tập  cho 130 học sinh từ lớp mẫu giáo đến lớp 5 là con em công nhân, để các cháu không phải đi học xa và không bị thất học. Ngoài ra công ty còn bố trí phương tiện đưa đón các cháu học sinh hàng ngày, giúp cha mẹ học sinh an tâm công tác. Nhìn những ánh mắt hồn nhiên, chăm chú nghe lời giảng của thầy cô, chúng tôi không giấu được niềm vui về những “điều kỳ diệu” mà cây cao su đã mang lại về đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân nơi đây.

Đến thăm ngôi chùa tọa lạc trên đồi cao, được biết đây là ngôi chùa  do công ty cùng với Công ty CPCS Phước Hòa – Kampong Thom và Tân Biên– Kampong Thom đóng góp xây dựng với kinh phí 180.000 USD. Một không gian thoáng đãng, yên bình. Xa xa khói đốt rẫy của người dân lan  tỏa làm lòng lắng lại, một cảm giác ấm áp nơi đất khách quê người. Chiều xuống, hoàng hôn đỏ ửng cả góc trời, những cánh chim chấp chới đang bay về tổ ấm, trả lại cánh rừng cao su sự yên tĩnh trầm mặc vốn có.

Đêm 16, trăng tròn vằng vặc ẩn hiện trong khu rừng bàng bạc. Như đã hẹn, chúng tôi theo chân các anh đội tuần tra canh gác “giặc lửa” trong lô. Đi cùng có Tổng giám đốc công ty Phùng Thế Minh, ông mới trở về sau chuyến công tác ở Phnom Penh. Thân thiện và cởi mở, ông cho biết, năm 2016, khi công ty bắt đầu giai đoạn khai thác gần 400 ha đầu tiên và cũng   là năm đơn vị phải đối mặt với những khó khăn thử thách do giá mủ cao su liên tục sụt giảm. Bên cạnh đó, vấn đề biến động lao động luôn là khó khăn thường trực, bởi lao động người Campuchia do thói quen, phong tục tập quán, những dịp lễ Tết kéo dài ngày nên lực lượng lao động trực tiếp thường không ổn định, gây khó khăn đối với công tác khai thác của công ty.

“Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã có những biện pháp tìm nguồn cung cấp lao động để thu tuyển, có chính sách tiền lương phù hợp để nâng cao thu nhập cho người lao động, làm tốt công tác an chính sách an sinh xã hội để thu hút lao động. Hiện nay công ty không phải đi tuyển công nhân mà phần lớn lao động tự tìm tới. Số công nhân lao động trực tiếp đã có hơn 1 ngàn người, phần đông họ là người bản địa cần cù, siêng năng, chịu khó học hỏi nên cũng là một thuận lợi lớn”, ông Minh chia sẻ.

Nghe TGĐ Phùng Thế Minh kể về những khó khăn đã qua, và những thách thức sắp tới, tôi thầm nghĩ, trong lúc rất nhiều công ty chật vật tìm kiếm lao động, thế mà Cao su Bà Rịa – Kampong Thom lại không phải đi “chiêu mộ” lao động mà họ tự tìm tới, phải chăng nơi đây có chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” hay hội đủ yếu tố “Địa lợi – Nhân hòa” để “đất lành chim đậu”?

Tôi bỗng nhớ, có lần đọc một bài báo của đồng nghiệp viết về “chiêu” thu tuyển công nhân của vị giám đốc này, trong đó có chi tiết: Công ty cương quyết không nhận những người từng làm việc ở các công ty cao su khác nay “nhảy việc”. Ông khuyên họ nên trở về nơi mà họ ra đi, và lý giải rằng đó chính là thể hiện lối sống tình nghĩa, “có trước có sau”. Phải chăng cách hành xử khéo léo ấy chính cái tâm và tầm của người lãnh đạo để thu phục người lao động?

Học sinh trường tiểu học Hữu nghị do công ty đóng góp xây dựng, sau tiết chào cờ. Ảnh: Hồng Lý
Học sinh trường tiểu học Hữu nghị do công ty đóng góp xây dựng, sau tiết chào cờ. Ảnh: Hồng Lý
“Say” nghị lực, đánh thức niềm tin

Có lẽ đêm nay, cái đêm “rượu chưa uống đã say”, say bởi tấm chân tình, sự nồng hậu của người xa quê nơi đất khách. Say bởi nghị lực vượt khó, tinh thần lao động hăng say của tập thể CB.CNV-LĐ Cao su Bà Rịa – Kampong Thom nơi đất nước Chùa Tháp xa xôi…

Không thể tin rằng, mảnh đất thuộc rừng khộp, nghèo mùn, ngập nước năm xưa nay đã định hình một diện mạo mới với 5.393,649 ha cao su xanh tốt, năng suất bình quân 1,8 tấn/ha, và là thành viên trong Câu lạc bộ 2 tấn/ ha của Tập đoàn. Một cơ ngơi khang trang – một “đại bản doanh” có wifi phủ sóng, có karaoke giải trí sau những ngày lao động vất vả để đêm về vơi bớt nỗi nhớ quê nhà, có niềm hạnh phúc của những đôi trai gái yêu nhau,  có tiếng cười, nói bi bô trẻ thơ của những đôi vợ chồng xa quê lập  nghiệp…

Bên ánh lửa của lò than rực đỏ, mùi thơm của gà nướng mà các anh ở đây đùa rằng: “Gà sạch đấy! hàng độc chỉ có ở đây – Gà leo cây”. Tiếng cười nói râm ran, câu hò vọng cổ “Em ra đi khi gà chưa gọi sáng, trăng mùng mười còn giỡn nước giữa đâm sen…” ngọt lịm của anh công nhân người miền Tây cao vút, ngân vang tan vào khoảng rừng cao su mênh mông dưới ánh trăng khuya như dát bạc. Ánh đèn điện lung linh, hơi rượu nồng nàn, những câu chuyện về quá khứ vất vả, niềm tin vào tương lai cứ kéo dài không dứt…

Tạm biệt Bà Rịa – Kampong Thom, chúng tôi lại trở về phố, trong hành trang mang theo có cả bài học của tinh thần vượt khó, trong đó có câu chuyện của những ngày tháng gian nan phóng cọc, đào hố, ươm mầm cho cây cao su bám rễ, vươn mình. Rồi cả nỗi nhớ vợ, nhớ con, nhớ người yêu… những lần phải chạy hơn một cây số để leo lên cây đa cao vút đầu đường “quơ điện thoại tìm sóng”…

Trong những ngày thi đua nước rút của tháng cuối năm, tin vui từ Kampong Thom báo về. Đơn vị kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, trong không khí hân hoan mừng công hoàn thành kế hoạch sản lượng 7.500 tấn, về trước kế hoạch 46 ngày. Dự kiến sản lượng kế hoạch đạt hơn 9.500 tấn (vượt 27% kế hoạch) vào năm 2019. Tin rằng, các anh – những người tiên phong đưa cây cao su “xuất ngoại” có quyền đặt trọn niềm tin, tự hào về thành quả sẽ đạt được khi hơn 5.276 ha cao su của công ty sẽ đồng loạt đưa khai thác.

Vâng, tất cả những câu chuyện của các anh là bài học cho chúng tôi – thế hệ đi sau biết trân quí, giữ gìn và phát huy truyền thống yêu ngành yêu nghề trong thời điểm khó khăn mà ngành cao su đang đối mặt.

 NGUYỄN LÝ