(tiếp theo kỳ trước)
CSVN – Sau một thời kỳ đấu tranh dưới các hình thức tự phát chống lại chế độ hà khắc, sự đối xử dã man ở các đồn điền, vào cuối những năm 20 của thế kỷ XX, cùng với phong trào công nhân cả nước, phong trào đấu tranh của công nhân đồn điền cao su bắt đầu có những chuyển biến mới mang tính chất tự giác. Sự chuyển biến ấy bắt nguồn từ hoạt động của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (viết tắt VNTNCMĐCH).
Tổ chức VNTNCMĐCH được Nguyễn Ái Quốc lập ra ở Quảng Châu – Trung Quốc vào tháng 6-1925. Đó là công cụ tổ chức để tuyên truyền vận động phong trào dân tộc dân chủ theo con đường cách mạng vô sản. Sau ngày thành lập, VNTNCMĐCH đề ra chủ trương “vô sản hóa”, đưa hội viên đi sâu bám chắc vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền để vận động cách mạng, thúc đẩy sự phát triển phong trào cách mạng nước ta. Kỳ bộ Nam Kỳ của VNTNCMĐCH ra đời năm 1927. Cuối năm 1928, thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, nhiều hội viên của Kỳ bộ đã len vào làm phu ở các đồn điền cao su để tuyên truyền vận động và xây dựng tổ chức cách mạng, đồng thời cũng để tự rèn luyện lập trường giai cấp công nhân.
Tiêu biểu cho hoạt động này là trường hợp hội viên VNTNCMĐCH Nguyễn Văn Vĩnh (tức Nguyễn Xuân Cừ) đi “vô sản hóa” ở đồn điền Phú Riềng.
Nguyễn Xuân Cừ quê ở Bắc Ninh, cùng quê và là anh em họ của Ngô Gia Tự. Cừ là học sinh trường Bưởi, có bằng tú tài, nói tiếng Pháp khá thạo, sớm giác ngộ cách mạng và gia nhập tổ chức VNTNCMĐCH. Khoảng đầu năm 1928, Cừ đến “vô sản hóa” ở đồn điền Phú Riềng. Tại đây, đầu tiên anh vào làm công nhân, nhưng chỉ ít lâu sau, nhờ nói tiếng Pháp giỏi, lại có nhiều hiểu biết của một người trí thức, anh được tên Lơ-bông (Lebond) – sếp làng số 3 – rút lên để làm bồi cho nó, vừa làm báo cáo hàng tuần, hàng tháng thay nó. Và chỉ sau một thời gian ngắn, do chinh phục được cảm tình của Lơ-bông, anh được tên này cho vay tiền phá giao kèo. Từ đó anh trở thành một “công nhân tự do” được quyền đi lại trong đồn điền. Lợi dụng hoàn cảnh thuận tiện này, anh thường xuyên đi về Sài Gòn để liên hệ với các tổ chức cách mạng.
Gần gũi với số đông công nhân đồn điền, lại có nhiều điều kiện thuận lợi, nhất là sự nể trọng của bọn Tây, anh kín đáo tuyên truyền cách mạng trong số công nhân tích cực. Người đầu tiên anh tìm đến liên lạc và móc nối là Trần Tử Bình – người vốn đã nổi tiếng trong cuộc đấu tranh trước, lúc đó đang làm chân quét dọn, giặt giũ ở trạm xá và cũng đang thẳng thắn đấu tranh với tên Phòng – y tá trưởng.
Liên hệ với những cuộc đấu tranh tự phát thất bại trước của Phú Riềng, Nguyễn Xuân Cừ đã truyền đạt cho Trần Tử Bình và các công nhân tích cực ở đây, những kinh nghiệm và phương pháp đấu tranh cụ thể, thông báo cho họ những tin tức về phong trào cách mạng của công nhân thế giới và về đất nước Liên Xô – thành trì của cách mạng thế giới lúc bấy giờ, làm cho họ “như người đang dò dẫm bước trên con đường gập ghềnh, bỗng như được thấy một bó đuốc sáng, soi đường cho mình đi thật vững vàng”.
Thế rồi sau một thời gian được tuyên truyền giác ngộ cách mạng và được thử thách trong công tác, tháng 4-1928, Trần Tử Bình và 3 người nữa là Tạ, Hồng, Hòa được Nguyễn Xuân Cừ tổ chức kết nạp vào VNTNCMĐCH và Chi bộ VNTNCMĐCH ở Phú Riềng được thành lập với 5 hội viên do Nguyễn Xuân Cừ làm bí thư. Đó là một trong 19 chi bộ VNTNCMĐCH ở Nam Kỳ, có 5 trong số 500 hội viên của Kỳ bộ VNTNCMĐCH Nam Kỳ lúc đó.
CSVN
(trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)
(Xem tiếp kỳ sau)
Related posts:
- Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua nước rút
- Nữ công nhân cao su ưu tú giúp chị em phát triển kinh tế gia đình
- Niềm tự hào của Kpa Toal
- Người lãnh đạo luôn gần gũi công nhân
- Không ngủ quên trên truyền thống
- Thanh niên tiên tiến ở Cao su Kon Tum
- Nguyễn Văn Quyên - Gương sáng trong học tập và làm theo Bác
- Công nhân điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của ngành cao su
- Tình cảnh đời sống của công nhân đồn điền cao su
- Làm cao su kết hợp kinh tế gia đình để bền vững