Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn 65 năm yêu “chất” công nhân cao su

CSVN – Ca khúc “Cao su Việt Nam” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn được công bố là bài hát truyền thống của ngành cao su Việt Nam, trong dịp kỷ niệm 90 năm truyền thống ngành. Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí Cao su VN về cảm xúc, tình yêu ông dành cho công nhân cao su từ khi ông còn là cậu bé 12 tuổi cho đến bây giờ.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, tác giả bài hát truyền thống ngành cao su VN.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, tác giả bài hát truyền thống ngành cao su VN.

– Thưa nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, ông có thể chia sẻ về hoàn cảnh, xúc cảm khi sáng tác ca  khúc Cao su Việt Nam? Điều tâm đắc nhất của  ông trong ca khúc này là gì?

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: Vào năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, lúc bấy giờ tôi 12 tuổi, cả hai phía Pháp và Việt Minh có khoảng 100 ngày để Pháp rút về nước, Việt Minh tập kết ra miền Bắc. Nhà tôi lúc bấy giờ ở tại Phnôm Pênh, Campuchia được tiếp đón rất nhiều cán bộ Việt Minh hoạt động trên đất nước chùa Tháp. Trong đó, có rất nhiều người nguyên gốc là phu cao su, được Pháp tuyển mộ làm cao su ở Campuchia. Các bác, các chú đến nhà tôi nhiều lần, thăm và chuẩn bị hành trang tập kết ra Bắc. Lúc bấy giờ tôi 12 tuổi thôi, nhưng đã có cảm tình với “chất” của người công nhân cao su (CNCS). Đó là tính kiên định, kỷ cương, yêu nước và rất tình cảm.  Đó là một kỉ niệm đẹp mà tới bây giờ tôi vẫn nhớ như in.

Gia đình tôi nghèo, rất khó khăn ở thủ đô Phnôm Pênh, nên phải về vùng quê công ty cao su Ret Ket ở tỉnh Kampong Chàm sống và làm việc. Tôi vẫn sống ở Phnôm Pênh, nhưng thường xuyên đi về gia đình. Chính vì vậy, tôi được gặp gỡ rất nhiều CNCS là các bác lớn tuổi. Rồi sau đó tôi đi tham gia kháng chiến, đóng quân ở rất nhiều nơi. Tôi có nhiều dịp tiếp cận với các cô chú, anh chị CNCS và hiểu thêm “chất” đặc biệt của họ.

Tôi có nhiều cái duyên với cây cao su. Sau giải phóng, tôi có dịp đi cùng Công đoàn Cao su VN về tỉnh Gia Lai, dự ra mắt Công ty Cao su Mang Yang. Vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, tôi có dịp đến Cao su Đồng Nai để giao lưu và chấm hội diễn tiếng hát CNCS của VRG, cùng với các nhạc sĩ Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Trần Quang Huy, Phan Huỳnh Điểu, Diệp Minh Tuyền. Tôi  có thăm vườn cây, gặp gỡ trò chuyện với nhiều CNCS… Đây cũng là chất liệu, cảm xúc để tôi viết ca khúc “Cao su Việt Nam”.

Năm 2013, tôi được VRG mời tham gia thẩm định cuộc vận động sáng tác về ngành cao su VN. Đây là dịp rất tốt đối với tôi, gợi lại trong ký ức những lần tiếp xúc với CNCS nhiều năm về trước. Là thành viên ban giám khảo nên tôi không tham gia dự thi được, cho nên tôi đã viết bài hát “Cao su Việt Nam” để hưởng ứng cuộc thi. Bạn bè nhạc sĩ nhận xét, ca khúc “Cao su Việt Nam” đạt những yêu cầu bài hát truyền thống của ngành cao su Việt Nam đặt ra. Đó là cô đọng, súc tích, lột tả được truyền thống hào hùng của ngành cao su Việt Nam, dễ hát, dễ thuộc và mang tính phổ cập rộng rãi.

