“Đất lành chim đậu”

CSVN – “Đi nhiều rồi, không có nơi nào bằng chỗ này!” – Đó là lời khẳng định “như đinh đóng cột” của ông Lương Liếp (61 tuổi) – cựu công nhân Nông trường Ou Thum, Công ty CPCS Bà Rịa – Kampong Thom. Ông Lương Liếp gắn bó với cây cao su từ năm 2009, đến nay gia đình ông đã có “của ăn của để”.
Ông Lương Liếp vinh dự được chọn đại diện cho công nhân Campuchia phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Công ty CPCS Bà Rịa – Kampong Thom. Ảnh: Đào Phong.
Ông Lương Liếp vinh dự được chọn đại diện cho công nhân Campuchia phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Công ty CPCS Bà Rịa – Kampong Thom. Ảnh: Đào Phong.

 

Chúng tôi đến lô cao su của Nông trường Ou Thum khi công nhân đang học cạo mủ, chuẩn bị cho mùa khai thác mới. Dưới cái nắng gay gắt phả vào mặt bỏng rát,  từng người chuyền cho nhau những chai nước lọc, những thanh kem mát lạnh mà họ mua được từ một cửa hàng tạp hóa ở ven đường. Được ông Trương Quốc Thông – Giám đốc nông trường cho biết, đó là cửa hàng tạp hóa của người con trai thứ 2 của ông Lương Liếp – anh Sok Liêng (30 tuổi), hiện là thư ký đội, thuộc nông trường.

Gặp ông Lương Liếp, không giấu được niềm vui, ông hào hứng chia sẻ: “Gia đình tui có ba người con, 2 con làm công nhân cao su. Trước đây làm ruộng tại quê, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Khi nghe tin công ty tuyển công nhân, cả nhà  đến đây đăng ký ứng tuyển và trở thành công nhân cao su”.

Ông vừa lấy bánh, pha nước tiếp khách, vừa trải lòng: “Thời gian đầu vào làm công nhân, tất cả đều bỡ ngỡ, mới mẻ. Sau đó được sự chỉ dẫn tận tình của cán bộ người Việt Nam, tụi tui cố gắng học hỏi và cũng quen dần với công việc. Tiền lương cũng tốt, cứ vậy, năm này sang năm khác, gia đình đã dành dụm tiền bạc mở được gian hàng tạp hóa này”.

Tiệm tạp hóa của vợ chồng anh Sok Liêng. Ảnh: Hồng Lý
Tiệm tạp hóa của vợ chồng anh Sok Liêng. Ảnh: Hồng Lý

Chúng tôi đi một vòng để ngắm cơ ngơi khá bề thế, cửa hàng tạp hóa của Sok Liêng phong phú các mặt hàng thiết yếu để phục vụ cho người dân ngay trên cánh rừng cao su bạt ngàn. Trong gian nhà sau còn có một chiếc xe hơi mới mua (giá 18.700 USD) cách đây vài tháng. Sok Liêng thổ lộ: Mua xe để ra thị trấn lấy hàng về bán và nếu ai có nhu cầu thì cho thuê. Vợ anh trước đây cũng làm công nhân, sau đó nghỉ việc về quản lý cửa hàng.

“Cái khó ló cái khôn” – Triết lý sống ấy được người dân nơi đây vận dụng triệt để trong việc phát triển kinh tế gia đình làm giàu trên chính quê hương mình.  Không chịu khuất phục hoàn cảnh sống thiếu thốn, cái đói, cái khổ đeo đẳng, họ đến với cây cao su, vào làm công nhân từ đó thay đổi số phận, cải tạo cuộc sống và tìm thấy hạnh phúc.

Đó là gia đình anh Kinh Yên, vợ chồng anh vào làm công nhân từ năm 2009, với tiền lương tích cóp dành dụm, số vốn ban đầu là một con bò nhỏ nay gia đình đã có 3 con bò to.

Cũng làm giàu từ nuôi bò và trồng điều, nuôi gà còn có hộ gia đình anh Long Mao (28 tuổi) – công nhân đội 5, Nông trường Ou Thum. Cả hai vợ chồng đều làm công nhân cao su, nhà có 6 con bò trị giá khoảng 10 triệu riel (hơn 55 triệu đồng tiền Việt Nam), từ chăn nuôi và tiền lương hàng tháng  vợ chồng anh có đời sống ấm êm trong ngôi nhà rộn tiếng cười của trẻ thơ…

Khi nói về họ, ông Trương Quốc Thông – Giám đốc Nông trường Ou Thum không giấu được sự phấn khởi: “Người Campuchia  khi vào làm công nhân họ rất cần cù và siêng năng. Lúc đầu chưa biết gì về cây cao su nhưng khi được chỉ bày thì họ hào hứng và chịu khó học hỏi. Trước đây quen cuộc sống du canh du cư, rày đây mai đó nhưng khi vào công nhân cao su, có tiền lương ổn định, nhà cửa công ty cấp, có trường học, có nương rẫy, có sự động viên giúp đỡ nên họ làm việc với tinh thần tự giác, có ý thức vươn lên làm giàu để thoát nghèo. Hầu hết các hộ gia đình đều có nguyện vọng gắn bó lâu dài với công ty”.

NGUYỄN LÝ