CSVN XUÂN – Nhắc đến ngành nghề có bề dày truyền thống, mọi người nghĩ đến miền Nam có ngành cao su và miền Bắc có ngành than – khoáng sản. Hai ngành đều là cái nôi của phong trào cách mạng và có nhiều đặc điểm chung. Ngày 20/12, tại Đồng Nai – một tỉnh của vùng đất đỏ miền Đông gian lao anh dũng, giàu truyền thống cách mạng, tình giao hữu của hai ngành được đánh dấu bằng lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VRG và Tập đoàn Than – Khoáng sản VN (TKV).
Cái nôi của phong trào cách mạng
Năm 2019, VRG tổ chức thành công lễ kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành cao su (28/10/1929 – 28/10/2019) và ngành than – khoáng sản cũng kỷ niệm 83 năm truyền thống (12/11/1936 – 12/11/2019).
Quay trở lại những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hình ảnh xã hội Việt Nam được khắc họa rõ nét qua bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của nhà thơ Tố Hữu:
“Thuở nô lệ, thân ta nước mất
Cảnh cơ hàn, trời đất tối tăm
Một đời đau suốt trăm năm
Chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao”.
Ruộng đất bị cướp mất, sưu thuế treo lơ lửng trước mặt, bám làng thì không có cái ăn, mọi người phải rời làng quê theo lời chiêu mộ của thực dân về lời hứa hẹn có cuộc sống no đủ hơn. Thế nhưng trái lại với bức tranh tươi sáng được vẽ lên, công nhân cao su và ngành than sống cuộc đời còn cơ cực hơn trăm lần, bị áp bức bóc lột đến cùng cực. Trước tình cảnh ấy, giai cấp công nhân đã đứng lên đấu tranh đòi lại công bằng, đòi những quyền lợi cho giai cấp, cho dân tộc mình.
Cách đây hơn 90 năm, vào đêm 28/10/1929, tại Làng 3, đồn điền Cao su Phú Riềng, thuộc địa bàn xã Thuận Lợi (nay là xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở miền Đông Nam bộ được thành lập. Chi bộ gồm 6 thành viên, do đ/c Nguyễn Xuân Cừ làm Bí thư.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc bãi công của công nhân Cao su Phú Riềng giành thắng lợi. Đây là cuộc bãi công lớn nhất trong số các cuộc đấu tranh của quần chúng công nhân lúc đó, gây tiếng vang trong cả nước và thế giới. Phú Riềng Đỏ mãi mãi trở thành niềm tự hào, là trang sử vàng của nhân dân Bình Phước và của công nhân ngành cao su VN.
Đối với ngành than, cuộc tổng bãi công ngày 12/11/1936 đi vào lịch sử của lớp thợ mỏ VN như một biểu tượng thành công về tập hợp lực lượng, về tính kỷ luật, tinh thần tương thân, tương ái, tính tiên phong và ý chí sắt đá trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột, đòi quyền dân chủ. Khẩu hiệu – hành động của cuộc bãi công lịch sử đó đã được kết tinh thành truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của thợ mỏ. Tầm vóc, ý nghĩa và ảnh hưởng của thắng lợi từ cuộc tổng bãi công này là rất to lớn và sâu sắc, đặc biệt là trong công tác giáo dục truyền thống, nhất là với thế hệ trẻ vùng mỏ.
Ngành cao su và ngành than chính là nơi thực hiện phong trào vô sản hóa của các đồng chí lãnh đạo Trung ương. Ở Phú Riềng có đ/c Nguyễn Xuân Cừ, Trần Tử Bình, ở đất mỏ Mạo Khê có đ/c Nguyễn Văn Cừ… Hơi thở, làn sóng đấu tranh của giai cấp công nhân hai ngành là trường lớp đào tạo giúp các đồng chí rèn luyện, trưởng thành và sau này có nhiều đóng góp to lớn trong vai trò lãnh đạo các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.
Thắt chặt tình bằng hữu, tâm giao
Đ/c Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN đã nhắc đến 5 điểm chung khi nói về ngành cao su và ngành than – khoáng sản: “Cả hai ngành là cái nôi của phong trào cách mạng VN. NLĐ của hai ngành có truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, luôn giữ vững bản lĩnh tốt đẹp của giai cấp công nhân VN trong mọi hoàn cảnh. Là ngành nghề nặng nhọc nhưng NLĐ đã nỗ lực vươn lên, đoàn kết, ra sức thi đua gặt hái được những thành tựu to lớn. Đặc biệt lãnh đạo của hai Tập đoàn đều rất quan tâm, đảm bảo các chế độ, chính sách cho NLĐ. Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn của hai Tập đoàn là điểm sáng trong hoạt động Công đoàn của Khối thi đua các Tập đoàn, TCT.
Việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VRG và TKV có ý nghĩa quan trọng, là dấu ấn trong quá trình phát triển, góp phần giáo dục truyền thống cho NLĐ hai bên, xây dựng hình ảnh CNLĐ trong thời kỳ đổi mới bất khuất, kiên trung”.
Nếu như công nhân ngành than làm việc sâu dưới lòng đất, nhiều nguy hiểm thì công nhân ngành cao su cũng làm việc trong môi trường ngoài trời, thời tiết biến đổi thất thường, địa hình không thuận lợi. Và nếu người ta ví thợ mỏ là những người “ăn cơm trần gian – làm việc âm phủ” thì công nhân cao su làm việc trời mưa không tìm chỗ trú mà chạy vội ra vườn cây trút mủ, hay là “tờ mờ sáng khi mọi người còn say giấc nồng thì công nhân cao su đã rèn rẹt những đường cạo trên lô”.
