Vượt khó!

CSVN – Năm 2019 tiếp tục là một năm nhiều khó khăn đối với các đơn vị thuộc VRG trong lĩnh vực khai thác cao su như thời tiết bất thuận, giá bán mủ thấp, biến động lao động…Tuy nhiên với truyền thống vượt khó đã được hun đúc qua nhiều thế hệ, năm qua, các đơn vị đã đảm bảo được các chỉ tiêu SXKD, chăm lo tốt đời sống NLĐ.
Nỗ lực trên từng đường cạo… Ảnh: Tùng Châu
Nỗ lực trên từng đường cạo… Ảnh: Tùng Châu
Đông Nam bộ: Linh hoạt vượt khó

Năm 2019, Công ty CPCS Đồng Phú tích cực phát động phong trào thi đua sâu rộng trong NLĐ nhằm thi đua vượt mức về năng suất, sản lượng, ổn định thu nhập, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ SXKD. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo công ty cũng thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt để vượt khó. Kết quả, năm 2019, công ty khai thác được 12.967 tấn (vượt 9% KH); năng suất khai thác bình quân năm đạt 2,1 tấn/ ha; là năm thứ 13 liên tiếp công ty nằm trong Câu lạc bộ 2 tấn của Tập đoàn. Doanh thu 786 tỷ đồng (vượt 7,8%); lợi nhuận trước thuế 234 tỷ đồng (vượt 1,8%); lợi nhuận sau thuế 192 tỷ đồng (vượt 2,1%); nộp ngân sách Nhà nước 83 tỷ đồng (vượt 10,8%).

Nhiều năm qua, ban lãnh đạo Cao su Đồng Phú đã và đang thực hiện triệt để chủ trương không đầu tư các hạng mục không cần thiết, hoạt động theo phương châm tiết kiệm, cắt giảm tối đa các chi phí. Chia sẻ với chúng tôi, ông Hồ Cường – TGĐ Công ty CPCS Đồng Phú, cho biết: “Trong những năm qua, phương châm của công ty cắt giảm tối đa các chi phí không cần thiết để hạ giá thành. Chúng tôi triệt để tiết giảm chi phí quản lý, hành chính, hội họp, bố trí sắp xếp lao động hợp lý, kiêm nhiệm để tăng năng suất lao động… Song song đó, chúng tôi nỗ lực nâng cao năng suất vườn cây, năng suất lao động, nâng thu nhập cho NLĐ”.

Bằng sự nhanh nhạy của ban lãnh đạo, công ty đã điều chỉnh thích hợp cơ cấu sản phẩm, nhằm bắt kịp, đáp ứng sự thay đổi của thị trường tiêu thụ. Bên cạnh sản phẩm chủ lực là SVR 3L và mủ ly tâm, công ty đã gia tăng sản xuất SVR CV60 để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Với Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, nhờ có sự chủ động, linh hoạt của HĐQT, Ban TGĐ với những chủ trương và giải pháp quản lý khoa học, cùng với sự quyết tâm nỗ lực của toàn thể NLĐ    đã hăng say thi đua lao động sản xuất, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong quá trình tổ chức khai thác và thu hoạch mủ công ty luôn chấp hành nghiêm quy trình kỹ thuật, tuyệt đối không cạo đèn, không cạo gia tăng cường độ, để giữ được sự ổn định và bền vững lâu dài của vườn cây, nhờ đó mà chất lượng mủ nguyên liệu luôn ổn định ở mức cao, hàm lượng DRC bình quân đạt trên 33%, mủ nước loại 1 đạt trên 99%.

Năng suất vườn cây Cao su Phú Riềng đạt 2,26 tấn/ha. Đây là năm thứ 13 liên tiếp công ty nằm trong CLB 2 tấn của VRG. Toàn công ty có 11/13 NT đạt năng suất trên 2 tấn/ha, trong đó có 8/13 NT năng suất trên 2,3 tấn/ha.

