Cao su tại Campuchia: Chứng minh hiệu quả kinh tế bước đầu

CSVN XUÂN – Nhìn lại năm 2019, mặc dù bị ảnh hưởng bởi những khó khăn chung của ngành và những khó khăn riêng về lao động, vốn đầu tư nhưng các đơn vị tại khu vực Campuchia (CPC) đã nỗ lực lớn để hoàn thành nhiệm vụ. Một số đơn vị đạt kết quả rất tốt. Ông   Trương   Minh Trung – Phó TGĐ VRG, Thường trực Ban chỉ đạo Phát triển cao su tại CPC đã có những đánh giá, nhìn nhận thành quả của các đơn vị tại khu vực này trong năm qua.
Phó TGĐ VRG Trương Minh Trung (giữa) cùng ông Vũ Quang Minh – Đại sứ Việt Nam tại CPC thăm vườn cây Công ty CPCS Chư Sê – Kampong Thom. Ảnh: Ngọc Cẩm
Phó TGĐ VRG Trương Minh Trung (giữa) cùng ông Vũ Quang Minh – Đại sứ Việt Nam tại CPC thăm vườn cây Công ty CPCS Chư Sê – Kampong Thom. Ảnh: Ngọc Cẩm

– Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong năm 2019 của các đơn vị tại khu vực Campuchia?

Ông Trương Minh Trung: Pháp lý đầu tư ở nước ngoài là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp đang đầu tư tại Campuchia. Sau giai đoạn đầu triển khai quyết liệt để có được 90.000ha cao su trong thời gian ngắn, các đơn vị vừa triển khai dự án vừa hoàn thiện từng bước hồ sơ pháp lý đầu tư tại Campuchia. Đến năm 2019 xem như cơ bản toàn bộ các đơn vị đã hoàn thành hồ sơ, thủ tục pháp lý đầu tư tại Campuchia đúng quy định pháp luật nước sở tại theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn.

Năm 2019 bước đầu đã chứng minh hiệu quả kinh tế của các dự án cao su tại CPC. Một số đơn  vị đã có lãi như Bà Rịa – Kampong Thom, Krông Buk Ratanakiri, trong đó Công ty CPCS Bà Rịa – Kampong Thom sẽ chia cổ tức trong năm nay. Các đơn vị còn lại mặc dù đang trong giai đoạn mới đưa vào khai thác nhưng cho thấy tiềm năng lớn về năng suất, sản lượng. Cụ thể dự kiến các đơn vị khu vực này năm 2019 sẽ khai thác được 53.847 tấn, vượt 3,6% so kế hoạch được giao, trong đó 13/15 đơn   vị hoàn thành trước thời hạn, nhiều đơn vị vượt sản lượng với mức cao như Bà Rịa – Kampong Thom (26%), Mekong (25%).

Công tác giữ gìn an ninh, chống mất cắp mủ, thu mua mủ trái phép có bước tiến bộ rõ rệt, đặc biệt tại khu vực dự án Tân Biên – Kampong Thom. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban chỉ đạo phát triển bền vững Tập đoàn tại CPC – chính quyền địa phương – các đơn vị trên địa bàn cùng với sự hỗ trợ tích cực của đại sứ quán Việt Nam tại CPC đã góp phần quan trọng tạo ra sự chuyển biến tích cực trên địa bàn.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Ban chỉ đạo phát triển cao su của Tập đoàn tại Campuchia biểu dương những kết quả đạt được và nỗ lực của CBCNV lao động các đơn vị trong năm vừa qua dù làm việc trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thường xuyên xa gia đình nhưng đã đoàn kết nỗ lực hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất được giao, xây dựng mối quan hệ gắn bó với các cấp chính quyền và người dân vùng dự án, được Chính phủ và người dân Campuchia đánh giá cao.

– Năm 2020, diện tích của các đơn vị khu vực này đưa vào khai thác tăng lên, VRG đã có những định hướng gì để phát huy tối đa tiềm lực của các đơn vị? Ông Trương Minh Trung: Dự kiến diện tích cao su khai thác các đơn vị tại CPC năm 2020 khoảng 61.650 ha với sản lượng được giao khoảng 83.330 tấn (năng suất bình quân 1,34 tấn/ha). Với quy mô diện tích khai thác như vậy, các đơn vị khu vực này cần thêm khoảng 2.000 lao động. Vấn đề này đặt ra thách thức rất lớn bởi CPC khan hiếm lao động và có sự cạnh tranh lao động đối với những ngành nghề khác. Bên cạnh đó sản lượng tăng nhanh cũng tạo ra áp lực về công tác chế biến và tiêu thụ sản phẩm cao su sơ chế.

Dự báo trước tình hình đó, Ban chỉ đạo phát triển bền vững tại Campuchia cũng như các đơn vị đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định tình hình sản xuất, tập trung vào các vấn đề cụ thể như sau:

Thứ nhất, về lao động: Chủ động tuyển dụng  chuẩn bị cho mùa khai thác 2020 bằng hình thức như thông báo tuyển dụng rộng rãi thông qua chính quyền địa phương, khu dân cư, nhà cộng đồng. Chủ động cử người đến các địa phương khác tuyển dụng hoặc thông qua lao động đang làm việc tại các dự án để tuyên truyền cho bà con họ hàng, bạn bè biết nhu cầu lao động của công ty, tuyển dụng lao động người gốc Việt đang sinh sống tại khu vực biển Hồ về làm việc cho công ty. Các đơn vị chủ động xây dựng nhà ở cho công nhân, thực hiện nghiêm túc các chế độ theo quy định nước sở tại để giữ chân NLĐ.

Thứ hai, về công tác chế biến tiêu thụ: Tập đoàn đã chủ động rà soát quy hoạch xây dựng các nhà máy chế biến theo từng khu vực. Trong đó có khu vực CPC đảm bảo đủ năng lực chế biến ngay cả trong giai đoạn cho sản lượng cao nhất.

Song song với công tác chế biến, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng hệ thống ngành dọc về tiêu thụ sản phẩm, tập trung sản xuất cao su chủng loại TSR 10,20 là chủng loại có nhu cầu tiêu thụ cao và phù hợp với đặc điểm sản xuất của các đơn vị tại CPC.

Thứ ba, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát và quản lý chặt suất đầu tư, tập trung tìm giải pháp giảm giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho NLĐ. Thứ tư, tăng cường giữ mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương để hỗ trợ các đơn vị trong việc giữ gìn trật tự, bảo vệ tài sản, vườn cây, chống mất cắp mủ.

– Xin cảm ơn ông!

HÀ KHUÊ (thực hiện)