Phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia sản xuất và thu hoạch mủ cao su

CSVNO – Theo Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang, hiện nay khoảng 75,5ha cao su tại khu vực thôn Lao Đu (xã Phước Xuân, Phước Sơn), 46ha tại xã A Vương (Tây Giang) và 73ha tại thôn 3B (xã Trà Giác, Bắc Trà My), người dân có hiện tượng bỏ vườn, không chịu khai thác mủ.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca chủ trì buổi làm việc về tình hình sản xuất cao su ở 4 huyện miền núi. Ảnh: VINH ANH
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca chủ trì buổi làm việc về tình hình sản xuất cao su ở 4 huyện miền núi. Ảnh: VINH ANH

Sáng 15.11, tại xã Chà Vàl (Nam Giang), đoàn công tác của tỉnh gồm đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Dân tộc tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội LHPN tỉnh do Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang và các công nhân, hộ nhận khoán thuộc Nông trường cao su Chà Vàl (Nam Giang). Dự buổi làm việc có lãnh đạo Mặt trận, đoàn thể các địa phương có cây cao su gồm Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn và Bắc Trà My.

Buổi làm việc nhằm nắm bắt tình hình sản xuất của công ty và đời sống, tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương có cây cao su. Qua đây nhằm huy động sự tham gia, vào cuộc của hệ thống Mặt trận, đoàn thể ở các địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia khai thác mủ cao su; gắn sự phát triển ổn định của doanh nghiệp với việc tạo sinh kế bền vững cho người dân ở địa phương.

Công nhân Nông trường cao su Chà Vàl phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: VINH ANH
Công nhân Nông trường cao su Chà Vàl phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: VINH ANH

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang, dự án trồng cao su bắt đầu triển khai từ năm 2008 trên địa bàn 66 thôn thuộc 19 xã của 4 huyện Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn và Bắc Trà My. Đến nay tổng diện tích cao su của công ty là hơn 4.570ha; trong đó tại Nam Giang khoảng 1.336ha, Phước Sơn 93,6ha, Tây Giang 2.120ha, Bắc Trà My 1.019ha.

Công ty đang giải quyết việc làm cho hơn 3.000 người lao động; 3.151 hộ nhận khoán là người đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng nguồn vốn công ty đã đầu tư đến 31.10.2019 là 530 tỷ đồng, suất đầu tư bình quân hơn 115 triệu đồng/ha; diện tích cao su đã khai thác mủ 977ha. Sản lượng mủ khai thác đầu năm 2019 đến nay hơn 699 tấn, đạt doanh thu 20,7 tỷ đồng (giá bán bình quân 32 triệu đồng/tấn).

Thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên, người lao động của công ty hiện nay gần 4 triệu đồng/người/tháng. Đối với các hộ nhận khoán đủ 3 phiên cạo (từ 28 – 30 công/tháng) có thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang chia sẻ về hoạt động sản xuất và giải đáp kiến nghị của công nhân, hộ nhận khoán cao su. Ảnh: VINH ANH
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang chia sẻ về hoạt động sản xuất và giải đáp kiến nghị của công nhân, hộ nhận khoán cao su. Ảnh: VINH ANH

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang nêu lên một số khó khăn trong hoạt động sản xuất và mong muốn chính quyền, Mặt trận, đoàn thể ở các địa phương vào cuộc cùng công ty tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia sản xuất và thu hoạch mủ cao su. Bởi hiện nay, khoảng 75,5ha cao su tại khu vực thôn Lao Đu (xã Phước Xuân), 46ha tại xã A Vương và 73ha tại thôn 3B (xã Trà Giác), người dân có hiện tượng bỏ vườn, không chịu khai thác mủ.

Trong khi đó, một bộ phận lớn người dân trong vùng dự án cao su còn chưa nhận thức đầy đủ về hiệu quả bền vững của cây cao su mang lại. Những hộ không ra vườn thu hoạch mủ không chịu bàn giao vườn cây cho hộ khác; nhiều hộ không chịu nhận thêm vườn cây để khai thác tăng thu nhập…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca nhấn mạnh chủ trương đưa cây cao su vào Quảng Nam là đúng đắn. Tuy nhiên, do những năm qua, giá mủ cao su trên thị trường giảm mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của công ty và thu nhập của công nhân, người dân làm cao su

Trước đó, đoàn công tác đi thực tế tại vườn cao su lúc 5 giờ sáng để tìm hiểu quá trình cạo mủ của người dân. Ảnh: VINH ANH
Trước đó, đoàn công tác đi thực tế tại vườn cao su lúc 5 giờ sáng để tìm hiểu quá trình cạo mủ của người dân. Ảnh: VINH ANH

Về thực trạng người dân một số địa phương không chịu khai thác mủ cao su, ông Võ Xuân Ca đề nghị sau buổi làm việc này, các cơ quan Dân vận, Mặt trận, Nông dân, Phụ nữ ở các địa phương phải triển khai ngay chương trình cụ thể, bằng mọi cách vận động nhân dân tích cực ra vườn, khai thác mủ.

Ông Võ Xuân Ca đề nghị Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang phối hợp chặt chẽ hơn với hệ thống Dân vận, Mặt trận, đoàn thể trong việc cung cấp thông tin về những khó khăn, thuận lợi trong hoạt động sản xuất, để các cơ quan phối hợp tuyên truyền, vận động người dân hiệu quả hơn. Trong lúc giá mủ cao su còn thấp, phía công ty cần tuyên truyền để bà con nhân dân vùng trồng cao su hiểu và chia sẻ khó khăn với công ty…

Theo VINH ANH (Báo Quảng Nam)

http://www.baoquangnam.vn/chinh-tri/201911/phoi-hop-tuyen-truyen-van-dong-nguoi-dan-tham-gia-san-xuat-va-thu-hoach-mu-cao-su-881765/