CSVN – Nhân dịp kỷ niệm 90 năm truyền thống ngành cao su VN (28/10/1929 – 28/10/2019), chúng tôi gặp ông Phan Duy Toan – Nguyên Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang, nghe ông kể về những năm tháng khó khăn của vùng đất “cổng trời” Cao su Mang Yang.
Từ một cán bộ của Huyện ủy Mang Yang, tháng 10/1991 ông Phan Duy Toan quyết định chuyển sang làm việc cho Công ty Cao su Mang Yang với chức danh Phó Giám đốc NT Hòa Bình. Vốn dĩ quen với cách điều hành, quản lý của một cán bộ công chức nay lại càng khó khăn với ông hơn khi phải quản lý một đơn vị sản xuất, nhất là trong bối cảnh ngành cao su lúc bấy giờ hết sức khó khăn khi sự hỗ trợ từ Liên Xô không còn. Nhưng với bản tính cần cù, chịu khó ông đã nỗ lực hết mình học hỏi và nhanh chóng thích ứng với môi trường mới.
Ông hồi tưởng: “Lúc tôi chuyển sang công tác tại Cao su Mang Yang là thời điểm hết sức khó khăn với ngành cao su, đặc biệt là nguồn vốn cho phát triển kinh tế bị hạn chế tối đa, đơn vị phải tự thân vận động, vật lộn với thời cuộc để vượt qua khó khăn. Đời sống của bà con nơi buôn làng trên vùng đất “cổng trời” (địa hình cao – PV) này rất khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc…giao thông đi lại chưa thuận tiện, tập tục bà con đồng bào còn nhiều hủ tục lạc hậu, ngôn ngữ còn bất đồng nên việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước là phát triển cây cao su trên địa bàn Tây Nguyên nhằm giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho bà con gặp muôn vàn khó khăn. Dẫu vậy, sau một thời gian công ty có sản phẩm thì đời sống vật chất của bà con nhanh chóng được cải thiện và từng bước xóa được đói nghèo”.
Qua 29 năm công tác trong ngành cao su, ông trưởng thành từ cơ sở, lần lượt được tổ chức phân công nhiều nhiệm vụ ở nhiều địa bàn, đơn vị khác nhau. Tuy đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn thường xuyên dõi theo sự đi lên và vượt khó của Cao su Mang Yang
Ông tâm đắc: “Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự thấu hiểu, chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau của tập thể NLĐ, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của VRG, công ty đã biết dựa vào sức mạnh của tập thể, phát huy tốt quyền dân chủ ở cơ sở, đoàn kết nội bộ, từng bước ổn định sản xuất và phát triển, làm ăn có lãi, đời sống NLĐ ổn định, nhiều hộ gia đình có thu nhập khá, nhất là đời sống CN đồng bào dân tộc đã có bước cải thiện đáng kể, nhiều hộ đã biết làm giàu…”.
Trao đổi về sự kiện VRG chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 90 ngày truyền thống, ông bộc bạch: “90 năm là một dấu mốc quan trọng và ý nghĩa đối với VRG, việc lãnh đạo VRG quyết định tổ chức nhiều sự kiện trong dịp này là sự nỗ lực đáng ghi nhận để nhắc nhở thế hệ sau biết và hiểu về truyền thống hào hùng của lịch sử ngành cao su qua 90 năm. Mặc dù trong tình hình hiện nay, ngành cao su đang gặp nhiều khó khăn, nhất là với các công ty trồng, chăm sóc và chế biến cao su. Nhưng chính qua những sự kiện như thế này, mới thấy được sự đoàn kết một lòng của toàn thể NLĐ toàn ngành. Đáng ghi nhận hơn, lãnh đạo VRG đã “truyền lửa” truyền thống cho thế hệ trẻ của ngành mình, giáo dục cho thế hệ sau thông qua nhiều hoạt động. Điển hình là chuỗi 27 sự kiện đã và đang tổ chức sâu rộng trong toàn ngành để chào mừng sự kiện trọng đại này”.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Kế thừa truyền thống giúp ngành cao su Việt Nam phát triển bền vững
- Tự hào 40 năm Cao su Chư Prông
- Nhiều hoạt động nhân đạo tại TCT Cao su Đồng Nai
- Cao su Dầu Tiếng: 5 năm hiến 5.000 đơn vị máu
- 1 tấm gương sống còn giá trị hơn trăm bài diễn văn tuyên truyền
- “Chương trình phát triển cao su tại Campuchia phát huy hiệu quả”
- Cao su Quảng Nam từng bước đổi mới và phát triển
- Lãnh đạo VRG thăm, chúc Tết tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
- VRG chúc mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
- Những sự kiện - hoạt động nổi bật của VRG năm 2023