CSVN – Cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, không xin được việc nên tôi phải làm đủ thứ nghề để nuôi bản thân và lo cho gia đình. Và rồi, duyên số gắn với cây cao su nhân dịp vào thăm nhà một người anh của ông bạn thân, khi đó, anh ấy bảo: Em có muốn làm cao su thì đưa hồ sơ anh xin cho. Thế là “cuộc tình” với cây cao su của tôi đã gắn bó được 20 năm có lẻ.
Sinh ra tại vùng quê nghèo Bình Định, theo chân cha mẹ lên định cư tại Tây Nguyên, tuổi thơ của tôi và các chị là những ngày “tự thân vận động” vì cha mẹ phải bươn chải lo toan cho cuộc sống, nhưng tôi vẫn được “mang tiếng” là trai thành phố cho đến ngày gắn bó với cây cao su.
Ngày đó, sau khi làm đủ nghề, tôi may mắn được một người anh xin vào làm tại nông trường trực thuộc một công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên, thời điểm đã cách đây 20 năm. Lúc bấy giờ, đó là đơn vị được công ty đánh giá khó khăn, vất vả nhất, nhưng với tôi đó là một giấc mơ vì mình đã có được môi trường làm việc và có nguồn thu nhập để trước mắt là lo cho bản thân.
Ngày đầu tiên vào tới nông trường, tôi được anh phó giám đốc (PGĐ) dẫn đi 1 vòng hết vườn cây của đơn vị, vừa đi anh ấy vừa chỉ đây là lô, kia là ô, vườn đây trồng năm 1998, vườn này chuẩn bị trồng thảm phủ họ đậu …, phải nói là tôi cứ dạ vâng cho qua chuyện chứ chưa lưu lại trong đầu được bao nhiêu.
Đêm đến, là đêm đầu tiên tôi ở lại đơn vị, phải nói là bất ngờ nối tiếp bất ngờ, điện thì không có, xung quanh nông trường chỉ có một khu tập thể của công nhân đang che nhà bạt ở tạm, xa hơn là khu Làng của người Jarai đang sinh sống, lâu lâu chỉ nghe tiếng công nhân gọi nhau í ới… Màn đêm buông xuống, tôi ngủ trên ghế xếp ngay tại phòng làm việc với anh PGĐ kiêm chủ tịch Công đoàn đơn vị, được nghe anh kể đủ chuyện mới dần hình dung ra cuộc sống vất vả của người công nhân nơi mình mới nhận việc, lúc này tôi mới dần hiểu ra được những khó khăn trước mắt của đơn vị và cá nhân từng người là không ít, nhưng tôi vẫn nhớ như in câu nói của anh PGĐ “chốt hạ” trước khi đi ngủ là: Chú còn trẻ, cố gắng nhé! Vâng, em sẽ cố gắng! Tôi trả lời anh.
Năm đó, đơn vị tôi tổ chức trồng dặm trên diện tích 1.191,77 ha vườn cây của năm trước trồng mới bị hạn hán, trồng xong, chưa rào kịp, có đồi 59ha bị bò vào phá một ít, giám đốc nông trường giao nhiệm vụ chúng tôi phải đi tỉa chồi, trực “canh bò” và gấp rút hoàn thiện hàng rào. Kỷ niệm nhớ nhất là lúc bộ phận gián tiếp chăm sóc vườn cây vào những ngày Tết Nguyên đán, chúng tôi gần như không có Tết, chỉ quanh quẩn bên lô cao su, sáng ra lô “canh bò”, sau đó đi tỉa chồi, chiều – khi nào bò về chuồng rồi chúng tôi mới được về đơn vị, ròng rã hơn 2 tháng.
Năm đầu tiên không có Tết vì nhiệm vụ canh giữ vườn cây, nhưng tôi nghiệm ra rất nhiều điều và tôi tự đặt ra mục tiêu phải học bằng được “nghề cao su” thì khi đó mình mới sống với nghề tốt hơn, Từ đó mà hầu như ngày nào tôi cũng ra vườn cây ít nhất 1 vòng, đến với vườn cây, thấy cái chồi là đến tỉa, thấy dây leo lên cây cao su là tự ngắt, thấy công nhân kéo ít cỏ vào bồn giữ ẩm là nhắc nhở và phụ lấy cỏ kéo thêm vào, để sau này mỗi khi đơn vị bón phân thì tôi nhận nhiệm vụ ngồi trên máy cày đi rải phân cho 1.487,75 ha không sai bất kỳ lô, ô nào …, cứ thế, thời gian trôi đi, tôi đã học thêm được “nghề cao su” một cách hết sức tình cờ và quyết liệt.
