Một ngày với Phú Riềng Đỏ

CSVN – Trong không khí lao động khẩn trương của những ngày thi đua nước rút, người lao động toàn ngành hướng về Phú Riềng Đỏ – với tấm lòng tri ân sâu sắc vùng đất lịch sử, mốc son chói lọi làm rạng danh truyền thống của ngành cao su VN.
CBCNV trong ngành tề tựu dâng hương tại tượng đài Phú Riềng Đỏ. Ảnh: Ng.Cường.
CBCNV trong ngành tề tựu dâng hương tại tượng đài Phú Riềng Đỏ. Ảnh: Ng.Cường.

Về dự lễ dâng hương tại Khu di tích Phú Riềng Đỏ vào những ngày cuối tháng 10 chúng ta mới có thể cảm nhận được sự đổi thay của một vùng đất lịch sử mà xưa kia vốn là địa ngục trần gian của kiếp đời nô lệ:

“Kiếp phu đổ lắm máu đào

Máu loang mặt đất, máu trào mủ cây

Trần gian địa ngục là đây

Đồn điền đất đỏ nơi Tây giết người”.

(Trích Lịch sử đấu tranh của công nhân cao su Đồng Phú)

Đứng trước công trình tôn tạo Khu di tích lịch sử Phú Riềng Đỏ được mở rộng, xây dựng khang trang trên diện tích 0,8 ha gồm các hạng mục: khuôn viên khu di tích, khu vực làm lễ, nhà bia, nhà chờ, cổng chào… trang trọng, vững chãi, chắc hẳn ai về dự lễ cũng không giấu được cảm xúc tự hào, bồi hồi xúc động. Đài tưởng niệm vươn cao với hình ảnh chiếc búa liềm uy nghiêm in hình trên nền trời trong xanh lộng gió, khu di tích được bao bọc trong bầu không khí trong lành, bình yên của rừng cao su xanh thẫm.

Thời gian, năm tháng trôi qua, những nhân chứng lịch sử cũng dần trôi vào dĩ vãng nhưng chắc chắn trong ký ức của mọi người dân nơi đây vẫn khắc ghi trong tâm khảm về một giai đoạn lịch sử Phú Riềng Đỏ hào hùng và những người con anh hùng của một kiếp người nô lệ “chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao”. Và cũng  từ mảnh đất linh thiêng này, chiếc nôi Phú Riềng Đỏ  đã ươm mầm, giáo dục và rèn luyện nên biết bao tấm gương đấu tranh bất khuất, kiên cường của các thế hệ CN, làm rạng danh những trang sử truyền thống vẻ vang của ngành cao su Việt Nam.

Từ khi mới xây dựng, Khu di tích lịch sử Phú Riềng Đỏ trở thành biểu tượng cho truyền thống đấu tranh  cách mạng của các thế hệ ngành cao su nói chung và của nhân dân tỉnh Bình Phước nói riêng. Nơi đây cũng là địa chỉ đỏ, giáo dục, giữ gìn giá trị truyền thống tốt đẹp của công nhân cao su, là cội nguồn động lực hun đúc cho bao thế hệ hôm nay và mai sau cùng ra sức phấn đấu, quyết giữ vững nền độc lập tự do của dân tộc, xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp.

Trong thời khắc thiêng liêng và trang trọng, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, từng dòng người tiến vào tượng đài, dẫn đầu là các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Phước và VRG, các đại biểu và khách mời, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tập đoàn, thế hệ trẻ Đoàn viên thanh niên ưu tú… kính cẩn nghiêng mình dâng nén hương thơm trước tượng đài lịch sử, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân và vì màu xanh cao su – Dòng chảy cuộc sống.

Từ hiện tại nghĩ về quá khứ – “90 năm ngành cao su rất đỗi tự hào”. Thế hệ hôm nay, chúng   ta được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc, được làm chủ vườn cây và vận mệnh cuộc sống, không thể nào quên công lao to lớn của bao thế hệ cha anh đã ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng, vì sự phồn vinh của dân tộc. Tiếng vọng của quá khứ, lời dặn dò của các thế hệ đi trước về một mục tiêu “Công nhân giàu – Tập đoàn mạnh” trở thành mệnh lệnh thôi thúc tinh thần lao động sáng tạo, cống hiến của tập thể CB.CNV –LĐ trong toàn ngành vì một “ngành cao su tăng tốc, bứt phá, phát triển bền vững”.

MINH KHÔI