Năm 2019, công ty khai thác 25.200 tấn mủ (đạt 105% kế hoạch), vượt trên 2.400 tấn; thu mua trên 8.500 tấn (đạt 100% KH). Tổng sản lượng tiêu thụ cả năm trên 34.000 tấn; giá bán bình quân cả năm dự kiến trên 32,7 triệu đồng/tấn; giá thành dưới 29,5 triệu đồng/tấn.

Tổng doanh thu ước đạt trên 1.435 tỷ đồng (vượt 13% KH), trong đó doanh thu từ kinh doanh mủ cao su là 1.115 tỷ đồng (vượt 6% KH). Lợi nhuận trước thuế là 380 tỷ đồng (vượt 48% KH), trong đó lợi nhuận từ kinh doanh cao su tự khai thác là 79 tỷ đồng (đạt 100% KH, bình quân lợi nhuận trên 3,2 triệu đồng/tấn). Nộp ngân sách trên 114 tỷ đồng (vượt 30% KH). Ổn định đời sống, việc làm và thu nhập cho hơn 6.000 NLĐ, thu nhập bình quân đạt trên 8,4 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, công ty đã chi hơn 10 tỷ đồng tổ chức các hoạt động VHVN – TDTT và từ thiện xã hội.

 … để có thành quả đong đầy. Ảnh: Trần Hữu Cường
… để có thành quả đong đầy. Ảnh: Trần Hữu Cường
Tây Nguyên: Nhiều điểm sáng

Nếu vài năm trước, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum là cái tên được nhắc nhiều nhất trong việc hoàn thành kế hoạch trên 20 ngày đến trên 50 ngày, nhiều năm liền thì năm 2019, Cao su Mang Yang, Ea H’leo, Chư Sê, Chư Mom Ray và Chư Prông lại bứt phá mạnh, trở thành những điểm sáng mới. Các đơn vị này lần lượt về đích trước 35 ngày, 31 ngày, 24 ngày, 22 ngày và 20 ngày. Để có được kết quả này, các đơn vị đã có những giải pháp hữu hiệu áp dụng vào quản lý cũng như trên vườn cây khai thác. Tiêu biểu trong cách làm này là quyết liệt trong phun thuốc phòng phấn trắng và bón phân qua lá của Cao su Mang Yang; Thường xuyên chỉ đạo các bộ phận chuyên môn làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn công nhân (CN) thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc vườn cây, khai thác mủ, tận thu mủ tốt, không bỏ ngày cạo của Cao su Ea H’leo hay chủ động được nguồn lao động từ đầu vụ khai thác của Cao su Chư Mom Ray…

Cùng với đó là sự quan tâm, chăm lo đời sống cho NLĐ tốt hơn với việc tăng tiền ăn ca của CN từ 10 ngàn đồng/suất lên 15 ngàn đồng/suất của Cao su Mang Yang, Chư Sê, Chư Prông. Tiền lương, thưởng được chi trả kịp thời, trang bị bảo hộ lao động chất lượng tốt hơn đã phần nào đáp ứng được sự kỳ vọng và niềm tin của người CN, từ đó họ gắn bó hơn với vườn cây, với đơn vị trong giai đoạn khó khăn. Trong những ngày mưa bão, CN vẫn khoác áo mưa ra lô cạo, nhờ vào trang bị máng chắn mưa tốt và kỹ nên mặt cạo luôn khô ráo.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trương Minh Tiến – TGĐ Cao su Mang Yang cho rằng: “Năm 2019 tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ có sự chủ động về mọi mặt, nhất là công tác phun phòng phấn trắng, trang bị tốt máng, mái chắn mưa, chủ động lực lượng lao động và ngăn chặn được tình trạng mất mủ nên công ty đã sớm thực hiện được kế hoạch đặt ra. Làm được điều này, phải ghi nhận những nỗ lực rất lớn trong việc tăng tiền ăn giữa ca cho CN, duy trì được mức lương ổn định và có xu hướng tăng cao vào những tháng cuối năm nên CN yên tâm ra lô, kể cả những ngày mưa bão họ vẫn mặc áo mưa ra lô cạo mủ, một hình ảnh xưa nay hiếm thấy ở đơn vị”. Còn ông Trần Xuân Thịnh – TGĐ Cao su Chư Mom Ray cho biết: “Thành công của công ty trong việc khai thác hoàn thành sớm kế hoạch là do công ty đã chủ động được nguồn lực lao động trong đầu vụ khai thác. Chúng tôi có nhiều cách làm, nhiều kênh thông tin để tuyển dụng lao động tại một số tỉnh Bắc Trung bộ như thông qua những CN đang công tác ở công ty về quê ăn Tết, công ty cử cán bộ trực tiếp đến tận địa phương tuyển dụng NLĐ. Nhưng quan trọng nhất là chúng tôi cam kết với bà con sẽ đảm bảo được điều kiện sống, nơi ăn chốn ở và mức lương ổn định cho bà con khi vào vùng dự án của công ty làm việc. Một số CN nhận lương cả chục triệu đồng vào những tháng cuối năm đã tạo ra những hiệu ứng tốt trong việc tuyên truyền người thân vào làm CN tại công ty, điều này góp phần quan trọng vào việc công ty sớm khai thác hoàn thành sản lượng”.

