Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Đê đồng hành cùng nhịp sống ngành cao su

CSVN XUÂN – Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Đê, sinh năm 1958, là người có thâm niên 12 năm làm trong ngành cao su. Anh hiện là quyền Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Thuận An, Phó Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Bình Dương, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Dương.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đặng Đê.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đặng Đê.
Tròn một con giáp với ngành cao su

Đặng Đê chia sẻ, anh đến với nhiếp ảnh giống như một tình yêu từ thuở thiếu thời. Cầm máy từ năm 1976, khi anh đang công tác tại Đài truyền hình Huế với chiếc máy ảnh Canon Net chụp bằng phim đen trắng. Sau vào làm công nhân cao su, anh vẫn sử dụng máy ảnh để ghi lại những hình ảnh lao động đời thường và những dịp lễ Tết của bà con công nhân.

Anh gắn bó với ngành cao su từ tháng 4/1981, đến năm 1993 kinh qua  rất nhiều công việc như: Công nhân KTCB, công nhân cạo mủ, tổ trưởng KTCB, cán bộ Đoàn, cán bộ Công đoàn, trợ lý đời sống của nông trường, trợ lý thi đua, trợ lý lao động tiền lương… Từ khi Công ty Cao su Lộc Ninh cải tổ không còn nông trường chỉ còn đội trực thuộc, anh được đề bạt làm Đội trưởng Đội 4 từ năm 1988 – 1993 (gồm Nông trường Lộc Hiệp, một phần của Nông trường Lộc Tấn và khu du lịch Cầu Trắng).

Tác phẩm“Xử lý sản phẩm gỗ cao su”, đạt giả Ba Cuộc thi “Ánh sáng từ dòng vắng trắng” lần 5 năm 2019.
Tác phẩm“Xử lý sản phẩm gỗ cao su”, đạt giả Ba Cuộc thi “Ánh sáng từ dòng vắng trắng” lần 5 năm 2019.

Anh tâm sự: thời kỳ mình làm việc còn nhiều khó khăn, vườn cây của Pháp để lại thưa thớt, già cỗi, khó khăn nhất là việc phòng chống cháy, rồi bệnh sốt rét thì diễn ra phức tạp. Thời đó, có đơn vị 100% cán bộ công nhân đều trải qua sốt rét. Đường thì đồi dốc, đất đỏ, rắn chàm ngoạp rất nhiều trong lô cao su, đi lại rất vất vả, nhất là mùa mưa.

Thời bấy giờ làm kiến thiết cơ bản, khai hoang bằng thủ công, đào hố, phòng chống cháy thủ công. Đơn vị mình thiếu lao động từ khai thác, trồng mới, tháp… nên ăn ngủ không yên khi mùa khô đến, đi lô kiểm tra rất vất vả. Thời kỳ đó trồng mới cao su bằng hạt và dặm bằng stump trần tỷ lệ sống rất thấp nên vất vả trăm bề. Đời sống của bà con công nhân và cán bộ rất khó khăn. Chỉ dựa vào xen canh cây lúa, trồng thêm tiêu, cà phê để cải thiện đời sống.

Còn nhớ khẩu hiệu của chúng tôi lúc này “Trồng mới cao su mà không xen canh thì không nên trồng”’ và “Ở Lộc Ninh mà không trồng tiêu thì không nên ở”. Vì chỉ có trồng thêm tiêu, mỗi nhà 5 – 70 nọc tiêu mới góp phần cải thiện được đời sống. “So với bây giờ, điều kiện làm việc và mọi mặt cuộc sống tốt hơn nhiều. Khai thác thì toàn cây đúng thời kỳ, sức lao động bỏ ra nhẹ nhàng hơn. Máy móc, khoa học kỹ thuật được áp dụng triệt để, trồng mới bằng stump bầu trưởng thành, tỷ lệ sống cao, lao động không còn thiếu, tài chính, lương công nhân kịp thời, đường sá trong lô thuận lợi, thông tin liên lạc dễ dàng, phương tiện phục vụ đầy đủ, đời sống công nhân ổn định hơn”, anh Đê nhận xét.

Tác phẩm “Cao su mùa rụng lá” của nghệ sỹ Đặng Đê.
Tác phẩm “Cao su mùa rụng lá” của nghệ sỹ Đặng Đê.
Chụp ảnh cao su phải có cảm xúc thật

Chính vì có quá trình gắn bó với ngành cao su nên anh dễ đồng cảm với cuộc sống đời thường của người lao động. Anh nói: “Mình giống như người trong cuộc vậy. Với mình, muốn chụp ảnh về cao su thì phải có cảm xúc  thật sự và điều quan trọng hơn là cần phải đúng kỹ thuật của ngành qui định trong các thao tác công việc. Có thể nói, đây là một lợi thế giúp bản thân sau này quay lại sáng tác về đề tài cao su, mình có thể chia sẻ với anh em đồng nghiệp trong câu lạc bộ”.

Có lẽ, nhờ đã sống và mang “hơi thở cao su”, mà anh đạt khá nhiều giải thưởng nhiếp ảnh về đề tài ngành cao su. Ảnh của anh luôn được ban tổ  chức các giải thưởng đánh giá rất cao cả về tính nghệ thuật lẫn tính chân thực, đúng quy định của ngành cao su. Gần đây nhất anh đã đạt giải Ba với tác phẩm “Xử lý sản phẩm gỗ cao su” của Cuộc thi “Ánh sáng từ dòng vàng trắng” lần thứ V năm 2019 do Tạp chí Cao su Việt Nam tổ chức.

Anh cho biết thêm, mình rất hạnh phúc khi được trở lại các vùng cao su để tác nghiệp nhiếp ảnh, rất vui khi Tạp chí Cao su Việt Nam đã tổ chức liên tiếp 5 Cuộc thi “Ánh sáng từ  dòng vàng trắng” thành công. “Đây là cuộc thi thật sự có ý nghĩa đối với anh em cầm máy ảnh. Mỗi lần nhận thông báo cuộc thi mình là người đã luôn động viên anh em đi sáng tác để hưởng ứng”, anh cho biết.

VŨ PHONG