Công nhân cao su giữ vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc

CSVN – Sự kiện Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập vào ngày 28/10/1929 có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc đấu tranh của CN cao su nói riêng và phong trào cách mạng nói chung. Tạp chí CSVN đã có buổi trò chuyện với Phó GS.Tiến sĩ, Đại tá Hồ Sơn Đài – Nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7 đã nhiều năm nghiên cứu về lịch sử ngành cao su, nhằm cung cấp cho bạn đọc hiểu rõ hơn về sự kiện này và vai trò của CN cao su trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Sự kiện thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng vào ngày 28/10/1929 có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc đấu tranh của công nhân cao su nói riêng và phong trào cách mạng nói chung. Trong ảnh: Tiết mục tham gia Hội diễn Nghệ thuật quần chúng VRG năm 2019 của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng. Ảnh: Đào Phong
Sự kiện thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng vào ngày 28/10/1929 có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc đấu tranh của công nhân cao su nói riêng và phong trào cách mạng nói chung. Trong ảnh: Tiết mục tham gia Hội diễn Nghệ thuật quần chúng VRG năm 2019 của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng. Ảnh: Đào Phong

– Thưa ông, dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu lịch sử, xin ông cho biết về ý nghĩa của sự kiện thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng vào ngày 28/10/1929?

Phó GS.Tiến sĩ, Đại tá Hồ Sơn Đài: Công nhân (CN) cao su trong thời kỳ đầu khi thực dân Pháp thành lập các công ty cao su miền Đông chủ yếu là nông dân ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ bỏ làng quê, ruộng đồng vào làm phu cao su. Như chúng ta đã biết điều kiện sống của CN cao su trước năm 1945 tại các đồn điền vô cùng khắc nghiệt, đó là điều kiện khí hậu tồi tệ, chế độ việc làm căng thẳng, chế độ phụ trợ rất kém. Không những vậy, CN cao su còn bị áp bức bóc lột về sức người, bị đánh đập của bọn chủ Tây, người ta ví đời sống của CN cao su thời đó là nô lệ trong địa ngục trần gian.

Như một lẽ tự nhiên, vì sống một cuộc sống khó khăn, đầy tủi nhục, CN cao su đã vùng dậy đấu tranh với chủ đồn điền nhằm đòi hỏi sự cải thiện đời sống về nhân sinh và dân chủ. Đầu tiên đó là những hoạt động lẻ tẻ, rời rạc, manh mún, cục bộ và chủ yếu xuất phát từ sự phản kháng tự có của CN cao su, thời kỳ đó CN cao su đấu tranh tự phát bằng nhiều hình thức như bỏ trốn, đánh chủ Tây. Vào năm 1929, phong trào đấu tranh phát triển mạnh mẽ, sự truyền bá của Chủ nghĩa Mác – Lê Nin vào Việt Nam cộng với lòng yêu nước dẫn đến sự ra đời các tổ chức Đảng. Ngày 28/10/1929, chi bộ Cộng sản Đảng đầu tiên được thành lập có tên là Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Ngay sau khi thành lập, Chi bộ đã lãnh đạo CN  ở Phú Riềng đấu  tranh vì lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc. Các cuộc đấu tranh tiếp theo diễn ra dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng. Từ sự kiện đấu tranh ở Phú Riềng đã lan tỏa, kích hoạt phong trào đấu tranh có tổ chức ra các đồn điền trên toàn Nam bộ, cực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Sự kiện thành lập Chi bộ Cộng sản Đảng đầu tiên đánh dấu cho việc khép lại thời kỳ đấu tranh tự phát chuyển sang thời kỳ đấu tranh tự giác, đấu tranh có sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, đấu tranh có tổ chức, có đường lối, kỷ luật, mang lại hiệu quả cao, dẫn đến cao trào đấu tranh của CN cao su đến ngày Cách mạng Tháng 8 thành công. Đó cũng là sự kiện mở đầu cho đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Đại tá - PGS-TS Hồ Sơn Đài. Ảnh: TL
Đại tá – PGS-TS Hồ Sơn Đài. Ảnh: TL

– Tiếp theo đó, công nhân cao su trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đóng vai trò như thế nào, thưa ông?

Phó GS.Tiến sĩ, Đại tá Hồ Sơn Đài: CN cao su là một bộ phận của giai cấp CN Việt Nam, lực lượng này giữ vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta suốt gần một thế kỷ qua. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, CN cao su giữ 5 vai trò đặc biệt quan trọng.