Từ điểm xuất phát đều là nông dân chân lấm tay bùn, rời xa làng quê để trở thành phu cao su, thợ mỏ, không chịu được sự bóc lột của thực dân đã đứng dậy, đoàn kết, hiên ngang đấu tranh. Hình ảnh của công nhân cao su và thợ mỏ đại diện cho hình ảnh của giai cấp công nhân VN, một lòng son sắt với Đảng, với đất nước.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, cả hai ngành đều gặp những khó khăn nhất định, nhưng đã vượt lên tất cả, khắc phục gian khó buổi đầu, gặt hái những thành công và có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội cho đất nước. Dù trong hoàn cảnh nào, lãnh đạo của hai ngành đều quan tâm, chắt chiu để chăm lo cho NLĐ.
Cả hai ngành đều có tính lan tỏa và ảnh hưởng rất lớn, nếu ngành than – khoáng sản đóng góp cho an ninh năng lượng quốc gia thì ngành cao su có nhiều đóng góp vào an ninh chính trị, an ninh quốc phòng, tạo công ăn việc làm cho NLĐ địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính vì những nét tương đồng đó, đ/c Lê Minh Chuẩn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV TKV nhấn mạnh: “Miền Nam có ngành cao su, miền Bắc có ngành than – khoáng sản, hai ngành có bề dày truyền thống lâu đời. Phong trào đấu tranh của công nhân hai ngành xuất hiện từ buổi ban đầu. Từ lâu, tình giai cấp, tình đồng chí thiêng liêng của hai ngành đã rất gắn kết, tuy nhiên sẽ chưa trọn vẹn nếu chưa tạo điều kiện để NLĐ hai ngành giao lưu, tìm hiểu truyền thống của nhau. Và chưa trọn vẹn nếu chưa hỗ trợ, song hành trong việc phát huy tiềm năng của hai ngành. Việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai ngành là một món quà rất ý nghĩa để chào mừng nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2020”.
Là dự định được ấp ủ từ rất lâu của người đứng đầu VRG, đối với ông Trần Ngọc Thuận – Bí thư Đảng ủy, HĐTV VRG thì lễ ký kết này có tính chất lịch sử vì “Tạo điều kiện để NLĐ hai ngành học hỏi, giao lưu để có những chia sẻ, đồng cảm và thấu hiểu lẫn nhau. Đồng thời mở ra cơ hội hợp tác toàn diện giữa hai bên trên những lĩnh vực quan tâm”.
Khi thợ lò và công nhân cao su hòa chung lời ca
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VRG và TKV đánh dấu việc thắt chặt tình đoàn kết giữa hai ngành có truyền thống lâu đời ở nước ta. Đồng thời, phát huy thế mạnh để bồi đắp những giá trị tốt đẹp của giai cấp công nhân, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển.
Theo đó, hai bên sẽ tăng cường các hoạt động hợp tác, phối hợp để phát huy vai trò là một trong những cái nôi cách mạng đầu tiên của giai cấp công nhân, tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ công nhân ngành cao su, ngành than – khoáng sản, luôn xứng đáng với truyền thống cách mạng hai Tập đoàn, là những hạt nhân nòng cốt.
Phát huy tối đa thế mạnh của hai bên, huy động nguồn lực tổng hợp để hỗ trợ nhau thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hiệu quả, ổn định và bền vững của mỗi bên, góp phần mang lại lợi ích chung cho xã hội.
Đồng thời, phối hợp tổ chức phong trào CNVC – LĐ và hoạt động Công đoàn, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn hai bên ngày càng vững mạnh. Trong đoàn công tác của TKV có 5 NLĐ đạt thành tích xuất sắc nhất của các đơn vị trực thuộc. Được đi thăm vườn cây và gặp gỡ NLĐ ngành cao su, anh Đàm Đình Võ – Công ty Than Quang Anh chia sẻ: “Tôi rất vinh dự khi đại diện cho NLĐ TKV tham dự chuyến đi đầy ý nghĩa này. Và rất vui khi được tìm hiểu về truyền thống ngành cao su, cùng với ngành than – khoáng sản là hai ngành nghề có truyền thống hào hùng, đáng tự hào. Chúng tôi tin tưởng rằng sự kết giao này sẽ viết tiếp hình ảnh giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế”.
Tại buổi lễ ký kết, khi ca khúc Tôi là người thợ lò và Long lanh dòng nhựa trắng được cất lên đã tạo nên ấn tượng cho những ai tham dự. Rồi từ đây, ngành cao su và ngành than – khoáng sản sẽ có thêm tiếng nói chung trên các diễn đàn. Như truyền thống bao đời xây dựng, trong hành trình phía trước sẽ có những thăng trầm, nhưng với những giá trị được tạo dựng và gìn giữ, CB.CNVC – LĐ hai ngành hôm nay sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy để xứng đáng là những tập đoàn kinh tế lớn của cả nước.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Phát huy truyền thống 93 năm hào hùng, xây dựng VRG phát triển ổn định và bền vững
- Lãnh đạo tỉnh chúc Tết người lao động Cao su Sơn La
- Điều chỉnh kế hoạch nông nghiệp 2016
- VRG chia sẻ về quản lý rừng bền vững
- VRG chúc Tết tỉnh Bình Phước, Bình Dương
- Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Cao su Việt Nam
- Cao su Đồng Nai đạt được nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2022
- Gỗ MDF VRG Quảng Trị: Thu nhập trên 10 triệu đồng/người/tháng
- “Cao su đã thay đổi cuộc đời tôi”
- Tạp chí CSVN trao 80 suất học bổng cho con em công nhân