Ổn định nhờ chịu thương chịu khó

CSVN – Đó là gương vợ chồng anh Thân Ngọc Sâm và chị Lê Thị Thu Hiền, công nhân Đội 2, Nông trường (NT) Sông Giêng, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận. Anh chị là một tấm gương gia đình vượt khó điển hình luôn cố gắng, chăm chỉ, cần mẫn, chịu thương chịu khó nuôi con ăn học và là gương phát triển kinh tế gia đình của đơn vị.
Lãnh đạo nông trường đến thăm và động viên gia đình anh Sâm chị Hiền
Lãnh đạo nông trường đến thăm và động viên gia đình anh Sâm chị Hiền
Luôn tay, luôn chân không ngơi nghỉ

Được sự giới thiệu của NT Sông Giêng, chúng tôi tìm đến nhà của gia đình anh Sâm, chị Hiền. Anh Hồ Minh Đức – Giám đốc NT thông tin: “Gia đình anh Sâm chị Hiền là một tấm gương vượt khó điển hình. Từ nguồn vốn ít ỏi vay mượn, tích cóp của gia đình, sự hỗ trợ của NT cộng với đôi bàn tay chăm chỉ chuyên cần lao động anh chị đã vươn lên để có thu nhập ổn định”.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nhưng ấm áp, khi anh Sâm đang lùa đàn bò đi ăn về, chị Hiền vợ anh cho biết, chị sinh năm 1977, còn anh sinh năm 1969. Hai vợ chồng gắn bó với ngành cao su và vào làm ở NT từ năm 2002 đến nay đã 17 năm. Từ khi vào làm công nhân cao su cho đến nay, ngoài việc có thu nhập ổn định, các chế độ đầy đủ, nông trường còn tạo điều kiện cho gia đình phát triển kinh tế gia đình đảm bảo cuộc sống.

Từ năm 2017, anh chị đã nuôi 6 con bò với số vốn khoảng 80 triệu đồng, đã xuất bán 1 con, hiện dự kiến nuôi thêm 4 con. Luôn tay luôn chân không ngơi nghỉ, anh Sâm còn xin tận dụng 2,5 ha đất ven suối để trồng cỏ chăn nuôi bò.

Ngoài chăn nuôi bò, anh chị còn nuôi thêm gà, vịt với khoảng 100 con để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Bên cạnh đó, gia đình còn có hồ cá 1.500 m² nuôi đủ loại từ cá trắm, cá mè, cá diêu hồng…

Gia đình anh chị còn đầu tư, chăm sóc 500 gốc điều. Hằng năm, trồng thêm cây ngắn ngày như mì, bắp để cải thiện thêm thu nhập với diện tích khoảng 3.000 m², nguồn thu từ cây ngắn ngày cho gia đình có thêm thu nhập hơn 10 triệu đồng/năm.

Tự bỏ kinh phí xây cầu… “Ông Sâm”

Trước đây, giao thông đi lại khó khăn, phải đi qua cầu khỉ để qua sông qua suối, anh Sâm kể lại, anh đã bị rớt cầu khỉ 4, 5 lần, có lần anh bị té nặng phải khâu tới 16 mũi…Cuối cùng, thấy vất vả quá, anh chị quyết tự bỏ kinh phí để xây cầu dân sinh khoảng 20 triệu đồng.

“Hiện giờ, dân người ta họ gọi luôn là cầu “Ông Sâm”, cũng là để tri ân người xây cầu cho họ. Từ ngày có cây cầu, bà con qua lại cũng đỡ khó khăn hơn so với lúc trước. Gia đình đi lại thuận tiện, mà bà con cũng được nhờ”, anh Sâm cười hiền chia sẻ. Ngoài tự bỏ kinh phí xây cầu dân sinh, gia đình anh chị cũng tự góp phí 30 triệu để ngăn đập làm công trình phát điện cho sinh hoạt gia đình.

MINH TÂM