Thứ nhất, CN các đồn điền cao su chủ yếu ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên là nơi cung cấp nguồn nhân lực lớn để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Trải qua một thời kỳ dài dưới sự kìm kẹp của tư bản đồn điền và cuộc Cách mạng tháng 8 đưa lại cho họ cơ hội rời khỏi đồn điền để tham gia vệ quốc đoàn. CN cao su đã tham gia vào các đội chiến đấu chủ lực, hoặc thành lập du kích tại chỗ để tham gia kháng chiến.

Thứ hai, đồn điền cao su là nơi thực dân Pháp thực hiện tái chiến, mở đường cho các chủ tư bản Pháp quay trở lại sở hữu đồn điền cao su họ thành lập trước đó. Vì thế, đồn điền cao su là nơi diễn ra chiến dịch quân sự sôi động trong những ngày đầu thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và suốt quá trình cho đến Hiệp định Giơnevo được ký kết năm 1954. Ở đó đã diễn ra nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch mà lực lượng tham gia chiến đấu có một bộ phận quan trọng là CN các đồn điền cao su. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở chiến trường Đông Nam Bộ, có một chiến dịch diễn ra vào tháng 10/1954, CN cao su đã tham gia kháng chiến ở đường 14, đường 7 và quốc lộ 13. Tất cả các trận đánh và chiến dịch CN cao su tham gia đã mang lại một kết quả tác động góp phần làm chuyển đổi cục diện chiến trường, dẫn đến thắng  lợi cuối cùng của kháng chiến chống Pháp.

Thứ ba, bên cạnh Sài Gòn, các đô thị và tỉnh lị Nam bộ thì đồn điền cao su là nơi diễn ra phong trào đấu tranh chính trị rất sôi nổi. Từ năm 1945 đến 1954, CN cao su dường như đấu tranh chính trị liên tục để đòi quyền lợi giai cấp, dân sinh dân chủ, quyền lợi dân tộc chống thực dân Pháp, chống Chính phủ Bảo Đại để giành độc lập.

Công nhân cao su tỉnh Biên Hòa xuống đường  tham gia đấu tranh chính trị.
Công nhân cao su tỉnh Biên Hòa xuống đường tham gia đấu tranh chính trị.

Thứ tư, thực dân Pháp khi không thực hiện được đánh nhanh thắng nhanh thì chuyển sang đánh kéo dài. Họ đã đấu tranh mạnh mẽ trên lĩnh vực kinh tế, với phương châm “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Đồn điền cao su là một trong những nơi thực dân Pháp tập trung ưu tiên bảo vệ chủ đồn điền khai thác cao su để nộp thuế cho thực dân Pháp nhằm duy   trì phát triển công cuộc bình định và xâm lược Việt Nam. Trước âm mưu này, CN cao su đã mở mặt trận cao su chiến, phá hoại kinh tế của địch như chặt cây, đổ mủ xuống đất, đốt nhà máy chế biến, đốt xe chở mủ về Sài Gòn làm giảm thiểu lợi nhuận của chủ tư bản Pháp. Hành động này đã làm cho đóng góp của ngành cao su đối với tư bản Pháp trong cuộc viễn chinh bị giảm nhiều. Có thể nói, đây là mặt trận đấu tranh kinh tế rất sôi động mà chỉ có ở vùng Đông Nam bộ, cực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Thứ năm, CN các đồn điền cao su đã tham gia đóng góp tiền, vải, thuốc, nhân lực, vật lực, gạo vào chiến khu nuôi bộ đội, nhiều gia đình CN ở các đồn điền đã bỏ hẳn vào chiến khu để xây dựng làng căn cứ kháng chiến. Các đồn điền cao su là một bộ phận hợp thành hệ thống căn cứ địa trên toàn chiến trường miền Nam vào lúc bấy giờ. Đó là căn cứ địa, hậu phương tại chỗ của chiến trường Nam bộ. Hoạt động của họ đã góp phần quan trọng đối với việc xây dựng và bảo vệ, phát huy sức mạnh của hệ thống căn cứ địa ở Nam bộ, góp phần dẫn đến thắng lợi trong chiến tranh chống Pháp năm 1954.

– Xin trân trọng cảm ơn ông!

HÀ KHUÊ (THỰC HIỆN)