Ngành chế biến gỗ tiếp cận công nghệ 4.0

CSVNO – Triển lãm quốc tế lần thứ 13 về công nghiệp chế biến gỗ (VietnamWood 2019) phá kỷ lục về diện tích trưng bày hơn 25.000 m2, mang tầm quốc tế về máy và thiết bị công nghiệp chế biến gỗ vừa được khai mạc vào ngày 18/9 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh.
1
Các đại biểu và Ban tổ chức cắt băng khai mạc triển lãm

Qua 12 lần tổ chức, VietnamWood đã được khẳng định là triển lãm công nghiệp gỗ và chế biến gỗ lớn nhất tại Việt Nam. VietnamWood 2019 cũng đã tạo ra kỷ lục về diện tích trưng bày với hơn 25.000 m2, tăng 40% so với kỳ triển lãm trước, thu hút sự tham gia của gần 500 đơn vị và thương hiệu của 32 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trưng bày nhiều giải pháp sản xuất mới đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến gỗ tại Việt Nam và khu vực.

2
Các đại biểu đi tham quan các gian hàng trưng bày tại triển lãm

Năm 2018, ngành gỗ Việt Nam cán mốc xuất khẩu 9 tỷ USD, kỳ vọng nâng kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm 2019 lên 11 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2018. Để đạt mục tiêu đó, đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành gỗ phải nỗ lực và tăng năng suất để đạt được kế hoạch. Toàn ngành gỗ đang tập trung hướng đến mục tiêu chạm mốc xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025.

Triển lãm lần này có sự tham gia của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Hội đồng xuất khẩu Gỗ cứng Mỹ (AHEC), Hiệp hội các nhà sản xuất máy móc chế biến gỗ Đức (VDMA), Hiệp hội máy móc chế biến gỗ Đài Loan (TWMA) và nhiều gian hàng khác đến từ Pháp, Trung Quốc, Áo và Canada.

Triển lãm trưng bày và giới thiệu hàng loạt các thiết bị, máy móc với công nghệ mới nhất, mang đến những công nghệ tiên tiến, hiện đại của ngành chế biến gỗ góp phần giúp các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo vào sản xuất kinh doanh.

4
Triển lãm được sự quan tâm của đông đảo cơ quan báo chí truyền thông

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu lâm sản Việt Nam đạt 7,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm khoảng 26,6% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp.

Riêng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 6,66 tỷ USD. Với đà phát triển của các đơn hàng cuối năm, ngành gỗ sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu lâm sản cả năm 2019 lên 11 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2018. Đây là sự khích lệ lớn đối với ngành gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả doanh nghiệp trong ngành đều đang hướng đến mục tiêu xa hơn nữa đó là chạm mốc xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025.

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, ngành  chế biến gỗ nhận được sự quan tâm, ủng hộ đặc biệt từ các cơ quan quản lý, nhà nước đã định hướng rất rõ trong việc phát triển Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ của thế giới. Tuy nhiên, để phát triển ngành cần sự nỗ lực mạnh mẽ trong từng doanh nghiệp đó là tổng hòa các yếu tố: Chiến lược kinh doanh, nguồn nhân lực, khả năng sản xuất, tài chính, quản trị.

Trong suốt 20 năm phát triển của ngành đã chứng minh DN chế biến gỗ Việt Nam hội tụ được tất cả các yếu tố này, nhưng trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi từ thị trường đang đặt các doanh nghiệp vào những quyết tâm mới, vừa phải đảm bảo chất lượng đáp ứng đơn hàng đang có, vừa phải gia tăng năng suất, chất xám để có thể giữ và tiếp xúc khách hàng mới, linh hoạt đón đầu và thay đổi trong tương lai, chìa khóa mở cửa cho ngành chế biến gỗ tăng trưởng phát triển bền vững chính là công nghệ.

Với sự tiến bộ của ngành chế tạo máy móc thế giới, doanh nghiệp chế biến gỗ ngày một ứng dụng nhiều hơn công nghệ điển hình các kỹ thuật sản xuất chính xác CNC, AI, Robot và sản xuất đang mang lại cơ hội cải tiến chất lượng, kiểm soát tiến độ, giảm lệ thuộc vào lao động và đáp ứng nhanh nhu cầu của khách hàng cho nhiều doanh nghiệp.

3
Triển lãm mang đến những máy móc hiện đại, trí tuệ nhân tạo giúp các DN ngành gỗ tiếp cận công nghệ 4.0

Triển lãm với sự tham gia của nhiều thương hiệu  nổi tiếng trong ngành chế tạo máy, chế biến gỗ đến từ Mỹ, Đức, Áo, Thái Lan, Malaysia…chính là diễn đàn công nghệ đích thực để các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ Việt Nam tham quan, cập nhật thông tin, công nghệ, thiết bị mới từ đó mở rộng tư duy sản xuất và có chiến lược đầu tư công nghệ phù hợp. Đồng thời cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại, phát triển các thương hiệu trong nước, góp phần cho sự phát triển toàn diện về chất lượng của ngành công nghiệp chế biến gỗ.

Bên cạnh các hoạt động triển lãm, sẽ có các hội thảo chuyên đề chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm liên quan đến hoạt động sản xuất và chế biến gỗ với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế. Với các nội dung về chuyển đổi công nghệ – xu hướng tự động hóa cho ngành công nghiệp sản xuất, năng suất và giải pháp chất lượng cho ngành công nghiệp gỗ trong kỷ nguyên số, nguyên liệu và ứng dụng thực tế trong ngành thiết kế nội thất gỗ.

Triển lãm VietnamWood 2019 và triển lãm quốc tế công cụ, phụ kiện ngành gỗ (Furnitec 2019) do Công ty Quảng cáo và Hội chợ thương mại (Vinexad), Bộ Công Thương phối hợp với Công ty Yorkers, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA) tổ chức.  VietnamWood 2019  và Furnitec 2019 sẽ diễn ra từ 18 đến 21/9.

MINH TÂM