Anh hùng Lao động Lê Văn Khoa: Bản lĩnh trên mọi mặt trận

CSVN – “Đánh trận và làm kinh tế vốn được coi là hai công việc có nhiều sự khác biệt. Cũng vì vậy mà trên thực tế, ta thường gặp nhiều người đánh giặc giỏi nhưng lại không thành công khi chuyển sang làm kinh tế và ngược lại. Nhưng ông Năm Khoa là trường hợp một trong số ít đều giỏi cả hai khía cạnh trên”.
Ông Lê Văn Khoa thay mặt CTCS Dầu Tiếng nhận Cúp vàng chất lượng tại Pháp. Ảnh: CTV
Ông Lê Văn Khoa thay mặt CTCS Dầu Tiếng nhận Cúp vàng chất lượng tại Pháp. Ảnh: CTV
Bản lĩnh người lính trên thương trường

Đây là trích dẫn lời mở đầu trong cuốn hồi ký “Từ chiến trường đến thương trường” do PGS – TS Hồ Sơn Đài viết về ông Lê Văn Khoa (tên thân mật mà mọi người hay gọi là Năm Khoa) – nguyên Bí thư Đảng ủy, TGĐ Công ty Cao su Dầu Tiếng.

Một ngày đầu thu, chúng tôi đến Khu trưng bày Di tích lịch sử làng công nhân cao su thời Pháp thuộc của Cao su Dầu Tiếng để gặp và trò chuyện về cuộc đời của ông, về truyền thống Cao su Dầu Tiếng và truyền thống ngành cao su Việt Nam.

Có lẽ không cần phải nhắc quá nhiều đến tiểu sử của ông Năm Khoa, bởi từ trước đến nay những ai đã và đang công tác trong ngành đều ít nhiều nghe đến tên ông. Ông là một trong bốn người được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng Lao động của ngành cao su. Ông Năm Khoa sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Dầu Tiếng, Bình Dương. Tham gia cách mạng bí mật từ khi còn rất trẻ, sau giải phóng ông về công tác tại Trường Sĩ quan lục quân 2 tại Đồng Nai.

Năm 1981, ông chuyển ngành về quê hương Dầu Tiếng để được chăm sóc mẹ già và cống hiến cho nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Lúc bấy giờ có khá nhiều lời mời ông về làm việc, thế nhưng ông quyết định chọn gắn bó với ngành cao su. Có thể nói, chính ngã rẽ ngày đó đã làm nên tên tuổi của một Năm Khoa dù trong chiến trường hay thương trường đều bản lĩnh, quyết đoán, không tư lợi cá nhân, tất cả vì sự phát triển của đơn vị.

Hơn 30 năm đóng góp cho ngành, từ vị trí đầu tiên là Phó Thư ký công đoàn, Thư ký công đoàn, Phó GĐ phụ trách nông nghiệp rồi đến GĐ Cao su Dầu Tiếng, ông là một trong những cánh chim đầu đàn có nhiều đóng góp vào sự phát triển của một đơn vị lớn trong ngành, đưa công ty lên một vị thế mới.

Những lãnh đạo ngành và lãnh đạo Cao su Dầu Tiếng ngày đó luôn ấn tượng bởi một hình ảnh của Năm Khoa táo bạo, quyết liệt, có nhiều cách làm mới có lợi cho đơn vị, cho NLĐ và cho ngành cao su. Có người nói “ông nhiều chuyện quá” khi ông tiên phong đề xuất những cách làm mới. Ấy nhưng ông vẫn tranh luận, bảo vệ quan điểm của mình và thuyết phục cấp trên đồng ý triển khai áp dụng trong thực tiễn. Cao su đi vào thời kỳ khai thác, sản lượng hàng năm tăng lên nhiều nhờ mở rộng diện tích khai thác, ông cân nhắc tìm nguồn vốn xây dựng nhà máy chế biến. Rồi chính ông cũng một mình một chiến tuyến để thuyết phục lãnh đạo Tập đoàn nơi vay vốn có hiệu quả nhất cho công ty.

Không chỉ với đơn vị mà với những chủ trương lớn của ngành, ông xông pha nhiệt tình, là thành viên chủ chốt trong đoàn công tác lên đàm phán với địa phương để mở công ty cao su tại Krông Buk và Chư Sê theo chủ trương “gà mẹ đẻ gà con” của Tổng cục cao su. Không chỉ đồng hành giai đoạn đầu mà ông còn như một người bạn, người anh thân thiết sẵn sàng hỗ trợ anh em gặp khó khăn. Khi chương trình phát triển cao su tại Lào và Campuchia được triển khai, ông được lãnh đạo VRG tin tưởng giao nhiệm vụ kết nối, trực tiếp làm việc với lãnh đạo nước bạn. Hôm nay, khi ngành cao su phát triển trên khắp mọi miền đất nước, sang tận nước bạn Lào, Campuchia, một người cán bộ có nhiều năm đóng góp cho màu xanh cao su cảm thấy hạnh phúc, vui mừng.

