CSVN XUÂN – Phú Quốc là một trong những nơi được trồng cao su kinh doanh sớm nhất ở Việt Nam. Thiết nghĩ, cần ghi nhận việc cây cao su đã từng đứng chân trên đảo Phú Quốc vào lịch sử phát triển cây cao su tại Việt Nam.
Trong một lần đến Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), chúng tôi tình cờ được biết và đã có dịp đến thăm một vườn cây cao su tọa lạc ngay tại trung tâm thị trấn Dương Đông. Chúng tôi không được gặp những người biết rõ về nguồn gốc vườn cây, chỉ nghe qua lời kể của anh hướng dẫn viên. Theo anh ấy, vườn cây được một thương nhân người Hoa tại địa phương trồng vào những năm 1940 khoảng vài chục hecta, cũng có khai thác một thời gian nhưng không biết ngưng từ lúc nào.
Hiện tại, vườn chỉ còn lại vài chục cây nằm nép mình phía sau dãy nhà hàng trên đường Trần Hưng Đạo, Khu phố 7, Thị trấn Dương Đông. Cây cao su ở đây thân to khoảng trên dưới 1 người ôm, trên thân vẫn còn dấu vết đường cạo, tuy nhiên đã ngưng cạo từ lâu.
Để tìm hiểu thêm về cây cao su ở Phú Quốc, chúng tôi đã tìm đọc một số tài liệu tiếng Việt về lịch sử phát triển cao su tại Việt Nam, trong đó có cả quyển “100 năm cây cao su ở Việt Nam” của ông Đặng Văn Vinh, nhưng rất tiếc không có thông tin liên quan. May mắn sau đó nhờ sự hỗ trợ của một số đồng nghiệp, chúng tôi đã tìm ra được trang web http://www.entreprises- coloniales.fr/inde-et-indochine.html#heveas, trong đó có khá nhiều tài liệu xưa về các đồn điền cao su của Pháp tại Đông Dương.
Theo các tài liệu này, Công ty Société Anonyme d’Exploitation de Phu- Quôc được thành lập vào năm 1908 có khoảng 400 ha đất ở phía Nam đảo Phú Quốc với lĩnh vực kinh doanh là trồng các cây nhiệt đới như cao su, dừa, bông gòn… Vào cuối năm 1909, công ty đã tuyển và đưa về Phú Quốc gần 300 người Java (Indonesia) để phục vụ cho việc trồng cao su. Đến năm 1914, đã có 94.000 cây cao su (373 ha) đã được trồng.
Năm 1913, bắt đầu khai thác thử nghiệm 700 cây và năm 1914 được 5.000 cây. Năm 1923, diện tích đồn điền tăng lên 2.600 ha tuy nhiên cao su chỉ còn 150 ha, sản xuất được 40 tấn cao su. Năm 1926, diện tích tăng lên 202 ha, sản xuất được 47 tấn cao su. Năm 1928, đạt được 300 ha, sản xuất được 62 tấn cao su. Năm 1929 đạt sản lượng cao nhất 77 tấn, sang năm 1930 giảm xuống chỉ còn 60 tấn. Đến năm 1932, đồn điền này gặp khó khăn đã ngưng hoạt động.
Chúng tôi chưa tìm được tài liệu nào đề cập đến giai đoạn kế tiếp của đồn điền và của cây cao su tại Phú Quốc. Nhưng cây cao su vẫn được trồng và khai thác trên đảo, điển hình là vườn cây chúng tôi đã gặp tại thị trấn Dương Đông. Như vậy, có thể nói, Phú Quốc cũng là một trong những nơi được trồng cao su kinh doanh sớm nhất ở Việt Nam. Thiết nghĩ cũng cần ghi nhận việc cây cao su đã từng đứng chân trên đảo Phú Quốc vào lịch sử phát triển cây cao su tại Việt Nam.
TS. NGUYỄN ANH NGHĨA
(Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su VN)
Related posts:
- Cao su Đồng Nai - Kratie tô thắm tình hữu nghị Việt Nam và Campuchia
- VRG tặng cờ thi đua cho 3 tập thể Cao su Lộc Ninh
- Công ty 75: Trao tặng 6 ngôi nhà cho công nhân khó khăn
- Nông trường K’dang giành Giải nhất Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ Cao su Mang Yang
- Công tác phát hành tạp chí cao su: còn nhiều trăn trở (tt)
- Cao su Chư Păh: Khởi công xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng
- Hướng đến thương hiệu bền vững: Cần sự nỗ lực của các đơn vị
- Cao su Bình Long phấn đấu khai thác vượt 1.680 tấn mủ
- Đảng bộ Cao su Tân Biên: Đoàn kết, chủ động đề ra các giải pháp khắc phục khó khăn
- Tìm mọi biện pháp hạ giá thành, đảm bảo lợi nhuận