Cần cơ chế, chính sách giúp ngành cao su phát triển hiệu quả, bền vững

CSVN – Tại Hội nghị phát triển cao su hiệu quả, bền vững đến năm 2030 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ NN&PTNT và VRG tổ chức ngày 6/11, đ/c Cao Đức Phát – Ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế TW đã đánh giá, phân tích sâu sắc, toàn diện về ngành cao su trong thời gian qua, đồng thời đưa ra những định hướng và cơ chế, chính sách để phát triển sắp tới. Tạp chí CSVN trích đăng.
Đ/c Cao Đức Phát - Ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế TW phát biểu tại Hội nghị phát triển cao su hiệu quả, bền vững đến năm 2030. ẢNH: VŨ PHONG
Đ/c Cao Đức Phát – Ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế TW phát biểu tại Hội nghị phát triển cao su hiệu quả, bền vững đến năm 2030. ẢNH: VŨ PHONG
Cần xác định cao su là cây trồng lợi thế, có khả năng cạnh tranh cao

…Theo tôi, trong thời gian tới, cần phải xác định cao su là cây trồng có lợi thế, có khả năng cạnh tranh cao của nông nghiệp Việt Nam. Không phải tự nhiên VN là nước sản xuất cao su thiên nhiên (CSTN) lớn thứ 3 trên thế giới. Nếu không cạnh tranh cao thì VN không thể đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu CSTN. Chính vì vậy, cần tập trung phát huy lợi thế trong hội nhập quốc tế.

Cần phải nhìn nhận và tập trung phát huy lợi thế của ngành cao su một cách toàn diện, hiệu quả trên tất cả lĩnh vực: chính trị, kinh tế xã hội, môi trường, an sinh, an ninh quốc phòng và ngoại giao. Trong khâu trồng trọt, cần phải cẩn trọng rà soát, nhưng phương hướng chính là đi vào tập trung thâm canh, nâng cao hiệu quả của những vườn cây hiện có,   tái canh trồng mới ở những nơi có triển vọng, hiệu quả cao với tầm nhìn của cả chu kỳ, chứ không phải ngắn hạn. Cần tìm mọi cách tạo mọi điều kiện thuận lợi đề phát triển công nghiệp chế biến cao su, bao gồm cả chế biến mủ, gỗ và công nghiệp phụ trợ để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành cao su. Chúng  ta mong muốn ngành cao su VN cũng giống như Malaysia, không chỉ chế biến hết cao su trong nước mà còn nhập khẩu để chế biến.

Phải tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách quản lý ngành cao su, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế. Tiếp tục hỗ trợ nâng cao hiệu quả cao su tiểu điền. Khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư phát triển, nhất là chế biến, kinh doanh, dịch vụ cho ngành cao su.

VRG kiến nghị chuyển đổi các công ty khu vực miền núi phía Bắc thành doanh nghiệp xã hội. Trong ảnh: Công nhân người đồng bào chăm sóc cao su.
VRG kiến nghị chuyển đổi các công ty khu vực miền núi phía Bắc thành doanh nghiệp xã hội. Trong ảnh: Công nhân người đồng bào chăm sóc cao su.
Sẽ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư chính sách mới cho ngành cao su

Đối với VRG, thống nhất chủ trương tiếp tục tái cơ cấu, đổi mới quản lý để phát huy cao hơn hiệu quả SXKD, các nguồn lực VRG đã tích lũy được từ nhiều năm qua, để làm nòng cốt phát triển ngành cao su trong nước và hợp tác quốc tế. Ban Kinh tế Trung ương, Bộ NN&PTNT, VRG làm việc kỹ hơn với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để điều chỉnh các chính sách liên quan về đất đai, thuế, vay ưu đãi tín dụng; chính sách hỗ trợ ngành cao su ở miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số; kiến nghị Chính phủ chuyển đổi DN cao su thành DN xã hội (trước mắt, thí điểm ở một số đơn vị miền núi phía Bắc).

Cây cao su tại miền núi phía Bắc
Cây cao su tại miền núi phía Bắc

Về khoa học công nghệ (KHCN), ngành cao su được như hôm nay, một phần rất quan trọng vì đã chủ động nghiên cứu và chuyển giao KHCN. Tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của VRG, đặc biệt    là của Viện Nghiên cứu CSVN, đã làm việc rất hiệu quả. Từ chỗ phải nhập khẩu cây giống cao su ở các nước, bây giờ cây giống của VN có năng suất vượt trội so với các nước khác. Đây là cái gốc để giúp ngành cao su phát triển. Không chỉ giống cây, VRG đã xây dựng  được quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới sẽ còn nhiều vấn đề kỹ thuật khác phải được tiếp tục nghiên cứu. Tôi mong rằng  Bộ KHCN sẽ quan tâm, hỗ trợ, có những chương trình cho ngành cao su, trực tiếp là Viện Nghiên cứu CSVN để tiếp tục nghiên cứu công nghệ trong trồng trọt và chế biến cao su. Suốt mấy chục năm hoạt động trong ngành nông nghiệp, tôi khẳng định rằng, chỉ khi nào, chỉ những gì con người làm chủ được công nghệ thì  ngành  kinh tế đó mới phát triển có hiệu quả và bền vững. Tiếp tục rà soát lại chương trình hợp tác quốc tế. VRG đầu tư tại Lào, Campuchia khoảng 115.000 ha. Các doanh  nghiệp  VN ước tính khoảng 200.000 ha đầu tư tại Lào, Campuchia. Cần đề xuất chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển cao su hiệu quả ở nước bạn, tăng cường mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa 2 nước. Ban Kinh tế Trung ương sẽ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư chính sách mới cho ngành cao su. Những chính sách mới này nhằm giúp ngành cao su tiếp tục phát  huy tốt thế mạnh vốn có, phát  triển  toàn  diện, bền vững.

NGỌC CẨM (GHI)