CSVN – Mỗi hiện vật, mỗi tấm ảnh trưng bày tại nhà truyền thống là một câu chuyện kể đầy sinh động về những đóng góp lớn lao của các thế hệ cán bộ, công nhân cao su (CNCS) đối với lịch sử hình thành và phát triển ngành.
Khắc họa truyền thống hào hùng
Nhà truyền thống CNCS Đồng Nai được thành lập ngày 1/9/1985, tọa lạc trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa Suối Tre – TCT Cao su Đồng Nai. Nơi đây lưu giữ nhiều tài liệu, hình ảnh, hiện vật quý về phong trào đấu tranh của CNCS Đồng Nai, những cuộc nổi dậy chống lại áp bức bóc lột, cùng với các giai cấp khác đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tính đến năm 2019, TCT Cao su Đồng Nai có bề dày lịch sử 44 năm xây dựng và phát triển, những dấu mốc đánh dấu chặng đường chuyển mình, phát triển đều được thể hiện rõ nét tại Nhà truyền thống.
Ngoài phòng đầu, Nhà truyền thống được chia làm 4 phòng trưng bày tương ứng với 4 giai đoạn lịch sử: CNCS Đồng Nai trước Cách mạng Tháng 8 (1906 – 1945); CNCS Đồng Nai trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954); CNCS Đồng Nai trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975); CNCS Đồng Nai trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN (từ 1975 đến nay).
Chịu trách nhiệm giới thiệu nhà truyền thống khi có các đoàn khách đến tham quan, chị Trương Thị Ái Duyên chia sẻ: “Đảm nhận việc này đã lâu nhưng mỗi khi giới thiệu để mọi người hiểu hơn về truyền thống CNCS, tôi đều có những cảm xúc khác nhau, tự hào và thiêng liêng. Truyền thống hào hùng của CNCS Đồng Nai như là lời nhắc nhở, động viên, khích lệ tinh thần lớp trẻ chúng tôi phải biết phấn đấu, ra sức thi đua, hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao, xứng đáng là thế hệ kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống mà cha anh để lại”.
Trong Nhà truyền thống, những hình ảnh, hiện vật, mô phỏng cảnh đàn áp đánh đập của chủ Tây đối với CNCS như những thước phim quay chậm về tình cảnh, đời sống của CN trong các đồn điền cao su. Có đàn áp, có đấu tranh, tư liệu lịch sử cũng đã có những trang ghi lại những cuộc đấu tranh hào hùng của CNCS Đồng Nai. Từ cuộc đình công của CNCS Biên Hòa năm 1930, đông đảo lực lượng CNCS tham gia Tiểu đoàn vận tải 320, công tác chuẩn bị cho trận đánh Chi khu Đức Thạnh, ráo riết chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân năm 1968… đều khắc họa rõ nét tinh thần quật cường, vùng lên đòi độc lập tự do của CNCS thời bấy giờ.
Hàng năm, Nhà truyền thống đón nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm. Tháng 9 vừa qua, ngài Keo Baphnom – Bộ trưởng Vương quốc Campuchia đã đến thăm Nhà truyền thống CNCS Đồng Nai, ngài đã đánh giá cao việc giữ gìn tư liệu truyền thống quý giá của TCT và nhấn mạnh: “Những tư liệu này sẽ giúp cho ban biên soạn củng cố và bổ sung thêm tư liệu lịch sử cách mạng Việt Nam – Campuchia sắp tới được ra mắt”.
“Công trình văn hóa có ý nghĩa rất lớn”
Nhà truyền thống Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, được thành lập năm 1987, trước đây nằm ở khu nhà do Pháp xây dựng tại trung tâm làm việc của công ty bây giờ. Nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập công ty, lãnh đạo đã có chủ trương xây dựng Nhà truyền thống mới tại Trung tâm văn hóa thể thao công ty và được khánh thành ngày 21/5/2001 để cho nhân dân đến tham quan và tìm hiểu về lịch sử của công ty. Nơi đây trưng bày 377 hình ảnh và 121 hiện vật, được chia làm bốn khu vực trưng bày.
