Xây dựng quy trình để đạt được hai chứng chỉ FSC và SFMI

CSVN – Liên quan đến việc thực hiện chủ trương phát triển bền vững của VRG, PV Tạp chí CSVN đã có buổi trao đổi với ông Đỗ Minh Tuấn – TGĐ TCT Cao su Đồng Nai xoay quanh vấn đề này.
Ông Đỗ Minh Tuấn trả lời phỏng vấn báo chí tại lễ ra quân khai thác năm 2019. Ảnh Vũ Phong
Ông Đỗ Minh Tuấn trả lời phỏng vấn báo chí tại lễ ra quân khai thác năm 2019. Ảnh Vũ Phong

– Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc định hướng, xây dựng ngành cao su phát triển bền vững?

Ông Đỗ Minh Tuấn: Đây là một chủ trương đúng với xu thế của thế giới. Tôi thấy việc định hướng xây dựng ngành phát triển bền vững đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của một doanh nghiệp. Khi đòi hỏi về tiêu chuẩn của thị trường thế giới ngày càng cao, doanh nghiệp không phải chỉ chú ý đến hiệu quả về kinh tế mà kèm theo đó là việc chăm lo tốt đời sống cho NLĐ, là các yếu tố về môi trường, xã hội và trách nhiệm với cộng đồng. Tất cả đều được xây dựng theo chuỗi giá trị.

Muốn sản phẩm của doanh nghiệp có chỗ đứng, vươn ra các thị trường lớn thì buộc phải cam kết thực hiện theo bộ tiêu chuẩn của các tổ chức rừng bền vững đề ra. Tôi cho việc

làm này là cần thiết, doanh nghiệp buộc phải cam kết có trách nhiệm. Việc doanh nghiệp nhận được các chứng chỉ rừng bền vững của các tổ chức quốc tế sẽ làm tăng giá trị, thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường.

Phát triển bền vững đi đôi với việc gia tăng năng suất, sản lượng vườn cây. Ảnh: Vũ Phong
Phát triển bền vững đi đôi với việc gia tăng năng suất, sản lượng vườn cây. Ảnh: Vũ Phong

– TCT Cao su Đồng Nai đã triển khai thực hiện chiến lược phát triển bền vững như thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Minh Tuấn: TCT đã bắt tay vào thực hiện các chủ trương của VRG về phát triển bền vững. Chúng tôi đồng thời xây dựng quy trình để đạt được hai chứng chỉ FSC và SFMI. Hiện nay đã gởi hồ sơ, triển khai tập huấn và thành lập Ban phụ trách để thực hiện. Cũng như FSC, SFMI cũng yêu cầu đơn vị thực hiện theo bộ tiêu chuẩn riêng. Trong thời gian đầu triển khai, TCT gặp những khó khăn nhất định. Đặc biệt là trong hệ thống, nhiều NLĐ không hiểu tại sao đang sản xuất bình thường thì nay lại khắt khe theo các tiêu chuẩn. Vì vậy các tổ chức đoàn thể và TCT phải tổ chức những buổi sinh hoạt tuyên truyền để tất cả NLĐ trong đơn vị hiểu được để có sự phối hợp nhịp nhàng trong hệ thống.

Việc thực hiện đòi hỏi phải có chi phí nên TCT đã tính toán chi phí trong lao động sản xuất hợp lý trong thời buổi giá bán mủ khó khăn như hiện nay. Đối với vườn cây, về lâu dài chúng tôi định hướng phải nâng cao năng suất vườn cây, đảm bảo năng suất suốt chu kỳ đạt trên 2 tấn/ha. Hiện nay, Nông trường Túc Trưng là lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp, là đơn vị đạt năng suất vườn cây trên 2 tấn/ha. TCT sẽ nhân rộng, định hướng để tăng đơn vị đạt năng suất tốt này lên như Nông trường Thái Hiệp Thành, Ông Quế, Bình Lộc… Để thực hiện định hướng lâu dài tăng năng suất vườn cây, TCT tiếp tục đầu tư thâm canh vườn cây, tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, TCT đã có hệ thống chuẩn mực đánh giá để các nông trường căn cứ vào đó biết điểm mạnh điểm yếu mà phát huy và khắc phục.

Tôi tin tưởng rằng với quyết tâm, với định hướng chiến lược của VRG thì không chỉ TCT Cao su Đồng Nai mà các đơn vị trực thuộc VRG sẽ bắt tay vào việc xây dựng đơn vị phát triển bền vững, thực hiện đúng các cam kết để nhận được chứng chỉ rừng bền vững của các tổ chức quốc tế.

– Xin trân trọng cảm ơn ông!

HÀ KHUÊ (THỰC HIỆN)