“Nghệ sỹ khôngchuyên” ngành cao su

CSVN XUÂN – Gọi là “nghệ sĩ không chuyên” bởi công việc hàng ngày của họ gắn liền với vườn cây và nhà máy – Những sáng tác nhiều khi rất ngẫu hứng từ cảm xúc về cuộc sống đời thường. 2019 là  một năm “bội thu” với nhiều tác phẩm hay của những nhà văn, nhà thơ không chuyên trong ngành gửi về Tạp chí Cao su VN. Họ là những CB CNV nhưng có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế trước vạn vật, cuộc sống mong muốn trải lòng chia sẻ qua những vần thơ đầy cảm xúc.
Khi cao su vào mùa thay lá dễ làm trái tim “loạn nhịp”. Ảnh: Hồ Sỹ Long
Khi cao su vào mùa thay lá dễ làm trái tim “loạn nhịp”. Ảnh: Hồ Sỹ Long
Chính là tình yêu

Năm cũ đi qua, một năm để lại nhiều cung bậc cảm xúc trong sáng tác thơ, văn của NLĐ trong ngành. Công nhân (CN) ngành cao su, những người thợ khơi dòng nhựa trắng – những nghệ sĩ không chuyên phản ánh chân thật những khoảnh khắc dung dị cuộc sống thường nhật của NLĐ.

Không trau chuốt ngôn từ, mặc cho cảm xúc bung xõa thành câu văn, lời thơ dung dị, chất chứa nỗi niềm. Với Lê Văn Đại (CN Nông trường Mường Bú – Cao su Sơn La), cảm xúc chợt đến khi nhìn giọt mồ hôi rơi trên khuôn mặt ửng hồng của nữ CN khai thác trong mùa cạo mới, có lúc là niềm vui vỡ òa lần đầu thấy dòng nhựa trắng được khơi nguồn trong tiết trời lạnh giá… Và cứ thế, như một sức mạnh nội sinh, buộc phải viết và viết cái gì đó “rất thật” chứ không nghĩ đến những điều cao siêu, to tát, lên gân…

Nét đẹp trong lao động sản xuất là chất xúc tác để công nhân sáng tác. Ảnh: Vũ Huy Sơn
Nét đẹp trong lao động sản xuất là chất xúc tác để công nhân sáng tác. Ảnh: Vũ Huy Sơn

Với NLĐ, cao su đã cho họ quá nhiều, ít nhất cũng là một cuộc sống ổn định không “thiếu trước hụt sau”. Cũng như những ngành nghề khác, giá trị mà cây cao su mang lại không chỉ dừng lại ở giá trị kinh tế mà nó còn mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Anh Đỗ Văn Thọ (Nhân viên bảo vệ, Nông trường Long Tân – Cao su Dầu Tiếng) trải lòng: “Khi cầm bút chúng tôi muốn gửi gắm qua những áng thơ, những dòng văn vẻ đẹp của cây cao su, nét đẹp của NLĐ và tình yêu nghề, yêu cây mãnh liệt. Tình yêu đôi khi đơn giản là yêu màu xanh của lá, yêu dòng nhựa trắng của cây và trân trọng bề dày truyền thống 90 năm của ngành. Dẫu biết rằng, ngành cao su vẫn còn đó nhiều khó khăn nhưng NLĐ vẫn giữ vững niềm tin, gắn bó chung lưng, đồng lòng cùng ngành vượt qua khó khăn”.

Với anh, khi bài viết, bài thơ được đăng trên Tạp chí Cao su Việt Nam,  là niềm hạnh phúc lớn lao của bản thân và đó cũng là niềm vui chung của NLĐ. Vì đó là món ăn tinh thần, động lực để CNLĐ có thêm niềm tin với nghề, tuy vất vả nhưng giàu truyền thống và nhiều niềm vui.