Bên cạnh Nhà truyền thống, tháng 10/2010, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã khởi công xây dựng trên lô 50, làng 14, NT Trần Văn Lưu, Khu trung bày di tích lịch sử làng cao su thời Pháp thuộc, được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 5/2011. Trong Khu trưng bày có nhiều hiện vật giá trị được sưu tầm nguyên bản như: 3 căn nhà ở của công nhân công tra xưa (2 xây bằng đá, 1 bằng gạch), được làm trong những năm 1925 – 1935; một nhà máy chế biến mủ tờ “mi ni” được dời một phần từ nhà máy ở trung tâm công ty do người Pháp để lại, kèm theo một máy bửa củi để lấy củi đưa vào lò xông; 1 căn nhà trưng bày những hình ảnh, hiện vật quí như những khuôn đúc làm tô mủ, thùng trút mủ thời trước.
Đáng chú ý nhất là Khu trưng bày nằm trong vườn cao su được trồng từ những năm 1920, với hàng trăm cây cao su già cỗi vẫn còn lưu dấu những vết hằn từ đường dao cạo mủ của phu công tra xưa. Xung quanh vườn cây là hình tượng những người công nhân đang đứng cạo mủ, tay xách thùng, lao động với những công cụ thô sơ. Ngoài ra còn nhiều hình tượng, cảnh tượng diễn tả, minh họa lại về những sinh hoạt trong cuộc sống người công nhân xưa… Ông Võ Minh Mẫn, nguyên Phó TGĐ Công ty Dầu Tiếng cho biết: “Đây là một công trình văn hóa có ý nghĩa rất lớn về mặt lịch sử, để cho con cháu mai sau ghi nhớ, cuộc sống cơ cực và công lao của người công nhân cao su thời Pháp thuộc”.
Phòng truyền thống Cao su Phú Riềng khởi công ngày 12/11/2010 và đầu năm 2011 hoàn thành. Phòng rộng hơn 70 m2, được bày trí theo các chủ đề: Quá trình xây dựng và phát triển của công ty; những thành tựu trong lao động – sản xuất kinh doanh – đời sống; lãnh đạo công ty qua các thời kỳ; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm công ty; thành tích của công ty qua các thời kỳ; các đơn vị trực thuộc công ty…
Ông Văn Tài Anh – Trưởng phòng Thi đua Tuyên truyền Văn thể Cao su Phú Riềng, phụ trách Phòng truyền thống, cho biết: “Phòng truyền thống mới được tu sửa để chào mừng kỉ niệm 90 năm truyền thống ngành cao su VN. Trên nền tảng tư liệu truyền thống đã có, Phòng Thi đua Tuyên truyền Văn thể bổ sung những tư liệu, hình ảnh mới. Quá trình xây dựng và phát triển của công ty được khắc họa rõ nét qua các tư liệu lịch sử. Lãnh đạo công ty luôn khuyến khích NLĐ, thế hệ trẻ tham quan, tìm hiểu lịch sử đơn vị được lưu trữ trong phòng truyền thống”.
HÀ KHUÊ – TUỆ LINH – QUANG MINH
Related posts:
- Nguyễn Thành Công - Hết lòng vì công nhân
- Người công nhân luôn hết mình vì công việc
- Có dịch là xách ba lô đi "trực chiến"
- Truyền thống gia đình là động lực phấn đấu
- Trần Bá Hải – Vượt khó thực hiện ước mơ
- Tào Văn Sòn - Người tâm huyết với cây cao su
- Nghĩa tình keo sơn 4 thế hệ
- "Cao su luôn là mái nhà chung ấm áp tình người"
- Đổi đời khi vào vùng cao su lập nghiệp
- Nên giảm suất đầu tư xây dựng nhà máy chế biến