Kiến nghị gỗ cao su là sản phẩm thứ hai sau mủ

CSVN – Nhiều năm nay, VRG  và Hiệp hội Cao su  VN (VRA) liên tục kiến nghị các Bộ, ngành xem xét công nhận gỗ cao su là sản phẩm thứ hai sau mủ  cao su để doanh nghiệp có thể chủ động quản lý, sản xuất theo cơ chế thị trường và tiêu chí quản lý rừng bền vững,  như  rút  ngắn  chu kỳ thu hoạch mủ, tăng chu  kỳ sản xuất gỗ theo nhu cầu của thị trường, tái canh kết hợp bảo vệ đất và nguồn nước.
Công nhận gỗ cao su thanh lý là sản phẩm cao su sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trồng cao su trong điều kiện khó khăn hiện nay. Ảnh: Vũ Phong
Công nhận gỗ cao su thanh lý là sản phẩm cao su sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trồng cao su trong điều kiện khó khăn hiện nay. Ảnh: Vũ Phong
Việt Nam chưa có thói quen trồng cao su lấy gỗ?

Đó là nhận định của ông Võ Hoàng An – Phó  Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VRA. Ông An cho biết: Từ những năm 1990 của thế kỷ trước, khi các doanh nghiệp nước ngoài – nhất là các doanh nghiệp từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan – đầu tư vào công nghiệp chế biến, xuất khẩu thì gỗ cao su tại Việt Nam mới được sử dụng, chế biến thành những sản phẩm có giá trị, nhất là giá trị xuất khẩu.

Gỗ cao su và các mặt hàng đồ gỗ được làm từ gỗ cao su đã và đang có vị thế quan trọng cho cả ngành cao su và ngành gỗ. Trong những năm gần đây, mỗi năm ngành cao su cung ứng ra thị trường khoảng 4,5 – 5 triệu m3 gỗ cao su tròn. Trong đó, 4 triệu m3 đến từ cao su đại điền – rừng cao su thuộc các đơn vị thành viên VRG, còn lại là từ các vườn cao su tiểu điền. Đây là nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào quan trọng có nguồn gốc pháp lý rõ ràng cho ngành gỗ, không chỉ đối với các sản phẩm phục vụ thị trường xuất khẩu mà cả cho tiêu dùng nội địa.

Bình quân mỗi năm gỗ và các mặt hàng được làm từ gỗ cao su đem lại kim ngạch xuất khẩu 1,7 – 1,8 tỷ USD (chiếm 23% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ) và là 1 trong 3 nhóm mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của ngành cao su. Con số kim ngạch này chưa bao gồm các sản phẩm gỗ cao su tiêu thụ nội địa. Hiện các sản phẩm được làm từ gỗ cao su đã và đang là một trong những nhóm mặt hàng được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Ông Mai Thanh Phong – TGĐ Công ty CP Chế biến Gỗ Đồng Nai, cho biết: “Sản phẩm làm bằng các loại gỗ rừng trồng khác không được ưa chuộng như sản phẩm làm bằng gỗ cao su, bởi những ưu điểm của gỗ cao su so với các loại gỗ khác. Thứ nhất về màu sắc, sau khi tẩy sáng thì gỗ cao su đảm bảo được màu sắc khá giống với màu gỗ tự nhiên nên rất đẹp. Thứ hai là thớ gỗ cao su rất mịn nên việc cắt, ghép đảm bảo hơn, nhất là sản phẩm đòi hỏi gỗ nguyên liệu phải mỏng. Thứ ba là độ cứng của gỗ cao su. Do vậy, gỗ cao su luôn là nguyên liệu được ưa chuộng và là lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp chế biến gỗ rừng trồng xuất khẩu tại Việt Nam”.

“Cây cao su không chỉ cho mủ mà còn cho thu hoạch gỗ. Gỗ là sản phẩm thứ hai của cao su sau khi thu hoạch mủ. Trong giai đoạn giá mủ cao su giảm, thiết nghĩ, các doanh nghiệp phải được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với vườn cây cao su thanh lý. Vì hiện nay và cả trong tương lai, đây vẫn là một nguồn lợi kinh tế không nhỏ” – ông An nhận định.

Gỗ là giải pháp căn cơ cho ngành cao su

Cao su là 1 trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ   lực của Việt Nam. Sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành cao su Việt Nam tập trung ở 3 nhóm sau: cao su thiên nhiên; sản phẩm cao su; gỗ cao su và đồ gỗ được làm từ gỗ cao su. Gỗ cao su có màu vàng sáng, nhẹ, dễ gia công chế biến. Nguồn gỗ này được xem là thân thiện với môi trường, được khai thác sau chu kỳ kinh tế lấy mủ khoảng 25 – 30 năm. Trong những năm gần đây, gỗ cao su đã trở thành nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành gỗ, không chỉ cho chế biến xuất khẩu mà cả cho các sản phẩm tiêu thụ nội địa.

Đối với gỗ khai thác từ các vườn cao su thanh lý của VRG, theo quy định, tối thiểu 30% lượng gỗ này sẽ được bán đấu giá để xác định giá cho 70% lượng gỗ cao su còn lại. Lượng 70% này được ưu tiên bán cho các doanh nghiệp chế biến gỗ thuộc Tập đoàn. Công nhận gỗ cao su là sản phẩm thứ hai sau mủ cao su là một trong những giải pháp căn cơ để ngành cao su phát triển hiệu quả và bền vững. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi giá cao su liên tục giảm, thì việc được phép hạch toán các khoản thu từ bán gỗ, củi cao su sau khi thu hoạch mủ còn là cơ hội để doanh nghiệp có thể chủ động quản lý, sản xuất theo cơ chế thị trường và nâng cao thu nhập cho NLĐ.

TUỆ LINH