Hình ảnh đầy sức sống của vườn ươm hay xuất hiện trong thơ của NLĐ trong ngành. Ảnh: Trần Văn Sơn
Hình ảnh đầy sức sống của vườn ươm hay xuất hiện trong thơ của NLĐ trong ngành. Ảnh: Trần Văn Sơn
Công nhân “vật lộn” với câu chữ

Với nữ CN trực tiếp trên vườn cây, có lẽ sự nhạy cảm lại bắt đầu bằng tiếng khẽ khàng của chiếc lá rời cành, một hạt sương long lanh buổi bình minh, hay có thể là cơn mưa bất chợt… Một chút lãng đãng trước thời khắc giao mùa, bâng khuâng nhưng không kém tinh tế trước vạn vật, chị Đỗ Thị Nguyên (CN khai thác, Nông trường K’Dang – Cao su Mang Yang) thừa nhận: “Mình đến với thơ, văn cùng lúc đến với nghề cạo mủ. Màu xanh của lá, màu trắng của nhựa cây, những lô cao su ngút ngàn… cho ta cảm giác thật dễ chịu. Rồi lại chút bâng khuâng, xao xuyến mỗi khi cao su vào mùa thay lá dễ làm trái tim “loạn nhịp”, làm cho cảm xúc bật lên thành lời. Hạnh phúc lớn lao nhất của người CN cầm bút có lẽ là khi nhận được tờ Tạp chí CSVN gởi tặng, trong đó có đăng “đứa con tinh thần” mà mình nâng niu,  gởi gắm… Tất cả với mình là niềm vui lớn lao, là phương thuốc nhiệm màu giúp NLĐ vững tin vào nghề, nhất là trong giai đoạn khó khăn, khi giá mủ vẫn ở mức thấp”.

Cái khó của người cầm bút không chuyên là có ý tưởng, có cảm xúc nhưng để bộc bạch thành ngôn từ mang tính nghệ thuật là cả quá trình trải nghiệm, chắt chiu, thậm chí “vật lộn” với câu chữ. Nhưng trong đó không thể không công nhận tài năng thiên bẩm. Trước một hiện tượng, sự vật nhưng không phải ai cũng có thể “tâm hồn tôi run rẩy tựa dây đàn”. Phải có năng khiếu thật sự, phải có đam mê và mong muốn sự đồng cảm và sẻ chia. “Là công nhân khai thác, cảm xúc bất chợt đến, ý tưởng bay bổng và thôi thúc phải viết lên bằng lời. Đôi lúc ngôn từ thô ráp, mộc mạc như vốn dĩ nghề thợ cạo mủ. Công việc những ngày cuối năm như chạy đua với thời gian, thi đua nước rút để hoàn thành kế hoạch và đó cũng là thời điểm cảm xúc chất chứa muốn được giãi bày. Thực ra, giá mủ cao hay thấp, điều ấy không ảnh hưởng đến cảm xúc của người cầm bút – công nhân. Hạnh phúc lớn lao nhất là đứa con tinh thần được bạn đọc đón nhận, đồng cảm và sẻ chia…”, Trịnh Anh Tuấn (CN khai thác Nông trường Bến Súc, Cao su Dầu Tiếng), bộc bạch.

Giọt mủ rơi tạo cảm xúc lắng đọng trong thơ. Ảnh: Trần Hữu Cường
Giọt mủ rơi tạo cảm xúc lắng đọng trong thơ. Ảnh: Trần Hữu Cường
Những vần thơ đầy cảm xúc

Người có duyên với các giải thưởng của ngành bằng những bài thơ chứa đầy cảm xúc, đó là anh Trần Khắc Mịch – Phó GĐ kiêm Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp Xây lắp, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh.

Anh Trần Khắc Mịch sinh năm 1960, quê ở Hải Phòng, vào ngành cao su đã được 39 năm. Đến nay “gia tài đồ sộ” của anh lên đến 112 bài thơ được sáng tác trong quá trình làm việc, được in thành tập thơ dành tặng cho bạn bè, đồng nghiệp.

Là người thích sáng tác, yêu thơ, những bài thơ của anh luôn đầy ắp những cảm xúc da diết về tình yêu ngành, yêu nghề. “Những người mở đất”, là một trong những bài thơ được yêu thích của anh, viết về những năm 1980, lúc lớp cán bộ thuộc thế hệ đầu tiên của Cao su Lộc Ninh đi tiên phong mở đất, xây dựng nên những cánh rừng cao su bạt ngàn xanh tốt:

“…Đây miền Đông núi rừng yêu biết mấy

Đất đỏ bạt ngàn hứa hẹn mùa Xuân   

Chúng tôi đến đây bất chấp gian truân 

Với sứ mạng vinh quang là mở đất…”

Năng khiếu thơ văn và hội họa của anh được bộc lộ rất sớm, khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Anh kể, lúc nhỏ thời học sinh thường viết cộng tác trên Tạp chí Văn nghệ Sông Bé. Bài “Gửi em người thợ cạo” của anh được tác giả Đỗ Ngọc Trung (Hà Nội) phổ nhạc và gửi dự thi bài hát trữ tình truyền thống 90 năm ngành cao su, đạt giải khuyến khích:

“…Gặp em cười dưới tán lá lưa thưa

Giọt mồ hôi nhẹ đùa vương trên má

Cầm tay em sao mà thương thương quá

Bàn tay chai gắn bó với mũi dao…”

Viết để trải lòng, để sẻ chia

Được biết đến là một người có tài sáng tác thơ trong ngành cao su còn có anh Lương Quang Hiến – Trưởng phòng Thi đua Văn thể Cao su Chư Prông. Anh Hiến cho biết, những cảm xúc khi đến thăm các nông trường, xí nghiệp, thấu hiểu những nỗi khó khăn vất vả của NLĐ, đã khiến anh cảm xúc thành thơ.

Bài thơ “Mùa chiến dịch” của anh viết về Nông trường An Biên, đây là nông trường xa nhất của công ty:

“Về An Biên nghe gió núi lao xao

Rừng biên giới mùa này Đông đang đến

Cô công nhân với nụ cười dễ mến

Bước chân hối hả trên lô…”.

Những vần thơ của anh xuất phát từ xúc cảm thật, con người thật và đã chạm được vào trái tim người đọc.

Ngoài ra, dễ bắt gặp ở các công ty, đơn vị có những “nhà thơ” không chuyên của ngành cao su. Người được giải nhất thể loại thơ, trong Cuộc thi tự hào 90 năm truyền thống ngành do Tạp chí Cao su VN tổ chức, là anh Đặng Văn Lệ – Chủ tịch Công đoàn Công ty CPCS Đồng Phú. Chia sẻ về bài thơ đã được giải nhất, anh Lệ cho biết tác phẩm đã được ấp ủ và hoàn thành khoảng hơn 2 tháng trời. Đây là bài thơ anh ưng ý nhất trong hơn 34 năm công tác gắn bó với ngành cao su. “Năm 2019, Công ty Cao su Đồng Phú được giao tôn tạo Khu di tích Phú Riềng Đỏ, nằm trong thành phần ban chỉ đạo nên tôi thường xuyên đến khu di tích, từ đó những vẫn thơ “Cao su 90 năm ngày truyền thống” đã ra đời”, anh Lệ chia sẻ:

“…Trở về đây cùng với bao kỷ niệm

90 năm ngày truyền thống của ngành

Tri ân tấm lòng, các Chị các Anh…

Đã ươm trồng cao su thành dòng nhựa trắng…”

Anh Lệ bắt đầu sáng tác thơ từ năm 1985 qua những tờ báo tường của đơn vị. Ngoài ra, anh còn có những vần thơ da diết nói về nỗi nhớ quê hương của người con xa quê mỗi độ Tết đến Xuân về:

“Mỗi khi Xuân đến,  Tết  về

Lòng tôi rạo rực nhớ về quê hương

Tháng qua, ngày lại vấn vương.

Nghĩa tình sâu nặng, yêu thương dạt dào…”.

Nhìn vào công việc của ngành cao su, chắc có lẽ ai cũng cảm thấy sự khô khan chỉ toàn những tấn mủ, khai thác, sản lượng,… Ấy vậy mà trong chính công việc tưởng như rất khô khan ấy, lại có hàng trăm, hàng ngàn bài thơ chứa chan cảm xúc dạt dào, được sáng tác bởi chính những người tưởng chừng “khô khan” ấy.

Họ viết để trải lòng, để thỏa mãn sự đam mê làm thơ, cũng là hy vọng thông qua những vần thơ ấy, mọi người có thể hiểu hơn, đồng cảm và sẻ chia nhiều hơn với những vất vả khó khăn của những người làm ngành cao su, của những người công nhân cao su.

Cái hay ở đây không chỉ bởi lời thơ, giọng thơ đầy cảm xúc mà ở chính tình yêu của những NLĐ của ngành – các “nhà thơ” không chuyên. Họ có thể là cán bộ, công nhân, là nhân viên văn phòng… trong quá trình lao động và cống hiến đã có nguồn cảm hứng sáng tác. Những vần thơ dạt dào cảm xúc yêu thương được viết lên từ chính trái tim nhạy cảm, mà chỉ có người trong nghề mới thấu hiểu và đồng cảm.

NGUYỄN LÝ – MINH TÂM