Cách tốt để cải thiện cuộc sống

CSVN – Xoay sở với đồng lương ít ỏi, nhiều công nhân (CN) đã không thể bám trụ nổi với nghề. Trong tình hình ấy, phát triển kinh tế gia đình là cách tốt để cải thiện cuộc sống, đặc biệt càng ý nghĩa hơn với những CN là đồng bào dân tộc.
Với sự tự tin, mạnh dạn vay vốn từ quỹ tín dụng Phiêm đã có được những vườn cà phê, tiêu và chanh dây khá hiệu quả, cho năng suất cao.
Với sự tự tin, mạnh dạn vay vốn từ quỹ tín dụng Phiêm đã có được những vườn cà phê, tiêu và chanh dây khá hiệu quả, cho năng suất cao.
Không chỉ là giải pháp tình thế

Vài năm trở lại đây việc phát triển kinh tế gia đình không chỉ trong các gia đình CN người Kinh mà các hộ CN đồng bào dân tộc đã biết làm kinh tế, thậm chí là làm rất tốt. Tiêu biểu có gia đình anh Kpui Kôn của Đội 19 – NT An Phú thuộc Cao su Chư Prông với 2 ha cao su, 1 ha cà phê, vài trăm trụ tiêu cùng hơn 20 con bò thịt, thu nhập ròng hàng năm gần 200 triệu đồng.

Hiện Kpui Kôn là tổ trưởng tổ CĐ Đội 19, anh là một gương khá điển hình của NT. Chủ tịch CĐ NT An Phú Nguyễn Văn Quân nhận xét: “Kôn là CN tiêu biểu, gương mẫu trong suốt 10 năm qua. Đến ngày đầu tháng 12 là anh đã hoàn thành sản lượng giao, Kôn siêng năng và chịu khó, luôn làm tốt phần việc của mình và tiêu biểu trong làm kinh tế gia đình”.

Trao đổi với Kpui Kôn, anh chia sẻ: “Ở trong làng, bà con ai cũng có đất đai. Mình đi làm CN thấy người ta trồng cà phê, cao su, tiêu…mình cũng học làm theo. Việc này không khó lắm, chỉ cần chịu khó thôi. Muốn cuộc sống mình khá giả thì phải làm việc nhiều, chịu khó vất vả mới có tiền. Hơn nữa, ở vùng này muốn làm thêm cũng không có việc gì ngoài trồng cà phê, tiêu”.

Một trường hợp tiêu biểu trong phong trào làm kinh tế gia đình khác là anh Phiêm, người Bana, tổ trưởng tổ 10 NT Đoàn Kết – Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang với 2ha cà phê, 600 trụ tiêu và một vài mô hình khác như chanh dây, lúa nước…Phiêm cho biết: “Mình học nông nghiệp tại Đại học Tây Nguyên rồi về NT Đoàn Kết công tác từ 2011, ở nhà thấy bố mẹ bỏ hoang ruộng vườn nên tiếc. Mình bàn với vợ trồng cà phê, tiêu để tăng thêm thu nhập cho gia đình, mặc dù lúc đó làm CN cao su lương cũng cao lắm. Năm 2018 gia đình mình thu được 4 – 5 tấn cà phê nhân, tiêu thì 1 – 2 tấn…thu nhập được hơn 100 triệu đồng”.

Phiêm là một trong những trường hợp tiên phong đi vay thế chấp nhà đất với quỹ tín dụng được 200 triệu để phát triển kinh tế gia đình. Anh chia sẻ: “Không đi vay thì đâu có tiền để làm, mình cũng học hỏi từ nhiều người khác thôi. Nay, sau 2 – 3 vụ thu hoạch gia đình mình đã trả xong nợ, có dư và xây nhà cửa khang trang”.

Tại Công ty Mang Yang, nhiều cán bộ và CN rất tích cực trong việc phát triển kinh tế gia đình, họ tranh thủ ngay khi công ty tái canh để đăng ký xen canh, chủ yếu là khoai lang còn nương rẫy trồng tiêu, cà phê…

Cuộc sống thay đổi nhờ kinh tế phụ

Hiện nay, đời sống CN cao su khu vực Tây Nguyên đang gặp rất nhiều khó khăn do giá mủ cao su thấp. Chính vì vậy, phát triển kinh tế gia đình đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, để gắn bó lâu dài với cao su rất nhiều gia đình đã tích cực tăng gia sản xuất và trồng xen canh để nâng cao thu nhập cho gia đình. Hơn nữa, vài năm trước, khi giá cao su ở mức cao rất nhiều CN đã tích lũy bằng cách mua rẫy trồng tiêu, cà phê, chanh dây, bời lời… như gia đình CN Nghinh ở Nông trường K’Dang của Cao su Mang Yang; gia đình chị Siu Một, Siu Chiêu của Đội sản xuất Xã Gào, Rchâm Bunh của NT Hòa Phú – Cao su Chư Păh hay Rlan Soài ở NT Ia Ko – Cao su Chư Sê; hộ nhận khoán Y Ngọc của NT Dục Nông – Cao su Kon Tum…hàng năm thu nhập trên 100 triệu đồng.

Dù đang là gia đình khá giả hàng đầu trong làng nhưng Kpui Kôn vẫn khiêm tốn: “Tuy gia đình mình có chút dư, con cái được đến trường học cái chữ, không phải lo thiếu ăn, nhà cửa khang trang nhưng vẫn còn thua kém nhiều người lắm, mình phải cố gắng hơn nữa để có tích lũy sau này lo cho con cái, lúc đau ốm có tiền đi bệnh viện”.

Nói là kinh tế phụ, nhưng giờ đã trở thành nguồn thu nhập chính của CN ở Tây Nguyên. Trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều CN xin nghỉ do lương thấp nhưng vẫn còn đó nhiều người quyết gắn bó với vườn cây, với nghề cạo mủ. Nhưng để một lòng với vườn cây cao su thì CN cần có một hậu phương vững chắc, đó chính là kinh tế gia đình.

VĂN VĨNH