CSVN – Kết quả khảo nghiệm trong phòng thí nghiệm và sử dụng thử nghiệm tại vườn cây cao su của hộ tiểu điền cho thấy chén chống dính bằng nhựa có nhiều đặc tính kỹ thuật vượt trội so với chén nhựa trên thị trường và chén đất sét nung truyền thống.
Nhu cầu dùng chén nhựa tăng
Ở nước ta, chén hứng mủ sản xuất từ đất sét nung có tráng men (thường được gọi là chén sành) được sử dụng phổ biến trên hầu hết các vườn cao su khai thác nhờ vào những ưu điểm như nguồn cung dồi dào, giá rẻ và dễ sử dụng. Chén hứng mủ bằng nhựa cũng từng được đưa vào sử dụng thử nghiệm, tuy nhiên, do một số hạn chế về thiết kế và tính năng sử dụng nên chén nhựa không được sử dụng rộng rãi như ở các nước khác như Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Malaysia, Sri Lanka và Thái Lan.
Mãi đến năm 2017, do sự khan hiếm và tăng giá đột biến của chén sành từ hệ quả của việc đóng cửa một số lò sản xuất chén thủ công gây ô nhiễm trên địa bàn các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai cùng với việc đưa vào khai thác đồng loạt một diện tích lớn cao su ở Tây Bắc, Lào và Campuchia nên chén nhựa mới được sử dụng trở lại ở Việt Nam. Kể từ đó, việc sử dụng chén hứng mủ bằng nhựa ngày càng phổ biến dẫn đến nhu cầu chén nhựa ngày càng tăng, đặc biệt là trên các vườn cây thu mủ đông tại lô để làm nguyên liệu chế biến sản phẩm cao su thiên nhiên SVR 10 hoặc SVR 20.
Việc chuyển sang sử dụng chén nhựa thay cho chén sành là một giải pháp hợp lý, đặc biệt là ở những thời điểm chén sành bị khan hiếm và giá tăng đột biến. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của chén nhựa là khó bóc mủ đông bao gồm cả mủ chén (phần mủ còn lại trên chén sau khi trút mủ nước) và mủ để đông trên chén (toàn bộ mủ khai thác được không trút mà để đông tự nhiên trên chén). Nguyên nhân là do mủ cao su khi đông tụ sẽ bám rất chặt vào vật liệu nhựa làm chén. Vấn đề này vừa làm giảm năng suất lao động thu gom mủ vừa gây mệt mỏi cho người lao động do phải dùng nhiều sức để thao tác.
Xuất phát từ thực trạng trên, Trung tâm Công nghệ Cao su thuộc Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam (RRIV) đã tiến hành nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm chén hứng mủ chống dính bằng nhựa. Kết quả khảo nghiệm sơ bộ trong phòng thí nghiệm và sử dụng thử nghiệm tại vườn cây cao su của một số hộ tiểu điền cho thấy chén chống dính bằng nhựa có nhiều đặc tính kỹ thuật vượt trội so với chén nhựa trên thị trường và chén đất sét nung truyền thống.
Công dụng nổi bật của chén nhựa chống dính
Về công dụng, chén nhựa chống dính của RRIV có thể dùng để hứng mủ nước (latex) làm nguyên liệu chế biến các chủng loại sản phẩm như cao su ly tâm, cao su khối SVR 3L hoặc SVR CV và cao su tờ RSS thay cho chén sành. Đặc biệt, chén RRIV “thích hợp” dùng để hứng và thu mủ đông trên chén làm nguyên liệu chế biến cao su khối SVR 10 hoặc SVR 20 nhờ vào đặc tính chống dính mủ đông cao su mà loại chén này sở hữu.
Về đặc tính kỹ thuật, chén RRIV được thiết kế đa dạng về dung tích, hình dạng và khối lượng để đáp ứng cho các hoạt động khai thác mủ khác nhau như thu mủ nước, thu mủ đông, thu mủ trên vườn có năng suất cao, thu mủ ở địa bàn thường xuyên có gió mạnh… Đặc biệt, chén nhựa RRIV được xử lý chống dính nhằm mục đích nâng cao hiệu suất thu mủ (cả trút mủ nước và bóc mủ đông). Theo đó, mủ nước được trút và vét dễ dàng hơn, sạch hơn nhờ vào hiệu ứng kỵ nước của lớp phủ chống dính. Thêm vào đó, phần mủ chén sẽ được bóc ra nhẹ nhàng hơn do cao su không bị bám chặt vào mặt trong của chén như khi sử dụng các loại chén nhựa thông thường. Nhờ vậy, chén thu mủ nước dễ dàng được bảo quản trong tình trạng vệ sinh sạch sẽ hơn so với các loại chén hứng mủ khác.
Còn đối với chén dùng thu mủ đông, thao tác thu mủ cũng nhẹ nhàng, nhanh chóng và vệ sinh hơn nhờ vào tác dụng của lớp phủ chống dính. Hiệu quả chống dính của chén thu mủ đông RRIV so với chén nhựa thông thường sẽ được thấy rõ hơn khi dung tích chén hứng mủ càng lớn, lượng mủ trong chén càng nhiều, DRC của mủ nước càng cao và thời điểm thu mủ tính từ lúc khai thác càng sớm.
