CSVN – Để các hộ dân có nguồn thu nhập thường xuyên trong điều kiện đất sản xuất hạn hẹp, chính quyền phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đã hướng dẫn, khuyến khích người dân trồng các loại rau dân dã. Và kết quả mang lại thật bất ngờ.
“Làng” trong “phố”
Có một thực tế tại thành phố Kon Tum hiện nay, đó là sự hiện diện của “làng” trong “phố”. Dù là người của “phố”, song mọi sinh hoạt, lao động sản xuất của bà con lại đều gắn với nông nghiệp, một văn hóa rất đặc trưng của “làng”.
Ở làng Kon Hra Chót phường Thống Nhất có trên 170 hộ người đồng bào dân tộc Bahnar, 100% các hộ dân đều sản xuất nông nghiệp, trong đó có gần phân nữa trực tiếp sản xuất các loại cây rau, đậu. Nhờ trồng rau mà nhiều hộ dân trong làng có thu nhập thường xuyên, đủ tiền trang trải cho những chi phí thiết yếu.
Khác so với những vùng trồng rau khác, bà con ở đây chỉ trồng những loại rau quen thuộc, dân dã như bầu, rau ngót, rau dền, mồng tơi, rau muống… Với diện tích 1.500 m² đất, tranh thủ sớm tối, vợ chồng anh chị A Đưng và Y Trứu có thu nhập mỗi ngày từ 100 đến 150 nghìn đồng.
Ông A Đưng, làng Kon Hra Chót, phường Thống Nhất, cho biết: “Vợ mình ngày nào cũng ra chợ, họ biết tên, biết mặt và ăn rau mình là họ rất thích, họ không sợ rau bị phun thuốc sâu nên bà con người Kinh ngoài chợ họ rất thích mua”.
Nếu hộ A Đưng trồng nhiều loại rau, gia đình anh Đặng Thế Thảo ở làng Kon Tum Kơ Nâm lại chọn cây chủ lực là bầu. Trên diện tích 1.600 m² đất, anh Thảo đánh luống, làm giàn trồng bầu. Xuống giống từ đầu tháng 5, đến tháng 7 vừa qua bầu bắt đầu cho thu hoạch. Đầu vụ được giá, mỗi kg bầu bán được từ 8 đến 9 nghìn đồng. Hiện tại vẫn bán được từ 5 đến 6 nghìn đồng một kg.
Nhờ chăm sóc tốt, đến nay dù hơn 4 tháng đã trôi qua, song giàn bầu nhà anh vẫn đang tiếp tục cho quả, ông Thảo cho biết nếu chăm sóc tốt mỗi vụ bầu ông thu nhập bình quân từ 40 đến 50 triệu đồng, nếu so với số vốn ban đầu bỏ ra kể cả công chăm sóc gia đình ông củng lời từ 25 đến 30 triệu đồng. Từ số tiền này gia đình ông đủ trang trải cho việc sinh hoạt, học tập của các cháu và tích lũy một phần.
Tăng thu nhập cho người dân
Từ kết quả mô hình thí điểm, chính quyền phường Thống Nhất tích cực tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng rau an toàn nhằm tạo uy tín lâu dài với người tiêu dùng. Hiện đã có thêm rất nhiều hộ dân làng Kon Hra Chót, Kon Tum Kơ Nâm chọn trồng các loại rau dân dã để có thêm thu nhập. Ông A Rét-Chủ tịch Hội nông dân phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum cho biết: “Người đồng bào ở phường tham gia mô hình trồng rau an toàn rất là tích cực, hiệu quả kinh tế mang lại rất cao, tăng nguồn thu cho bà con đồng bào”.
Với việc lựa chọn trồng những loại rau không khó chăm sóc như bầu, mướp, rau ngót, hay rau dền, người dân làng Kon Hra Chót, Kon Tum Ko Nâm phường Thống Nhất giờ đã có thêm nguồn thu cho gia đình. Mô hình cũng tỏ ra rất phù hợp với trình độ canh tác, thực tế cư trú “làng trong phố” của bà con. Việc lựa chọn trồng những loại rau đơn giản cũng tận dụng được lao động nhàn rỗi, những khoảnh đất, không gian trống quý hiếm. Để bà con có thêm thu nhập, ồn định cuộc sống.
Chính quyền phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum ngoài việc khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân còn phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích bà con đưa các loại giống mới vào sản xuất để tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, ông Nông Hồng Công – chủ tịch phường Thống Nhất cho biết thêm.
VI PHONG
Related posts:
- Về quê tránh dịch
- Quỹ vắc xin Covid-19 đã tiếp nhận 7.807 tỷ đồng
- Cao su Đồng Nai hỗ trợ gia đình anh Nguyễn Văn Nam
- Lợi ích thực sự của tiêm vaccine phòng COVID-19 là gì?
- Đừng làm tổn thương mình
- Tiếp tục quyết liệt các giải pháp chống dịch – Việt Nam đang đi đúng hướng
- TPHCM sáng 23/8: Giãn cách nghiêm ngặt
- Thủ tướng: 'Khu công nghiệp phải vừa sản xuất, vừa chiến đấu'
- “Không tiền cũng vá, tự bơm miễn phí, đừng ngại”
- Chủ động kiểm soát dịch bệnh, phục hồi sản xuất an toàn, chắc chắn