ảnh 1

Miền núi phía Bắc: Khó vẫn không nản

Là khu vực khó khăn nhất nhưng các đơn vị khu vực này đã nỗ lực không ngừng, năm 2019 khu vực này đã có nhiều đơn vị về trước kế hoạch sản lượng. Bên cạnh Cao su Điện Biên, Lai Châu 2 thì Cao su Mường Nhé – Điện Biên về trước 25 ngày và Cao su Lai Châu về trước 10 ngày.

Năm 2019 là năm thứ 3 Công ty CPCS Điện Biên chuyển sang giai đoạn kinh doanh. Công ty được Tập đoàn giao kế hoạch khai thác 1.746 ha cao su, sản lượng 1.600 tấn. Trong quá trình tổ chức sản xuất, công ty gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của tập thể NLĐ, công ty đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ năm 2019. Sản lượng khai thác vượt 15,6%, cao nhất các đơn vị miền núi phía Bắc.

Đến hết năm 2019, công ty khai thác được 1.850 tấn mủ quy khô, đạt 115,6% kế hoạch năm. Thực hiện hoàn thành các hạng mục chăm sóc 1.991ha cao su giai đoạn kiến thiết cơ bản, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, tiết kiệm, hiệu quả. Vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt đạt các chỉ tiêu theo quy trình kỹ thuật do Tập đoàn ban hành.

Doanh thu ước đạt 59 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch. Công ty đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 478 CB.CNV và trên 200 lao động nhận khoán là đồng bào dân tộc địa phương. Thu nhập bình quân của NLĐ đạt 4.350.000 đồng/người/tháng (vượt 18% so với kế hoạch). Các chế độ của NLĐ được thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Năm 2019, công ty đóng các chế độ bảo hiểm cho 478 người với số tiền trên 5,6 tỷ đồng.

Còn với Công ty CPCS Lai Châu II, hiện tại công ty đang quản lý 4.727 ha cao su. Năm 2019, công ty được VRG giao kế hoạch thực hiện chăm sóc 3.396 ha vườn cây kiến thiết cơ bản và đưa vào khai thác

1.330 ha vườn cây kinh doanh, với năng suất bình quân 0,75 tấn/ha, sản lượng mủ được giao 1.000 tấn. Ông Nguyễn Xuân Phú – TGĐ công ty cho biết: “Ngay từ đầu năm Ban TGĐ cùng các phòng ban, nông trường sản xuất trực tiếp đã khẩn trương tiến hành triển khai kế hoạch SXKD, đặc biệt trên lĩnh vực khai thác mủ. Trước những nỗ lực, quyết tâm của toàn thể NLĐ, tính đến thời điểm ngày 25/11 công ty đã khai thác được 1.007 tấn, về trước kế hoạch 37 ngày. Đến hết năm, công ty khai thác 1.100 tấn, vượt 10% kế hoạch năm 2019”.

