Nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh

CSVN – Trong chương trình Hội nghị quốc tế về ngành hàng cao su xuất khẩu và Họp mặt Doanh nhân Cao su VN năm 2019, Hiệp hội Cao su VN (VRA) tổ chức Hội thảo “Ngành cao su Việt Nam trong tình hình mới”. Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan Bộ, ngành, các tổ chức cao su quốc tế và gần 100 hội viên đại diện cho các doanh nghiệp trồng, chế biến cao su thiên nhiên, các nhà sản xuất sản phẩm cao su cũng như các ngành dịch vụ có liên quan.
Ông Salvatore Pinizzotto – Tổng thư ký Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế trình bày tham luận tại Hội thảo “Ngành cao su Việt Nam trong tình hình mới”
Ông Salvatore Pinizzotto – Tổng thư ký Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế trình bày tham luận tại Hội thảo “Ngành cao su Việt Nam trong tình hình mới”

Đây là diễn đàn dành cho các lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp trao đổi và phân tích xu hướng cung – cầu, các yếu tố tác động thị trường và giá cao su trong thời gian tới, cũng như thảo luận về các kế hoạch hành động cụ thể để ứng phó kịp thời với sự thay đổi của tình hình thế giới và khu vực nhằm tận dụng hiệu quả những cơ hội và hạn chế rủi

Phát biểu tại buổi Hội thảo, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch VRA, Chủ tịch HĐQT VRG cho biết: Trong 10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam ước đạt 1,3 triệu tấn với giá trị 1,76 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2018, lượng cao su xuất khẩu tăng 7,6%, giá trị tăng 6,4%. Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2 về năng suất vườn cây, thứ 3 về sản lượng, thứ 4 về xuất khẩu.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới sẽ tăng khoảng 2,9% trong năm 2020. Tuy nhiên, tình hình thị trường cao su được dự báo vẫn chịu nhiều tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, căng thẳng gia tăng ở Trung Đông và sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc. Ngoài ra, các hiệp định thương mại thế hệ mới như CCPTP, EVFTA… được kỳ vọng mang đến những lợi ích lớn đối với nền kinh tế nước ta thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu. Phân tích xu hướng ngành cao su thế giới trong năm 2020, ông Jom Jacob – Chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên sau khi so sánh các yếu tố cung – cầu, dự đoán sản lượng cao su thế giới tăng 5,9%, tiêu thụ tăng 1,3%.“Tuy nhiên, sức tiêu thụ cao su thiên nhiên có thể thay đổi phụ thuộc vào kết quả các cuộc đàm phán về mặt thuế quan giữa Mỹ với Trung Quốc”, ông Jom Jacob nhấn mạnh.

Tổng thư ký Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế, ông Salvatore Pinizzotto sau khi phân tích căng thẳng thương mại Mỹ – Trung nhận định, quan hệ thương mại giữa 2 nước này tác động lớn đến nền kinh tế thế giới, đặc biệt là ngành cao su. Trong đó bao gồm cả cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp.Trước những khó khăn của thị trường cao su, ngành cao su VN đã có nhiều nỗ lực tìm cách duy trì sản xuất và xuất khẩu, tăng hiệu quả sử dụng đất và đa dạng hóa nguồn thu nhập; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm giá thành và tăng năng suất…

Ông Trần Ngọc Thuận nhận định, trong tình hình mới, việc thực hiện phát triển ngành cao su theo hướng bền vững sẽ tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng, cũng như cải thiện năng suất và giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Từ đó thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Trên thực tế, ngành cao su Việt Nam đã và đang nỗ lực phát triển theo hướng bền vững. Từ đó sẽ giúp ngành ổn định về diện tích, gia tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Đồng thời thúc đẩy sử dụng gỗ cao su làm nguyên liệu các sản phẩm đồ gỗ thân thiện với môi trường; giảm rủi ro về thị trường và biến đổi khí hậu; tăng cường trữ lượng các bon, giảm hóa chất, ít phát thải khí nhà kính; tăng cường mô hình trồng xen canh hoặc trồng kết hợp để đa dạng nguồn thu nhập…”, ông Trần Ngọc Thuận chia sẻ.

NG.CƯỜNG