Cảnh báo bệnh rụng lá Pestalotiopsis trên vườn cây cao su

CSVNO – VRG vừa có thông báo về việc cảnh báo bệnh rụng lá Pestalotiopsis (viết tắt là Pesta) trên vườn cây cao su đến các đơn vị thành viên. Thông báo cũng được gửi đến  Sở NN&PTNT các tỉnh, Hiệp hội Cao su Việt Nam và các cơ quan báo chí đưa tin cảnh báo về dịch bệnh tới bà con nông dân.
Triệu chứng bệnh rụng lá
Triệu chứng bệnh rụng lá Pestalotiopsis

Theo đó trong thời gian qua, bệnh rụng lá  Pestalotiopsis đã bùng phát trên diện rộng nhiều diện tích cao su tại Indonesia, Malaysia, Sri Lanka và Thái Lan gây rụng lá nặng nề và sụt giảm sản lượng đáng kể trên vườn cây. VRG thông báo đến các đơn vị về triệu chứng nhận diện bệnh rụng lá và biện pháp kiểm soát được áp dụng tại các quốc gia có diện tích cao su đã nhiệm bệnh.

Bệnh rụng lá Pestalotiopsis (Pestalotiopsis Leaf Fall) là loại bệnh gây ra bởi nấm Pestalotiopsis sp. Bệnh có thể tấn công lá, chồi, cành, quả và hạt nhưng chủ yếu là ở trên lá trưởng thành. Triệu chứng ban đầu là những đốm nhỏ màu nâu sẫm với quầng sáng màu vàng, sau đó vết bệnh mở rộng thành những đốm màu gỉ sắt hoặc nâu sáng có hình tròn hoặc như vảy cá. Các đốm khác nhau về kích thước có thể nằm riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau để tạo thành những đốm lớn hơn. Trên lá có thể chỉ có một đốm hoặc lên tới vài chục đốm. Bệnh có thể gây rụng từ 50% đến toàn bộ tán lá và gây sụt giảm sản lượng đến 50%.

Tính đến 31/10, tổng diện tích cao su tại các quốc gia bị nhiễm bệnh là 406.890 ha trong đó Indonesia nhiễm trên 387.000 ha, Malaysia khoảng 3.000 ha, Thái Lan khoảng 16.000 ha, Sri Lanka 1.000 ha. Qua khảo sát cho thấy, bệnh có thể gây rụng từ 50 -90% tán lá, làm sụt giảm từ 15-50% sản lượng và sự sụt giảm này sẽ tăng dần hàng năm. Cho đến nay bệnh chưa được báo cáo phát hiện tại Việt Nam, tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng bệnh đã xuất hiện nhưng chưa được phát hiện do nhầm lẫn với các loại bệnh khác đang phổ biến.

Hiện các nước đang thử nghiệm một số loại thuốc trừ nấm như hexaconazole (Indonesia); Chlorothalonil; Mancozeb; Propineb; Propiconazole (Malaysia); Hexaconazole (Sri Lanka). Bước đầu cho thấy các thuốc nêu trên có khả năng khống chế bệnh, ngoài ra cần thực hiện các biện pháp canh tác bổ sung như làm cỏ, bón phân trên vườn cao su bị nhiễm bệnh.

VRG đã có thông báo đính kèm các thông tin về bệnh rụng lá Pesta để các đơn vị sớm nhận biết khi bệnh gây hại trên vườn cây. Để có biện pháp quản lý phù hợp và kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do bệnh gây ra, Tập đoàn thông báo đến các đơn vị khẩn trương tiến hành các công việc sau:

Các đoàn công tác đến các vùng có bệnh tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Sri Lanka cần lưu ý không để thân thể, quần áo, giày dép, vật dụng cá nhân tiếp xúc với vết bệnh hoặc nguồn bệnh từ cây cao su để ngăn chặn, hạn chế sự xâm nhập của bệnh vào Việt Nam. Tuyệt đối không mang những bộ phận của cây cao su và nguồn nấm bệnh từ nước ngoài về Việt Nam; giặt và làm vệ sinh sạch sẽ quần áo, giày dép, vật dụng cá nhân đã sử dụng khi đi vào vùng bệnh; không đi vào vườn cây cao su trong nước ít nhất 3 ngày sau khi về Việt Nam.

Tiếp tục thực hiện điều tra trên vườn cây KTCB, vườn cây khai thác, vườn ươm, vườn nhân, nếu phát hiện vườn cây có triệu chứng bệnh tương tự cần báo cáo ngay cho Ban Quản lý Kỹ thuật và Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam.

Ngoài ra, các đơn vị thành viên cần chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh hỗ trợ các hộ tiểu điền, tổ chức trồng cao su tại các địa phương để chủ động trong công tác nhận dạng phát hiện bệnh.

VRG cũng thông báo tình hình bệnh rụng lá Pesta đến Hiệp hội Cao su Việt Nam, Sở NN&PTNT các tỉnh đề nghị thông báo rộng rãi đến các đơn vị thành viên và đối tác của Hiệp hội, các hộ tiểu điền, các tổ chức trồng cao su trên địa bàn các tỉnh. Nếu phát hiện vườn cây có triệu chứng bệnh tương tự xin chụp ảnh vết bệnh và gửi hình ảnh, báo cáo về địa chỉ email qlkt@rubbergroup.vn, nnkhiem@rubbergroup.vn, anhnghia@gmail.com để tiến hành các bước xác minh tiếp theo.

TCCS