Năm 2019, qua cuộc vận động, tìm hiểu, phát động, cũng như bình chọn ca khúc truyền thống mang tính dân chủ của VRG, ca khúc “Cao su Việt Nam” của tôi được chọn làm bài hát truyền thống. Tôi rất vui, hạnh phúc và nghĩ rằng ở cái tuổi 77 mình làm thêm việc tốt, ý nghĩa. Ngày 26/10, tại Lễ kỷ niệm 90 năm truyền thống ngành cao su VN, tôi được trao thưởng bài hát truyền thống, lúc đó tôi rất xúc động và hình ảnh các cô chú CNCS năm nào lại ùa về. Bởi lẽ, khi tôi sáng tác ca khúc, cảm xúc được bắt nhịp bằng “chất” của người công nhân. Trong suốt 65 năm qua, tôi luôn mến mộ, yêu quý “chất” của người CNCS.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nhận giải bài hát truyền thống tại Lễ kỷ niệm 90 năm truyền thống ngành cao su VN, vào ngày 26/10, tại Phú Riềng. Ảnh: Vũ Phong
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nhận giải bài hát truyền thống tại Lễ kỷ niệm 90 năm truyền thống ngành cao su VN, vào ngày 26/10, tại Phú Riềng. Ảnh: Vũ Phong

– Nhạc sĩ cảm nhận như thế nào về truyền  thống hào hùng 90 năm ngành cao su Việt Nam? Nhạc sĩ sẽ tiếp tục sáng tác ca khúc về ngành cao su trong tương lai, qua các chuyến đi thực tế do ngành cao su tổ chức?

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: Trong thời gian vừa qua, tôi tham gia làm giám khảo rất nhiều   hội thi, hội diễn của VRG và các công ty. Tôi đi nhiều công ty cao su trải dài từ Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, miền núi phía Bắc. Tôi thấy phương châm của VRG “sáng thể dục, chiều thể thao, tối cất cao tiếng hát” là một phương châm rất phù hợp, chiến lược để xây dựng người CNCS không phải chỉ biết lao động sản xuất mà còn biết giữ gìn truyền thống, biết hát ca và các hoạt động TDTT giữ gìn sức khỏe để xây dựng con người mới cho ngành cao su VN. Mỗi lần hội diễn, tôi thấy anh em tham gia rất nhiệt tình, tài năng, hồn nhiên, chân chất… Cùng với sự đầu tư của các công ty, cùng với màu sắc, ngôn ngữ âm nhạc, ngôn ngữ trong tiếng hát, hòa tấu, múa… thể hiện rõ nét tình yêu ngành, yêu nghề, tự hào truyền thống vẻ vang.

Đối với tôi, cao su là một ngành đặc biệt. Truyền thống vẻ vang của ngành cao su VN qua 90 năm được viết nên bởi sự  hy  sinh của bao  thế hệ. Hôm nay, ngành cao su đóng góp quan trọng cho đất nước trên nhiều phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, ngoại giao, bảo vệ môi trường sinh thái… Tình yêu với cây cao su tôi ấp ủ nhiều năm và trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục sáng tác ca khúc về ngành cao su, CNCS trong thời đại mới. Lúc nào trong tôi cũng trăn trở làm sao có được bút pháp mới, nói được tâm tư tình cảm của người CN hôm nay, nhưng cũng phải giữ được những gì là cốt cách, là nền tảng truyền thống của CNCS anh hùng.

Vừa rồi tôi được Cao su Việt Lào mời sang tham quan. Tôi đến các nông trường, nhà máy của Cao su Việt Lào và các công ty cao su của VRG đầu tư tại Lào. Tôi đang viết bài hát ngợi ca mối quan hệ tốt đẹp Việt Lào thông qua cây cao su.  Và sắp tới, tôi lại xách ba lô rong ruổi khắp các vườn cao su bạt ngàn trên các vùng miền, để nghe người CN cất cao tiếng hát.

– Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!

NGỌC CẨM (thực hiện)