CSVN – Bộ phim truyền hình “Tiếng sét trong mưa” dài 54 tập, do NSƯT, đạo diễn Nguyễn Phương Điền thực hiện phát sóng trên kênh THVL1 được nhiều khán giả yêu thích. Bộ phim có nhiều cảnh quay rất đẹp, lấy bối cảnh chính là rừng cao su ở Long Thành, Đồng Nai.
Những ngày cuối năm, liên hệ với đạo diễn Nguyễn Phương Điền, anh cho biết đoàn làm phim đang bận rộn thực hiện các cảnh quay cho bộ phim “Vua bánh mỳ” phiên bản Việt. Dự kiến sau khi bộ phim này hoàn thành, đoàn sẽ bắt tay vào thực hiện phần 2 của bộ phim “Tiếng sét trong mưa”.
Đạo diễn Nguyễn Phương Điền chia sẻ, nguyên bản gốc bối cảnh ban đầu phim “Tiếng sét trong mưa” là khai trường mỏ than. Trước khi bấm máy, đoàn làm phim tính đến phương án “ăn gian hình ảnh” bối cảnh hầm lò than. Nhưng nếu giữ chi tiết này, kinh phí sẽ rất lớn trong khi bối cảnh mỏ than lại ở miền Bắc. Cuối cùng, đạo diễn quyết định chọn rừng cao su, vừa có lợi về hình ảnh, dễ quay và lên phim, hình ảnh vẫn đẹp mà vẫn đảm bảo không rời xa kịch bản gốc.
“Bối cảnh được lựa chọn là những cảnh quay ở rừng cao su Long Thành, Đồng Nai của Nông trường Cao su Long Thành. Trong quá trình quay tại rừng cao su, đoàn nhận được sự hỗ trợ và không gặp khó khăn gì”, đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho biết.
“Tiếng sét trong mưa” được chuyển thể từ tác phẩm văn học “Lôi Vũ” của Tào Ngu (Trung Quốc), nhưng biên kịch phim vẫn giữ lại những tình tiết theo sát gốc nội dung của “Lôi Vũ” nên đã tạo ra được những câu chuyện đầy kịch tính, những mối quan hệ ngổn ngang trong một gia đình thế lực xưa.
Phim lấy bối cảnh Nam bộ xưa nói về cuộc sống của Thị Bình (Nhật Kim Anh đóng), một người đàn bà lam lũ sống cùng cô con gái Phượng. Bà Bình trở thành vợ của ông Quý sau biến cố đặc biệt cách đây đã 30 năm khi chính ông, với chiếc thuyền câu nhỏ bé đã cứu được bà cùng cậu con trai đỏ hỏn trong một đêm mưa gió. Từ đó, bà an phận sống ở vùng quê nghèo, nuôi con xa lánh thế sự, còn ông Quý đi làm ăn xa nuôi gia đình. Phượng chính là kết quả của cuộc tình nhiều ân nghĩa hơn tình yêu giữa cả hai.
Một ngày, ông Quý – ba của Phượng từ thành phố trở về muốn đưa cả hai mẹ con lên thành phố sau khi xin được công việc tốt, với mong muốn tiện việc chăm sóc. Nhất mực không muốn rời làng quê, nhưng trước sự kiên quyết của ông Quý, bà chấp nhận cho Phượng lên thành phố với yêu cầu, hai cha con phải hứa không được vào làm cho bất kỳ gia đình giàu có nào. Số phận đưa đẩy Phượng trở thành người giúp việc cho gia đình ông Khải Duy (Cao Minh Đạt đóng)
– một chủ đồn điền cao su khét tiếng, độc ác và gia trưởng. Sự thật năm xưa, chuyện con chung con riêng giữa Thị Bình và Khải Duy dần hé lộ với những kết cục bi thảm đã xảy ra.
Kết phim “Tiếng sét trong mưa” để lại nhiều bỏ ngỏ, mâu thuẫn giữa các nhân vật khiến người xem chưa thấy thỏa đáng. Đạo diễn Phương Điền cho biết trong phim phản ánh câu chuyện nhân quả, có vay có trả, nhân vật ác thì phải chịu quả báo.
“Phần 2 của phim hứa hẹn sẽ hấp dẫn và những cảnh quay đẹp hơn ở rừng cao su sẽ tiếp tục được thực hiện. Đoàn phim cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của đơn vị chủ quản rừng cao su, nơi diễn ra bối cảnh của phim”, đạo diễn Phương Điền chia sẻ.
ANH SA
Related posts:
- Tết Chôl Chnăm Thmây 2019 vui hơn mọi năm
- Bí quyết của thí sinh đạt điểm 10 môn tiếng Anh
- Gặp người thổi hồn vào tượng nhà mồ
- “Tiếng nói công nhân cao su Dầu Tiếng” lan tỏa đến từng khu phố
- Tự hào, trân trọng giá trị truyền thống ngành
- Binh đoàn 15 bế mạc Hội thao thể dục thể thao quốc phòng
- "Chất lửa" tại hội diễn văn nghệ cao su Bình Long
- Gắn kết, nghĩa tình tại khu cách ly
- Những tấm gương sáng phụ nữ trong lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam
- Làng quê đang biến mất