Ông Lê Văn Khoa trò chuyện với thế hệ trẻ Cao su Dầu Tiếng về truyền thống hào hùng của công nhân cao su.
Ông Lê Văn Khoa trò chuyện với thế hệ trẻ Cao su Dầu Tiếng về truyền thống hào hùng của công nhân cao su.
Chủ động tìm đến khách hàng

Trong nhiều đóng góp của ông, mọi người vẫn thường hay nhắc đến ông là người có công đầu trong việc đưa sản phẩm Cao su Dầu Tiếng ra thị trường thế giới. Là người đứng đầu đơn vị, ông luôn trăn trở làm sao để đơn vị mình phát triển bền vững, không đơn thuần là làm ra bao nhiêu bán được bấy nhiêu mà là “tạo giá trị bền vững, giữ chữ tín,

chất lượng sản phẩm là vấn đề sống còn, dù giá có cao nhưng chất lượng tốt thì khách hàng vẫn tìm đến mình”. Dẫu con đường đi nhiều chông gai và trở ngại,  thế nhưng, tinh thần người lính và bản lĩnh người đứng đầu không gì có thể lay chuyển ý chí của ông.

Ông là người mạnh dạn tiên phong trong việc chủ động đăng ký thực hiện sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO. Năm 1999, sản phẩm của Cao su Dầu Tiếng là đơn vị đầu tiên trong ngành và là đơn vị thứ 24 của Việt Nam được chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO của Tổ chức ISO thế giới. Ông trực tiếp đi thăm các nhà máy sản xuất để học hỏi xem người ta làm như thế nào, ông cũng không ngần ngại trực tiếp đem sản phẩm của mình ra chào với các bạn hàng các nước trên thế giới. Bởi triết lý kinh doanh ông đúc kết được đó là “Không thụ động ngồi một chỗ chờ người ta tìm đến, sản xuất những sản phẩm đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của khách hàng” .

Nhờ những mạnh dạn, những quyết sách trong sản xuất sản phẩm vào chào bán sản phẩm với các bạn hàng, đối tác trên thế giới, thời điểm đó giá xuất khẩu sản phẩm của Cao su Dầu Tiếng cao hơn so với các đơn vị khác 30USD/tấn nhưng nhiều bạn hàng vẫn tìm đến, bởi nơi ấy có một ông Năm Khoa có “cái tầm, cái tâm và đầy uy tín, trách nhiệm”. Từ nền tảng đó đến nay, cao su Dầu Tiếng luôn chủ động trong sản xuất các chủng loại sản phẩm chất lượng cao, phát huy là đơn vị có sản lượng xuất khẩu lớn trong ngành.

Khó khăn sẽ giúp ngành trưởng thành

Không chỉ tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh, trong suốt thời gian gắn bó với Cao su Dầu Tiếng, ông là người lãnh đạo gương mẫu, gắn bó với NLĐ.

Nghỉ hưu đã 12 năm nhưng ông vẫn tâm huyết, vẫn “máu” cao su, ông vẫn hướng dẫn tận tình mỗi khi có đơn vị gặp khó khăn hỏi xin ý kiến. Dẫn chúng tôi đi dưới những tán cây trong Khu trưng bày, ông vẫn nhớ từng chi tiết về vườn cây, về những hoạt cảnh được Cao su Dầu Tiếng phục dựng lại. Ngày trước, ông kiên quyết giữ vườn cây bảo tồn này để “Giáo dục tư tưởng, truyền thống ngành cho thế hệ con cháu mai sau bởi đây là việc làm rất ý nghĩa”.

Nói về truyền thống 90 năm ngành cao su, ông chia sẻ: “Trong thời kỳ kháng chiến, công nhân cao su đã có nhiều đóng góp trong việc đấu tranh, giành lại độc lập. Hiện nay công nhân cao su cũng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Vì vậy, để tiếp nối những giá trị truyền thống tốt đẹp của ngành, bên cạnh việc phát triển, làm tốt những ngành nghề được cho phép, Tập đoàn cần phải chăm lo đời sống, nâng cao thu nhập cho NLĐ để giữ họ gắn bó. Dù cho ngành cao su đang còn khó khăn nhưng hãy tin tưởng rằng nhờ khó khăn sẽ giúp ngành trưởng thành, phát triển vững vàng”.

HÀ KHUÊ