Bởi vì các yếu tố này làm gia tăng tính dính và độ bám chặt giữa cao su với bề mặt nhựa chưa qua xử lý chống dính, dẫn đến việc tách rời chúng trở nên khó hơn, chậm hơn và mất nhiều sức lực hơn. Kết quả thử nghiệm cho thấy việc sử dụng chén nhựa chống dính RRIV để thu mủ đông có thể giúp giảm đến 50% thời gian và lực cần thiết để bóc khối mủ ra khỏi chén so với khi sử dụng chén nhựa thông thường.
Tuổi thọ của chén có thể đến 10 năm
Dựa trên các đặc tính kỹ thuật của chén cũng như các kết quả ứng dụng thử nghiệm bước đầu, có thể đưa ra một số nhận định về các tính năng vượt trội của chén nhựa RRIV so với chén nhựa thương mại trên thị trường và chén sành truyền thống như sau: Giúp thao tác thu mủ đông nhẹ nhàng, nhanh chóng và vệ sinh. Giảm mệt mỏi và tăng năng suất lao động thu gom mủ; Giúp thao tác trút và vét mủ nước nhanh và sạch hơn; Giúp giữ vệ sinh chén hứng mủ và mủ nước trong chén tốt hơn. Góp phần tăng sản lượng mủ và năng suất thu mủ nước.
Ngoài ra, chén có khối lượng đủ nặng để tránh hiện tượng bị gió thổi bay khi không chứa mủ, tuy nhiên, chén lại nhẹ hơn chén sành rất nhiều nên làm giảm đáng kể chi phí vận chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Ngoài ra, chén còn có thể góp phần làm giảm hiện tượng tê, mỏi tay của người công nhân khi trút và vét mủ do chén chỉ nặng khoảng 1/3 khối lượng chén sành.
Chén có độ bền cao, không bị vỡ trong quá trình sử dụng như chén sành nên cắt giảm được chi phí đầu tư bổ sung chén hàng năm cũng như không bị thất thoát mủ do chén bị vỡ. Độ bền chén ước tính đạt trên 3 năm. Trường hợp sử dụng vật liệu chất lượng cao, chén dày, điều kiện sử dụng không quá khắc nghiệt và được bảo quản tốt; tuổi thọ của chén có thể đạt 5 đến 7 năm, thậm chí 10 năm. Công nhân dễ dàng thu gom và vệ sinh chén cuối vụ. Chén làm từ vật liệu có khả năng tái chế.
Nhược điểm chính của chén nhựa chống dính do RRIV cung ứng là giá thành khá cao (cao hơn 30 – 40% giá chén nhựa thông thường cùng loại và khoảng 5 – 10% so với chén sành). Tuy nhiên, chi phí đầu tư cao hơn ban đầu cho việc sử dụng chén nhựa chống dính RRIV sẽ được nhanh chóng bù đắp lại từ hiệu suất sử dụng. Ví dụ như thao tác thu mủ nhanh hơn làm tăng năng suất lao động; Việc trút mủ và vét mủ sạch hơn làm tăng giá trị của mủ thu hoạch được (thu ở dạng mủ nước nhiều hơn); việc giảm chi phí vận chuyển chén từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ; Việc giảm chi phí đầu tư bổ sung chén hàng năm do bị nứt vỡ; Việc giảm công thu gom và vệ sinh chén cuối vụ.
Thêm vào đó, việc thu gom để bán phế liệu chén nhựa hết tuổi thọ sử dụng có thể thu hồi lại một phần (khoảng 10%) giá trị đầu tư chén ban đầu. Như vậy, có thể thấy rằng chén hứng mủ chống dính bằng nhựa với nhiều tính năng vượt trội hứa hẹn sẽ là giải pháp thay thế hiệu quả cho chén hứng mủ bằng đất sét nung trong thời gian tới khi mà các chính sách về rừng, củi đốt, môi trường và đất canh tác nông nghiệp ngày càng thắt chặt. Đặc biệt là khi ngành cao su nước ta đang hướng tới mục tiêu sản xuất cao su thiên nhiên bền vững.
THÁI HỒNG KHANG
(Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam)
Related posts:
- Hiệu quả phun thuốc phòng bệnh phấn trắng
- Dự án PlasCO2: Biến khí nhà kính thành nguyên liệu thô
- Linh hoạt mở miệng cạo, đảm bảo hiệu quả kinh tế kỹ thuật
- Lấy ý kiến xây dựng cơ cấu bộ giống cao su 2016 - 2020
- Phòng trị bệnh trên cao su: Bệnh rụng lá mùa mưa
- Cách giữ mủ mùa mưa
- Cây không phụ lòng người
- Phát triển cao su bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu
- Doanh nghiệp cao su Thái Lan giới thiệu “Cao su tự nhiên có thể truy xuất nguồn gốc (GPS)”
- Nhiều tham luận có giá trị tại Hội nghị nông nghiệp Cao su Sa Thầy