Thấm thoát 1 năm trôi qua, tôi chọn 1 ngày đẹp trời nhất, về dẫn 3 thằng bạn thân vào đơn vị và đi 1 vòng hết đơn vị, gọi là “khoe” chỗ làm mà tôi rất mừng được gắn bó với nơi này trong suốt thời gian qua, nghỉ rằng các bạn ấy sẽ vui và chúc mừng, ai dè 1 trong 3 đứa bạn thân tôi nói 1 câu làm tôi hụt hẫng, bạn ấy tuyên bố là: “Làm cái chỗ gì vất vả dữ, gặp tao chắc nghỉ lâu rồi”. Nghe xong tôi chỉ cười, thầm nghĩ vì bạn mình chưa thấy hết niềm vui của mình khi làm cao su nên mới nói thế.
Nghề cao su đã cho tôi cuộc sống ổn định trong thời gian qua, cây cao su đã cho tôi thêm 1 nghề để làm hành trang vào đời, tình cảm và sự chân thật của người cao su nơi tôi công tác mà đa phần là người Jarai đã giúp tôi gắn bó hơn với cây cao su, thêm yêu màu xanh của lá, mỗi sớm mai thức dậy đứng nhìn về vườn cao su tôi như nghe được từng hơi thở của cây, thấy được sự vươn lên của từng tầng lá, thấy được sức sống mãnh liệt của cây cao su dù trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Tây Nguyên, cảm nhận được niềm vui của công nhân cao su mà đa phần là người Jarai, Bana khi có thu nhập ổn định từ cao su.
Suốt chiều dài 90 năm lịch sử của ngành thì tôi vinh dự được công tác 20 năm trong ngành cao su, được chứng kiến những lúc khó khăn nhiều hơn là thuận lợi, được chứng kiến những nơi khác đã “lấy đi” biết bao nhân lực chất lượng của ngành cao su đã dày công đào tạo (như các khu CN). Đã có thời gian cao su được mọi người ví là “vàng trắng”, nhưng có thời gian cũng khó khăn không kém các ngành khác, như hiện nay. Từ cuối năm 2012 đến nay, ngành cao su chúng ta trải qua những giai đoạn vô cùng vất vả, giá bán thì thấp, công tác tiêu thụ lại không thuận lợi, trong khi giá cả các vật tư phục vụ sản xuất liên tục tăng cao …, làm cho đời sống của người lao động trong ngành cao su gặp rất nhiều khó khăn. Tôi đã chứng kiến không ít đơn vị trong ngành phải đối mặt với khó khăn vì thiếu lao động, tay nghề không cao của lao động mới tuyển …
Đứng trước thực tế đó, ngành cao su chúng ta đã có nhiều nội dung phát động thi đua, từ đó rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật như áp dụng cơ giới hóa trong chăm sóc vườn cây, thay đổi chế độ cạo, có vùng D4, hoặc D6, thâm canh trong vườn cây…, mục tiêu là nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạ giá thành sản phẩm, tạo nên sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường, đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ sản phẩm với giá bán cao, lợi nhuận lớn, thu nhập cho người lao động được cải thiện đáng kể, từ đó người lao động mới yên tâm công tác, gắn bó và cống hiến, yêu ngành, yêu nghề.
Cho dù đã trải qua nhiều bước thăng trầm, chứng kiến biết bao lần ngành cao su chúng ta “chảy máu chất xám”, không ít lao động giỏi chuyển sang công tác những lĩnh vực khác khi sản xuất kinh doanh cao su gặp khó khăn. Nhưng, NLĐ ngành cao su vẫn giữ vững lập trường, không hề dao động, vẫn hưởng ứng các phong trào thi đua lao động sản xuất. Tình yêu với màu xanh của lá cao su, màu trắng của dòng mủ vẫn luôn cháy mãi. Vững tin vào một ngày mai tươi sáng.
…Và cho đến tận bây giờ, tôi nghĩ mình đã chọn đúng nghề và nghề cao su đã ưu ái tiếp nhận tôi.
ÁNH NGỌC
(Trích từ tác phẩm đoạt giải khuyến khích Cuộc thi
Tự hào 90 năm truyền thống ngành cao su)
Related posts:
- Vợ đòi ly hôn vì những "chuyện nhỏ nhặt"
- Bỏ đi, đừng làm khổ mình!
- Số ca nhiễm Covid 19 ở Campuchia vượt mốc 10.000, Lào lần đầu có ca nhiễm 3 con số
- Bị gái xinh sành nghề...“đào mỏ”
- Chồng tránh mặt ba, khục khặc với vợ
- Du lịch sinh thái - cộng đồng những trải nghiệm thú vị
- Chỉ hẹn hò để yêu hay cưới?
- Binh đoàn 15: Hiệu quả trong công tác dân vận
- Chia sẻ mong được phục vụ bạn đọc mãi mãi!
- Mối quan hệ ấy không thể tồn tại