CSVN – Kiều Thị Tuyết vào làm công nhân (CN) tại Tổ 2, NT Ngọc Wang, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum từ năm 2008. Hơn 10 năm qua, nữ CN quê ở xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh này luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Hơn 10 năm làm CN khai thác, Kiều Thị Tuyết luôn nỗ lực học hỏi, nâng cao kỹ thuật cạo mủ, thường xuyên hoàn thành đạt và vượt mức sản lượng. Chị luôn đạt danh hiệu CN có trình độ tay nghề loại khá và giỏi hàng năm. Hiện nay, chị nhận khoán của nông trường 4 ha cao su khai thác. Năm 2017 và 2018, với diện tích trên, chị đã khai thác được trên 11,5 tấn mủ quy khô/năm, tính cộng cả 2 năm là 23 tấn mủ quy khô. Chị là một trong những CN có thành tích đạt sản lượng cao của Cao su Kon Tum.
Chị Tuyết tâm sự, trong những năm qua, là một đảng viên, được sự hướng dẫn của chi bộ, bản thân chị luôn tự giác, có ý thức trách nhiệm trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là về nâng cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm. Bản thân chị luôn nêu cao tinh thần gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những công việc cụ thể hàng ngày của mình.
Ông Lê Đức Chính – Giám đốc NT Ngọc Wang cho biết, chị Tuyết là một trong những người luôn đi đầu trong các phong trào do công ty và Công đoàn các cấp tổ chức, phát động như phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào “Thi đua nước rút cuối năm”, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, phong trào “Xanh sạch đẹp”…
Suốt hơn 10 năm qua, ngày nắng cũng như mưa, nữ CN Kiều Thị Tuyết thức dậy đi làm từ rất sớm ở vườn cây cách nhà hơn 3 km, thực hiện nhiệm vụ của mình. Chị tâm sự: “Lúc trời mưa to mọi người thì chạy đi tránh mưa, còn những người CN cạo mủ cao su như chúng tôi vẫn phải lao động để giữ cho mủ không bị ướt và chảy ra ngoài”.
Trong công việc, chị luôn chuyên cần học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu tiến bộ của khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào nhiệm vụ khai thác mủ cao su của mình. Cũng trong hơn 10 năm theo nghề cạo mủ cao su, bản thân chị đã chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm của ngành cao su, có thời điểm giá bán không bù nổi giá thành sản xuất, tiền lương CN không đủ trang trải cuộc sống. Nhiều CN không bám nổi nghề đã bỏ vườn cây ra ngoài lao động.
Còn chị, nhìn vườn cây lớn lên hàng ngày, nhờ sự động viên, quan tâm của chi bộ, lãnh đạo đơn vị và các đoàn thể nông trường, chị đã không dao động, quyết tâm bám trụ, gắn bó trọn đời với cây cao su. Từ đó, bản thân chị luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được nông trường giao và là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2017 và 2018.
Ngoài nhiệm vụ chính là CN cạo mủ, nhận khoán vườn cây của nông trường, chị Tuyết còn tích cực làm kinh tế gia đình với 2 ha cao su chuẩn bị khai thác và 1 ha cà phê, với thu nhập khoảng 40 triệu đồng/ năm. Bản thân chị cùng với chồng nuôi dạy 2 đứa con ngoan, gia đình êm ấm, hòa thuận.
“Việc học tập và làm theo Bác chắc chắn suốt cuộc đời tôi cũng không thể nào học hết được. Song tôi chỉ mong làm được những việc cụ thể hàng ngày mà có lợi cho nông trường, cho bản thân, góp sức nhỏ bé của mình vào nhiệm vụ chung”, chị Tuyết bày tỏ. Với những kết quả trong công tác và cuộc sống, nữ CN Kiều Thị Tuyết được chi bộ nông trường và Đảng ủy Công ty Cao su Kon Tum đề nghị Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018 – 2019.
NGUYỄN HÒA KHÁNH
Related posts:
- Chị Lường Thị Liên – Công nhân Nông trường Châu Sơn, Cao su Sơn La: Đón Tết to nhờ cao su
- Trường Cao đẳng Cao su gặp mặt cán bộ hưu trí
- Đảng viên trẻ Rơ Lan H’Anh: Gương sáng tận hiến, xứng danh “Công nhân trẻ tiêu biểu”, “Người thợ trẻ...
- Trần Thị Nguyệt: Vượt khó, đi đầu về sản lượng khai thác
- Cạo mủ cao su: Nhìn lại lịch sử
- Kinh tế khá nhờ làm công nhân cao su
- Nguyễn Thành Công - Hết lòng vì công nhân
- “Bông hồng” miền biên viễn
- Kinh tế gia đình giúp công nhân ổn định cuộc sống
- Trần Văn Diệu: "Công việc cạo mủ với tôi là đam mê"