Tổng kết Cuộc thi sáng tác “Tự hào 90 năm truyền thống ngành cao su”

CSVN – Kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành cao su Việt Nam (28/10/1929 – 28/10/2019), Tạp chí Cao su VN đã tổ chức Cuộc thi sáng tác “Tự hào 90 năm truyền thống ngành cao su”. Trong thời gian diễn ra cuộc thi (15/6/2018 – 1/10/2019), BTC đã nhận được 141 bài dự thi (văn xuôi và thơ) của 86 tác giả trong và ngoài ngành gởi về. Trong đó có 40 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, kết quả có 15 tác phẩm đạt giải.
Ảnh: Bùi Việt Hưng
Thu hoạch trên vườn cây xen canh. Ảnh: Bùi Việt Hưng
“Cuộc tình” khăng khít, vững bền

Điều mà BTC ghi nhận được từ các bài viết gởi về tham dự cuộc thi là những dòng cảm xúc chân thành, mộc mạc thể hiện lòng tự hào về truyền thống ngành cao su, tình yêu ngành yêu nghề, vững niềm tin, yên tâm gắn bó, chung sức đồng lòng xây dựng ngành phát triển.

Thật xúc động khi có anh công nhân ví 90 năm truyền thống của ngành với 20 năm gắn bó đời thợ. Tuy không dài nhưng “cuộc tình” của người với cây thật khăng khít, vững bền. Đáng trân quý là “cuộc tình” như “chất keo” kết dính cả ngay thời điểm khó khăn nhất: “Giá bán thì thấp, công tác tiêu thụ lại không thuận lợi, trong khi giá cả các vật tư phục vụ sản xuất liên tục tăng cao…Đứng trước thực tế đó, ngành cao su chúng ta đã có nhiều nội dung phát động thi đua, từ đó rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật … thu nhập cho người lao động được cải thiện đáng kể, từ đó người lao động mới yên tâm công tác, gắn bó và cống hiến, yêu ngành, yêu nghề” (Nghề chọn người hay người chọn nghề – Bùi Minh Phú)

Trong muôn vàn thử thách nhưng NLĐ vẫn lạc quan, yêu đời, tếu táo bằng những câu chuyện hài hước, vững tin vào tương lai bởi “đất không phụ lòng người”. Hơn thế nữa họ còn nhận được sự đồng hành chia sẻ kịp thời của các cấp lãnh đạo, của cán bộ Công đoàn: “Cứ yên tâm. Năm ni cây sẽ cho mủ ổn định, vì ta đã cạo năm thứ ba rồi… Để năm thứ ba trở đi, muốn mủ nhiều và ổn định, thì hai mùa cạo trước, bắt buộc người thợ cạo phải làm và tuân thủ thật ngặt nghèo về qui trình kỹ thuật cạo. Đặc biệt là nhát cạo đồng nhất, không phạm vào lớp da lụa trong cùng của thân gỗ. Hơn nữa, bình quân mỗi cây một lạng mủ, thì thoải mái mua xăng mà đi làm, chị em cố gắng lên” (Những mùa lộc khát -Nguyễn Đình Hạnh).

Không tô hồng cuộc sống, mà nhìn thẳng sự thật, những khó khăn mà ngành đang đối mặt. Đó là sự dịch chuyển lao động, hiện tượng “chảy máu chất xám”, những toan tính được, mất… có người đã trả phần cây, xin nghỉ tìm việc làm mới nhưng “người cao su tình nghĩa” níu chân, họ lại trở về: “Hai bên đường là những hàng cây cao su thẳng tắp với những ánh đèn công nhân cạo mủ lấp loáng, có lẽ vợ nó cũng đang cạo mủ ở đó, nó hiểu rằng đã tới đầu làng, đã tới đội. Nó lấy ba lô rồi xuống xe, cơn gió se lạnh buổi bình minh thổi qua, làm nó cảm thấy thư thái, dễ chịu, không giống như không khí ngột ngạt, chật hẹp, bức bối chốn thị thành… Nó hiểu rằng, lương cao hay thấp không phải sự so sánh đơn giản của phép tính trừ”(Trở về – Lưu Văn Phiên).

Một điều dễ nhận thấy, trong các tác phẩm gởi về tham dự cuộc thi, người đọc cảm nhận được sự suy tư trăn trở: “Mấy năm nay ở cái làng này, cao su rớt giá, hồ tiêu chết trắng trụ, cà phê làm khéo lắm mới dư chút ít, tín dụng đen bủa vây khắp làng…”. Thế nhưng cây cao su như có phép màu đã làm thay đổi “nếp nghĩ” của bà con, họ đến với cây cao su như một lẽ tự nhiên: “Trong những năm gần đây ngày càng có nhiều con em của làng làm việc trong công ty cao su, nhờ vậy đời sống vật chất và tinh thần của họ và gia thuộc không ngừng được nâng cao, đi kèm với đó là việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tác phong công nghiệp trong lao động được bà con áp dụng, học hỏi lẫn nhau trong quá trình làm việc” (Làng A Ma Toa – Mai Văn Cường).

Khao khát dâng đời dòng nhựa trắng tinh khôi

Niềm tin và khát vọng vào tương lai có thể dễ dàng bắt gặp trong những bài thơ gởi về tham dự cuộc thi. Chất trữ tình chính trị thể hiện trong cảm xúc tuôn trào tự hào 90 truyền thống Phú Riềng Đỏ hào hùng, chói lọi qua “Cao su 90 năm ngày truyền thống” của tác giả ĐặngVăn Lệ:

“Đã qua rồi tháng ngày, bao cuộc chiến

Vẫn còn đây trang lịch sử hùng anh

Máu thịt hóa thân, cho cành lá tươi xanh

Ươm giống đỏ, trưởng thành nên danh thế”.

