CSVN – Có một người phụ nữ gắn bó với ngành cao su từ khi rời giảng đường đại học cho đến ngày nghỉ hưu. Những trăn trở về sự phát triển của ngành, tâm huyết với những bước đi, đổi mới của ngành vẫn còn đó. Về hưu tròn 17 năm nhưng bà vẫn thường xuyên dõi theo những thông tin về ngành trên các phương tiện truyền thông đại chúng và có những đóng góp ý kiến với lãnh đạo VRG về chiến lược phát triển lâu dài của Tập đoàn.
“Nặng nợ với nông nghiệp”
Người mà chúng tôi nhắc đến đó là bà Nguyễn Thị Huệ – Nguyên Ủy viên HĐQT TCT Cao su Việt Nam. Chúng tôi có cuộc hẹn với bà buổi chiều đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, bà thoải mái chia sẻ như những người trong gia đình. Là một người có nhiều đóng góp, cống hiến cho ngành, đặc biệt là ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật, bà được mọi người trân quý. Ít ai biết rằng, người phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn ấy lại không có việc gì cản trở được bà, và cũng ít ai biết rằng vì danh dự, vì tiếng nói của ngành cao su Việt Nam, bà đã quyết tâm tự vươn lên trong học tập, đạt học vị tiến sĩ để có thể ngang hàng với các chuyên gia về cao su trên thế giới khi tham dự các hội thảo.
Vào nghề khi còn rất trẻ, giữa hàng chục sinh viên học nông nghiệp, ông giáo sư người Pháp chỉ mời mình bà về làm việc tại Long Khánh, Đồng Nai. Người con gái Sài Gòn chưa từng biết về cây cao su quyết định xa gia đình lên tận Long Khánh làm việc. Sau giải phóng bà về làm cán bộ kỹ thuật của TCT CS Việt Nam, đến năm 1989 bà là Viện phó Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam. Là người có chuyên môn, được đào tạo bài bản, những ý kiến bà đưa ra khi thảo luận, đóng góp cho vấn đề gì đều được đánh giá rất cao.
Bà nói: “Thời điểm đó, Việt Nam đã đi dự các hội thảo quốc tế về phát triển cao su. Ở nước ngoài người ta chỉ giới thiệu những người có chức danh tiến sĩ, giáo sư trở lên. Thấy vậy, tôi nghĩ rằng Việt Nam không thể để thua kém với các nước bạn được nên tôi có trình bày với anh Phan Đắc Bằng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cao su – PV) rằng: “Em nhất định phải có bằng tiến sĩ. Nếu không đạt được học vị tiến sĩ thì em sẽ không đi dự hội nghị quốc tế đâu”. Nói là làm, tôi vừa làm việc, vừa học lên, tự nghiên cứu và bảo vệ đề án của mình. Hồi đó chưa phát triển Internet như bây giờ nên tôi tự học tiếng Anh bằng cách mua đĩa về rồi mày mò, tìm hiểu”. Lấy chồng, có con nhỏ, làm việc nhiều nên có thời gian bà nghỉ gián đoạn 5 năm. Duyên với cao su tưởng chừng như đứt quãng, có một tiệm tạp hóa nhỏ, bà ở nhà vun vén chăm sóc gia đình và lo cho hai con còn nhỏ. Bà tâm tình: “Phụ nữ khi có gia đình rồi nhiều việc phải lo, làm cán bộ kỹ thuật nên đi thực tế suốt, đến nỗi mỗi lần có lệnh đi chốt điểm là sợ, vì có khi đi một tuần, hai tuần, có khi là cả tháng. Việc gia đình, việc cơ quan cứ quay mòng mòng, tôi quyết định nghỉ việc để chăm sóc con cái nhà cửa. Sau đó mọi người có hỏi ý kiến tôi và vận động trở vào làm việc, sắp xếp việc nhà ổn định, tôi trở lại cơ quan. Vậy là vẫn còn nặng nợ với nông nghiệp”.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chiến lược phát triển
Trò chuyện say sưa cả buổi chiều, bà kể chúng tôi nghe những kỷ niệm khi còn công tác trong ngành, về những người bạn, anh chị cùng thời, nay khi đã về hưu vẫn thường thăm hỏi nhau. Bà là một trong những cán bộ hưu trí rất quan tâm đến sự phát triển của ngành, thường xuyên đọc tạp chí ngành để nắm bắt thông tin. Trong các dịp kỷ niệm truyền thống ngành, bà đều tham dự và có những ý kiến đóng góp tâm huyết cho sự phát triển của Tập đoàn. Bà cho biết: “Về giá cao su thật ra bây giờ rất khó đoán định, ngoài việc phụ thuộc vào thị trường cung cầu, nó còn tùy vào nhiều yếu tố khác như là các vấn đề chính trị, xã hội trên thế giới. Vì vậy để không bị động trong điều hành SXKD thì Tập đoàn cần phải có những giải pháp. Trong đó tập trung vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chúng ta không thể mãi chỉ dựa vào một mình cây cao su được mà cần phải nghiên cứu trồng thêm nhiều loại cây khác. Cây cao su vẫn là cây chủ lực, có thêm nhiều loại cây khác thì sẽ chủ động hơn. Bên cạnh đó tích cực đầu tư mạnh vào những ngành nghề được Chính phủ cho phép đem lại doanh thu, lợi nhuận cao như khu công nghiệp, các sản phẩm công nghiệp”.
Dõi theo những bước phát triển của Tập đoàn, bà rất vui mừng trước chủ trương chuyển đổi mô hình hoạt động. Tuy nhiên bà nhấn mạnh: “Tập đoàn nên giảm bớt những hoạt động mang tính phi sản xuất, phải tính toán lại bài toán về kinh tế, nâng cao tỉ suất lợi nhuận. 10 năm qua Tập đoàn đã đi đúng hướng trong việc tập trung vào những ngành nghề sản xuất chính, nhưng cần phải đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, phải thực hiện quyết liệt chiến lược đã đề ra. Nguồn lực của Tập đoàn đã tốt rồi muốn thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn nữa thì phải liên kết, hợp tác, mời các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực để cùng thực hiện với Tập đoàn”.
QUỲNH MAI
Related posts:
- “Cần góp sức của tập thể và gia đình để chị em làm tốt công tác”
- Đam mê, sáng tạo nghiên cứu khoa học
- Người lãnh đạo luôn gần gũi công nhân
- Tiến sĩ mê cao su giống
- 15 năm làm đội trưởng
- Người công nhân luôn hết mình vì công việc
- Phạm Duy Vương - Cán bộ Công đoàn hết mình vì công nhân
- "Già làng" trong lòng dân
- "Chiến sĩ áo trắng" ngành cao su: Những kỷ niệm khó quên
- Người "có duyên" với danh hiệu Bàn tay vàng