CSVN – Trân trọng truyền thống vàng son, tự hào về các lớp thế hệ cha ông đã đổ máu xương xây dựng ngành, càng ra sức cống hiến, đưa ngành cao su phát triển lên tầm cao mới. Đây là nghĩa vụ và trách nhiệm của thế hệ NLĐ ngày nay. Tạp chí CSVN ghi nhận ý kiến của NLĐ.
Nguyễn Duy Thái Hà (Cao su Phú Riềng): “Trách nhiệm của thế hệ trẻ”
“Bề dày lịch sử 90 năm của ngành cao su là niềm tự hào vô cùng lớn lao đối với NLĐ toàn ngành nói chung, thế hệ trẻ nói riêng. Là một cán bộ trẻ, bản thân tôi ý thức sâu sắc về trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc bảo tồn truyền thống và phát huy những thành quả đã đạt được, xứng đáng là lớp người kế tục xuất sắc, đáp ứng niềm tin và kỳ vọng của thế hệ đi trước, góp phần xây dựng ngành cao su phát triển bền vững. Tuổi trẻ Cao su Phú Riềng cũng đang ra sức, nỗ lực thi đua lao động sản xuất, thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 41 năm ngày thành lập công ty và 90 năm ngày truyền thống ngành”.
Hoàng Đỗ Phương Hồng Hạnh (Cao su Việt – Lào): “Yêu ngành yêu nghề hơn”
“Đối với tôi, 90 năm truyền thống ngành là một cột mốc đáng nhớ, đó là một sự kiện lớn của ngành đồng thời đánh dấu những bước phát triển của riêng cá nhân tôi. Bản thân tôi cảm thấy rất vinh dự khi được làm việc trong ngành cao su, đặc biệt là được tham gia vào những hoạt động chào mừng 90 năm ngày truyền thống ngành. Thông qua những hoạt động đó, tôi cảm thấy thêm yêu ngành yêu nghề hơn, cảm thấy mình được tiếp thêm năng lượng, có thêm động lực phấn đấu.
Tôi cũng như rất nhiều NLĐ đang làm việc ở Lào mong lãnh đạo ngành quan tâm hơn nữa NLĐ đang công tác ở nước ngoài, về chế độ chính sách, đồng thời có những sự hợp tác, liên kết với các trường học tại đây tạo điều kiện cho con NLĐ trong ngành thuận tiện việc học tập, như vậy NLĐ sẽ an tâm công tác và gắn bó lâu dài với ngành”.
Dương Thị Hiền (Cao su Sơn La): “Thêm động lực để gắn bó”
“Cũng như bao người dân ở Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng, trước năm 2007 khi 70ha cây cao su đầu tiên được trồng thí điểm ở vùng đất Phiêng Tìn thị trấn Ít Ong huyện Mường La – Sơn La, tôi cũng chưa biết cây cao su là cây như thế nào. Sau khi gắn bó với ngành thì càng thêm niềm tin yêu nghề và động lực để tiếp tục đồng hành. Trong thời buổi khó khăn của ngành nói chung và công ty nói riêng, công ty đã tổ chức các đợt sinh hoạt tuyên truyền chính trị sâu rộng trong NLĐ để củng cố và tăng cường niềm tin vào mục tiêu phát triển của ngành. Nhân kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành, NLĐ được tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển cây cao su và truyển thống 90 năm ngành cao su Việt Nam qua chuỗi các hoạt động…Đây là các hoạt động rất ý nghĩa”.
Trần Hoài (Cao su Nghệ An): “Bình tĩnh ứng phó vượt qua khó khăn”
“Ngành cao su có truyền thống vẻ vang gắn liền với công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Hiểu được quá khứ và tôn trọng lịch sử hào hùng của ngành, mỗi NLĐ chúng ta phấn đấu rèn luyện về mọi mặt để viết tiếp trang sử hào hùng ấy. Hiện tại và dự báo trong thời gian tới ngành cao su còn gặp rất nhiều khó khăn do giá mủ giảm sâu, biến động lao động…
Hơn ai hết chúng ta là những người trong ngành cần phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, khó khăn hiện tại cũng là quy luật tất yếu của kinh tế thị trường. Chúng ta không hoang mang mà bình tĩnh ứng phó để vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Lương Thị Lệ (Cao su Phước Hòa): “Giá trị tốt đẹp của ngành là đoàn kết, hỗ trợ nhau”
“Ba mẹ tôi từ Thanh Hóa vào Bình Dương lập nghiệp từ những năm 1980. Và hầu như những người dân địa phương đều làm công nhân cao su. Đến tuổi trưởng thành, tôi tiếp tục nối nghiệp ba mẹ vào làm tại nông trường. Làm công nhân 20 năm tròn, được hưởng những chế độ, quyền lợi dành cho NLĐ, nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Tập đoàn và đơn vị. Với tôi, đó là những điều rất đáng trân quý. Năm nay, tròn 90 năm truyền thống ngành cao su, hiểu về truyền thống tôi nghĩ trước tiên là những giá trị tốt đẹp của ngành, đó là cha truyền con nối, đó là sự đoàn kết, sẵn sàng hỗ trợ nhau trong công việc của anh chị em công nhân, đó là những tình cảm, quan tâm, nỗ lực của tập thể vì sự phát triển của ngành. Tôi tin rằng, những giá trị tốt đẹp đó sẽ được giữ gìn và phát huy. Đến ngày hôm nay, tôi có thể khẳng định rằng tôi rất tự hào khi được làm việc trong ngành cao su”.
Đặng Chí Sơn (Cao su Ea H’leo): “Phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ”
“Thế hệ trẻ hôm nay phải luôn tin tưởng vào định hướng phát triển của VRG. Đồng lòng chung sức, nhiệt tình, tận tụy, đồng hành cùng đơn vị vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, xứng đáng với truyền thống hào hùng mà biết bao thế hệ cha ông đã gầy dựng. Là một cán bộ Đoàn, Đảng viên trẻ, tôi cảm thấy tự hào và vinh dự khi được làm việc trong ngành cao su Việt Nam với bề dày truyền thống lịch sử vẻ vang. Để viết tiếp những trang sử hào hùng của ngành cao su, xứng đáng với thế hệ cha anh đi trước, tôi nhận thấy tuổi trẻ ngành cao su phải phát huy hiệu quả tinh thần xung kích tình nguyện, sức trẻ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, SXKD tại đơn vị bằng những việc làm thiết thực, như: Tham gia thực hiện phong trào sáng kiến cải tiến, góp phần nâng cao hiệu quả trong lao động sản xuất, luôn xung phong đảm nhận và hoàn thành tốt các phần việc do lãnh đạo, các cấp quản lý tại đơn vị giao, tham gia tốt phong trào “Thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi và xung kích bảo vệ tài sản”.
MINH TÂM – MINH NHIÊN – THIÊN HƯƠNG (ghi)
Related posts:
- Nguyễn Văn Quyên - Gương sáng trong học tập và làm theo Bác
- Người thầy sáng tạo mô hình hữu ích
- Những bông hoa tiêu biểu trong thi đua vượt sản lượng
- Nữ công nhân tâm huyết, sáng tạo
- Nhờ cố gắng đã về trước kế hoạch
- Đam mê, sáng tạo nghiên cứu khoa học
- Chị Ngô Thị Hồng – Công nhân khai thác Nông trường An Lộc, TCT Cao su Đồng Nai: Tấm gương điển hình ...
- Đức Nghiệp và Nàng Thoon
- 20 năm sống cùng đồng bào
- Vinh dự, tự hào khi đạt giải nhất Hội thi