Những điển hình tại Campuchia, Lào

Năm 2019, Công ty CPCS Bà Rịa – Kampong Thom đã chủ động, linh hoạt xây dựng các phương án phù hợp với tình hình thực tế để hoàn thành vượt mức kế hoạch. Nhờ đó kích thích tinh thần NLĐ dẫn đến năng suất lao động tăng, năng suất, sản lượng tăng. Đến ngày 15/11/2019, công ty đã hoàn thành kế hoạch sản lượng (7.520 tấn, tỷ lệ 100,27%) và về trước kế hoạch 46 ngày.

Kết quả năm 2019, công ty đạt sản lượng khai thác 9.500 tấn (vượt 27% KH); sản lượng tiêu thụ 9.200 tấn (vượt 24,32% KH); năng suất vườn cây 1,8 tấn/ ha (vượt 28,57% KH); năng suất lao động 10,6 tấn/ người/năm. Giá thành 22,8 triệu đồng/tấn đạt 89,34% so kế hoạch, giá bán 29,5 triệu đồng /tấn (đạt 100,36% KH). Doanh thu 272,9 tỷ đồng (vượt 25,27% KH); lợi nhuận 60,8 tỷ đồng (vượt 131,66% KH). Tiền lương bình quân 7,2 triệu đồng/người/tháng, trong đó bình quân tiền lương của công nhân trực tiếp sản xuất là 6,8 triệu đồng/người/tháng.

Một đơn vị nổi bật khác là Cao su Chư Sê – Kampong Thom, năm 2019 công ty phải đối mặt với những khó khăn trong việc tuyển dụng, huấn luyện, bố trí lao động cạo mủ; công tác chuẩn bị vật tư; tiêu thụ sản phẩm… Tuy vậy, lãnh đạo công ty đã linh động đề ra nhiều giải pháp, như: nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hành tiết kiệm, giảm chi phí đầu tư, tinh gọn bộ máy, hạ giá thành sản xuất… Đồng thời với kinh nghiệm tích lũy được từ những năm đã hoạt động tại Campuchia, NLĐ toàn công ty đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hăng hái thi đua lao động sản xuất, phấn đấu hoàn thành chương trình, kế hoạch sản xuất đã được đề ra. Với kế hoạch sản lượng

11.100 tấn, công ty đạt 12.765 tấn (vượt 15% KH); năng suất bình quân 1,5 tấn/ha. Tiêu thụ 11.586 tấn, giá bán bình quân 30 triệu đồng/tấn. Doanh thu 348 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 12,7 tỷ đồng.

Ước tính đến 31/12, Công ty CPCS Việt – Lào đạt sản lượng cao su khai thác 18.000 tấn/17.390 tấn (đạt tỷ lệ 103,5% so với kế hoạch). Sản lượng cao su tiêu thụ 19.476,675 tấn/18.500 tấn,  đạt tỷ   lệ 105,3%. Tổng doanh thu trên 611 tỷ đồng, trong đó doanh thu tiêu thụ cao su tự khai thác trên 598  tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hơn 68 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trên 52 tỷ đồng. Nộp ngân sách 31 tỷ đồng. Thu nhập bình quân toàn công ty hơn 7,3 triệu đồng/người/tháng.

Tại buổi lễ mừng công hoàn thành kế hoạch, ông Nguyễn Tiến Đức – Phó TGĐ VRG nhận xét: “Cao su Việt – Lào là 1 trong những đơn vị có dự án đầu tư ở nước ngoài thành công, có lợi nhuận và chia cổ tức cho các cổ đông, bên cạnh đó là 1 công ty nhiều năm liền đạt danh hiệu câu lạc bộ 2 tấn. Năm nay, công ty hoàn thành sản lượng trước 20 ngày, đây là thành công lớn rất đáng biểu dương. Phát huy những thành quả đạt được, công ty phải cố gắng tiếp tục phát huy trong năm 2020”.

TUỆ LINH –VĂN VĨNH – MINH NHIÊN – MẪN NHI