Qua rồi những tháng ngày “thân tàn, lực kiệt” “đói khát cơ hàn”, người công nhân đã đứng lên làm cuộc cách mạng, làm chủ cuộc đời mình, làm chủ vườn cây, nhà máy… họ trở thành những người thợ giỏi khơi dòng nhựa trắng làm giàu cho Tổ quốc, quê hương.

Kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang của cha ông để vững tin vào “nắng mới”. Đó cũng chính là cảm xúc trữ tình mang tính triết lý của anh Trịnh Anh Tuấn trong “Lời từ đất Mẹ”:

“Nắng lên Dầu Tiếng, niềm tin mới

Dòng nhựa hay dòng nốt nhạc vui

Đường lô chân mẹ thời in dấu

Con ướm theo sau những cuộc đời”.

Niềm vui có từ lao động, hạnh phúc nở hoa ngay trong vất vả, gian truân. Hình ảnh người thợ cạo thật kỳ diệu, dưới mưa lạnh bỗng trở thành hình tượng đóa hoa bừng sáng. Nỗi lo lắng vì mủ ướt và cả “ướt em” thật cảm động qua bài thơ “Hoa cao su trong mưa” của anh Nguyễn Quang Liêm:

“Cây cao su còn có máng chắn mưa

Từng tô mủ có tấm che chắn nước

Sao em không mặc áo mưa khỏi ướt

Khiến cho anh thêm lành lạnh, bâng khuâng”.

Niềm tin vào quy luật “Hết mưa là nắng hửng” giúp người lao động vững lòng, hăng say, nhiệt huyết với công việc. Và niềm vui chỉ có được trong lao động, khẽ khàng chạm tới những cảm xúc lãng mạn, dễ thương, lòng người xôn xao cho một mùa cạo mới:

“Khi con thơ còn say những lời ru

Chú dế nhỏ dường như ca chưa đủ

Em thức dậy cùng anh đi cạo mủ

Khơi cho cuộc đời giọt vàng trắng yêu thương”.

(Hương mủ – Lê Văn Đại)

Điều đặc biệt tại cuộc thi này, thể loại ký và truyện ngắn đã khẳng định chỗ đứng vững vàng, phản ánh chân thực cuộc sống và con người trong thời điểm “có vấn đề” để tìm ra hướng giải quyết, hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Nhiều bài viết có chiều sâu, lối viết chuyên nghiệp, hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc.

Tuy nhiên số lượng bài viết gởi về tham dự cuộc thi chưa nhiều, vẫn còn nhiều bài viết dàn trãi, mờ nhạt; cảm xúc khiên cưỡng gò ép, chân dung nhân vật chưa có dấu ấn, nhiều bài có tính phát hiện nhưng lại “phạm quy”…

Cuộc thi khép lại, âm hưởng của Phú Riềng Đỏ vẫn vang vọng, hình tượng NLĐ với tinh thần cống hiến, lao động hăng say, sáng tạo lan tỏa, nhân rộng lẽ sống đẹp, niềm tin và khát vọng. Hẹn các bạn trong những cuộc thi mới!

BTC

KẾT QUẢ:

  1. Văn xuôi
  • Giải nhất: Những mùa lộc khát (Nguyễn Đình Hạnh Đội cao su Hương Thọ, Cao su Hương Khê Hà Tĩnh)
  • Giải nhì: Trở về (Lưu Văn Phiên – Nông trường Thanh Bình, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông)
  • Giải ba:

+ Làng A Ma Toa (Mai Văn Cường – Công ty CP Cao su Chư Prông – STung Treng)

+ Tiếng hát bên vườn cao su (Hoàng Đỗ Phương Hồng Hạnh – Công ty TNHH Cao su Việt Lào)

  • Giải khuyến khích:

+ Người chọn cao su phát triển sự nghiệp (Nguyễn Văn Cải – Bà Rịa Vũng Tàu)

+ Nghề chọn người hay người chọn nghề (Bùi Minh Phú – Công ty CP Cao su Sa Thầy)

+ Nghĩa tình đất mẹ Bình Long (Nguyễn Bảo – Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long)

  1. Thơ:
  • Giải nhất: Cao su 90 năm truyền thống ( Đặng Văn Lệ – Công ty CP Cao su Đồng Phú)
  • Giải nhì: Lời từ đất Mẹ (Trịnh Anh Tuấn – Nông trường cao su Bến Súc – Cao su Dầu Tiếng)
  • Giải ba:

+ Hoa cao su trong mưa (Nguyễn Quang Liêm – Nông trường Hàng Gòn, Cao su Đồng Nai)

+ 90 năm Phú Riềng Đỏ (Đỗ Văn Tân – Bình Thạnh, TP. HCM)

  • Giải khuyến khích:

+ Bài ca người mở đất (Nguyễn Sỹ Vui – Đăk Đoa Gia Lai)

+ Nắng lên đồi Xuân biếc dòng nhựa trắng (Nguyễn Trọng Đồng – Krông Năng, Đăk Lăk)

+ Hương mủ cốm (Đỗ Văn Thọ – Nông trường Minh Tân – Cao su Dầu Tiếng)

+ Hương mủ (Lê Văn Đại – Nông trường Mường Bú, Cao su Sơn La)